Nên thống nhất theo hợp đồng BOT

'Nếu đã thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) cho toàn tuyến TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận thì nên áp dụng thống nhất là hợp đồng BOT, không nên để một đoạn tuyến mà áp dụng 2 hình thức hợp đồng', PGS.TS. TRẦN CHỦNG, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đề xuất.

PGS.TS. Trần Chủng

PGS.TS. Trần Chủng

Nhà đầu tư tư nhân rất quan tâm tới dự án

- Mới đây, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6727/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì nghiên cứu và đề xuất đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương quy mô 8 làn xe, đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe theo phương thức đầu tư PPP toàn tuyến; quan điểm của ông thế nào về việc này?

- Trước hết, tôi hoàn toàn tán thành việc đầu tư mở rộng toàn dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, với hai đoạn tuyến là TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận. Bởi lẽ, hiện nay, hệ thống giao thông, đặc biệt là tuyến phía Nam đang mãn tải, quá sức chịu đựng của hệ thống cao tốc hiện hữu, thường xuyên gây ách tắc, nhất là tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Cụ thể, sau hơn 12 năm đưa vào khai thác, hiện mỗi ngày cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương có khoảng 52.000 lượt xe lưu thông, thường xuyên ùn tắc và hay xảy ra tai nạn; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận mỗi bên chỉ có 2 làn xe, chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, phục vụ trung bình khoảng 23.000 lượt xe/ngày và chạm mốc mãn tải. Đáng chú ý, dịp Tết Nguyên đán 2023 ghi nhận gần 40.000 lượt xe qua tuyến này; nếu không đầu tư mở rộng tuyến đường này sẽ là nút thắt cho sự phát triển của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, nhu cầu đầu tư mở rộng dự án cao tốc này là đòi hỏi cấp bách hiện nay. Việc lựa chọn phương thức đầu tư PPP cũng rất hợp lý đối với dự án này.

- Vì sao ông lại cho rằng nên đầu tư theo phương thức PPP?

- Hiện nay, chúng ta xác định một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội là kết cấu hạ tầng nên đã bố trí nguồn vốn cho lĩnh vực này từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với riêng dự án này, các nhà đầu tư tư nhân hiện rất quan tâm và sẵn sàng rót vốn theo mô hình PPP. Do vậy, chúng ta nên tận dụng cơ hội này để làm cho PPP hấp dẫn trở lại sau 2 năm gần như vắng bóng, kể từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ đầu năm 2021.

Cũng cần nói thêm rằng, 2 năm qua, chúng ta hầu như không có thêm dự án mới nào theo mô hình PPP phần lớn bởi cách thực hiện không chuẩn, chứ không phải do thể chế có lỗi. Cụ thể, lâu nay, đối với những dự án hấp dẫn nhà đầu tư thì chúng ta lại đầu tư công, còn dự án không hấp dẫn nhà đầu tư thì chúng ta làm PPP. Do vậy, với dự án mở rộng toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ đang rất thu hút nhà đầu tư, thì nên mở rộng cửa cho các nhà đầu tư tư nhân để họ tham gia theo mô hình PPP.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Báo Thanh niên

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Báo Thanh niên

Nên giao Bộ Giao thông Vận tải là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền

- Cũng theo Văn bản số 6727/VPCP-CN, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và địa phương có tuyến đường đi qua thống nhất loại hợp đồng phù hợp; trường hợp cần thiết báo cáo Quốc hội về việc áp dụng loại hợp đồng PPP. Theo ông, nên lựa chọn loại hợp đồng nào đối với dự án này?

- Hiện có những ý kiến khác nhau đối với hình thức hợp đồng của dự án này. Có ý kiến cho rằng, với tuyến TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương trước đây đầu tư công thì giờ nên tiếp tục thực hiện đầu tư công. Tuy nhiên, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm của tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là trước kia thực hiện theo đầu tư công nhưng sau đó chuyển sang PPP và đã mang lại hiệu quả rõ rệt, vậy tại sao ta lại không áp dụng cho dự án lần này? Do đó, tôi cho rằng, đã thực hiện PPP cho toàn tuyến TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận thì nên áp dụng thống nhất là hợp đồng BOT, không nên chọn BTL (hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) vì phương thức hoàn vốn khác với BOT. Cũng không nên để một đoạn tuyến mà áp dụng 2 hình thức hợp đồng sẽ không hợp lý.

Khi làm BOT, chúng ta đã có kinh nghiệm để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, thông qua việc lựa chọn nhà đầu tư cũng như thể hiện trong hợp đồng. Thêm nữa, dự án này hiện mặt bằng gần như đã có sẵn, tức công tác giải phóng mặt bằng rất thuận lợi, những hiểu biết về địa chất công trình đã có. Do vậy, nếu lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có kinh nghiệm về chuyên môn, thực sự có năng lực tài chính, đặc biệt là có kinh nghiệm tổ chức thực hiện thì hoàn toàn có thể bảo đảm dự án sẽ rất nhanh đưa vào khai thác nếu làm theo PPP (hợp đồng BOT).

- Đây là dự án lớn, đi qua nhiều địa phương, theo ông, nên giao cho cơ quan nào là cơ quan nhà nước có thẩm quyền?

- Theo tôi, thuận lợi nhất là giao cho Bộ Giao thông Vận tải, vì trước đây cơ quan này quản lý tuyến TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Bên cạnh đó, khi mở rộng dự án cao tốc có quy mô lớn nhất lên tới 8 làn xe, mà Bộ lại rất có kinh nghiệm về đầu tư PPP.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nen-thong-nhat-theo-hop-dong-bot-i341993/