Ngân hàng nào thiếu đội ngũ am hiểu công nghệ, ngân hàng đó đứng ngoài cuộc chơi
Tại Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng khoa học công nghệ vừa diễn ra sáng 16.7 tại Hà Nội, Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng có bài phát biểu khai mạc. Một Thế Giới xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ngành ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại có sứ mệnh cao cả đặc biệt là cung cấp cho khách hàng và trước sự thay đổi của cách mạng 4.0 thì việc cung cấp dịch vụ này đã có thay đổi khác biệt trước kia.
Thứ nhất là kênh bán hàng: Hiện nay, trên 90% giao dịch của khách hàng thực hiện qua kênh số. Điều đó cho thấy rằng nhân lực ngành ngân hàng đã dịch chuyển từ việc đa số nhân lực tiếp xúc với khách hàng, giờ không còn nữa.
Thứ hai, các dịch vụ ngân hàng thực hiện tự động, ở đây không còn bất kể giao dịch viên nào, con người nào đọc chứng từ ngân hàng nữa. Điều đó, đòi hỏi ngành ngân hàng phải tái cấu trúc quy trình, xây dựng quy trình nghiệp vụ thông minh. Điều đặc biệt quan trọng phải có một đội ngũ am hiểu về nghiệp vụ, về công nghệ thông tin đi cùng với nhau để xây dựng nghiệp vụ đó. Ngân hàng nào không làm được điều đó thì không tham gia được cuộc chơi. Như vậy hình thành nên một đội ngũ ngân hàng mới, đó là công nghệ là nghiệp vụ hiểu biết lẫn nhau và đi cùng nhau. Thứ trưởng Bùi Thế Duy ở đây là người am hiểu nhất về vấn đề này, rất khác xưa từ việc phát triển các ứng dụng.
Thứ ba, cán bộ ngân hàng trước kia rất hiểu về kế toán, định tài khoản này, nợ tài khoản này, có tài khoản kia. Bây giờ, nhiều nhân viên không biết hạch toán vào đâu cả. Máy tự động hạch toán hết, quẹt tiền qua điện thoại trả tiền bà bán cá, bán rau... thì lập tức hệ thống trừ tiền của người mua hàng và chuyển qua người bán hàng, không ai biết quy trình hạch toán đó cả, không biết số liệu tài khoản bao nhiêu, cho nên bây giờ người ta gọi kế toán không phải là kế toán, kế toán mà không phải lập cân đối cấp 3, cân đối chi tiết, sinh ra một đội ngũ ngân hàng hoàn toàn khác.
Một điểm rất khác nữa là số lượng và giá trị giao dịch. Trước kia chúng ta mơ là một ngày có 1 triệu giao dịch, còn bây giờ mỗi ngày có 50-100 triệu giao dịch tài chính. Nó thách thức chúng ta ở câu chuyện kiểm soát thế nào?
Rõ ràng chúng ta không thể kiểm soát chứng từ đóng cặp dày như trước kia mà phải sinh ra các hệ thống áp dụng AI, áp dụng công nghệ mới để chúng ta kiểm soát, phát hiện những lỗi về giao dịch. Khối lượng, số lượng, cách thức cung ứng bên cạnh đó có lẽ chưa bao giờ mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Tất cả các ngân hàng ở Việt Nam khi số lượng giao dịch tăng như vậy, khách hàng tăng như vậy. Đến ngày hôm nay theo thống kê thì chúng ta có khoảng 200 triệu tài khoản tiền gửi, với 87% người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng, một con số mà năm 2017 không bao giờ chúng ta mơ tới. Năm 2017 chúng ta có khoảng 31% người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Đây là những con số cho thấy số lượng giao dịch lớn. Và nhân lực của ngân hàng cũng phải thay đổi, hầu hết các ngân hàng đã phải thành lập một khối chuyên trách, đó là khối dữ liệu, tương tự như là khối tín dụng. Như thấy chúng ta thấy được tầm quan trọng bao trùm lên đó.
Nhiều ngân hàng hiện nay đang coi rủi ro về công nghệ thông tin tương tự như rủi ro về tín dụng, như vậy sẽ hình thành nên một hệ thống quản lý rủi ro rất khác, quản lý rủi ro, ứng xử rủi ro, rủi ro trên không gian mạng nhiều nên cách ứng xử sẽ khác, bao trùm lên đó là an ninh an toàn công nghệ thông tin.
Thưa các anh chị, chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực về an ninh công nghệ thông tin như hiện nay. Chúng ta thấy một bức tranh thay đổi hoàn toàn, từ tiếp xúc trực tiếp đến cách thức quản trị, cách thức giám sát, nhân lực. Chúng ta đang phải thích ghi với thay đổi này.
Đó là bên trong ngân hàng. Còn bên ngoài ngân hàng thì sao? 2 năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước đều tổ chức Hội nghị với tiêu đề hệ sinh thái số, năm nay là hệ sinh thái số thông minh. Ngân hàng không còn đứng riêng một mình, trong app ngân hàng đã mua được vé máy bay, đã xem được phương thức di chuyển của một chiếc taxi. Chúng ta thấy rằng hệ sinh thái, tính kết nối, tích hợp, tính liên thông giữa ngành ngân hàng với các ngành khác đang ở mức độ rất cao. Chúng ta sẽ hình thành nên những khái niệm mới đó là open banking, ngân hàng cũng phải hiểu biết nghiệp vụ của các ngành nghề kinh doanh khác. Nhân lực ngành ngân hàng cũng đang thay đổi theo hướng hệ sinh thái thông minh như thế.
Những thay đổi tiếp theo có thể thấy, anh Phan Đức Trung (Chủ tịch Hiệp hội Blockchain) biết rõ rồi, tài sản ảo ra đời, hợp đồng thông minh ra đời, chữ ký điện tử được áp dụng mạnh mẽ, thay đổi thói quen, cách thức xử lý trong hoạt động ngân hàng. Bây giờ cho vay 100 triệu không cần phải có chứng từ giấy, rồi sắp tới đây những hoạt động mới phát sinh. Theo đó, nhân lực ngành ngân hàng phải thay đổi để đáp ứng một cách rất nhanh.
Tôi rất vui khi Tạp chí Một Thế Giới đã tổ chức Diễn đàn ngày hôm nay, có rất nhiều diễn giả, chuyên gia ở đây để chúng ta cùng nhìn nhận những vấn đề từ khâu đào tạo đến tuyển dụng, sử dụng, bố trí, đến các khâu khác như tiền lương, đãi ngộ... liên quan đến nhân lực ngành ngân hàng.
Tôi hi vọng với diễn đàn ngày hôm nay, các đơn vị tham mưu, Bộ KH-CN, Ngân hàng Nhà nước có thể nhận được ý kiến đóng góp dưới nhiều góc độ để qua đó chúng tôi có những định hướng với hoạt động ngân hàng dưới góc độ la cơ quan quản lý, cũng như các ngân hàng thương mại hiện nay tìm ra những điểm mới trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành ngân hàng.