Ngân hàng rót vốn xuyên chuỗi cung ứng, mở khóa dòng vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Mô hình tín dụng chuỗi cung ứng dựa trên hợp đồng mua bán thay vì tài sản thế chấp nổi lên như một hướng đi đầy kỳ vọng.
Chia sẻ tại Talkshow "Đón sóng Nghị quyết 68" được tổ chức ngày 16/7, ông Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nhấn mạnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện là xương sống của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Cục Thống kê, tính đến tháng 6/2025, cả nước có khoảng 980 nghìn doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97%. Họ đóng góp hơn 45% GDP, hơn 31% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 60% việc làm.
"Đây là lực lượng then chốt, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn góp phần ổn định xã hội thông qua việc làm và đổi mới sáng tạo" - ông Quốc Anh khẳng định.
Nhiều "điểm nghẽn" lớn đang kìm hãm
Tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Thứ nhất, vấn đề vốn là điểm nghẽn chính. Thứ hai, quản trị yếu cũng là rào cản. Hơn 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ vận hành theo kiểu gia đình, thiếu chiến lược bài bản và kỹ năng chuyển đổi số.
70% doanh nghiệp vừa và nhỏ chật vật vay vốn
"Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng, do thiếu tài sản đảm bảo, dòng tiền chưa ổn định, hoặc hồ sơ kế toán chưa minh bạch. Chỉ khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các khoản vay tín chấp hoặc ưu đãi" - ông Mạc Quốc Anh nêu rõ thực tế.
Thứ ba, chuỗi cung ứng và thị trường vẫn chịu tác động từ đứt gãy do xung đột địa chính trị. Cuối cùng, tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) là thách thức mới.
"Gần 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được đào tạo hoặc hiểu rõ quy trình tuân thủ ESG, trong khi các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản yêu cầu khắt khe về phát triển xanh. Từ năm 2026, EU sẽ áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới carbon (CBAM). Nếu không giảm phát thải, doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ mất thị trường" - ông Quốc Anh lưu ý.

Talkshow "Đón sóng Nghị quyết 68". Ảnh: T.L.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Ngô Tấn Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng cho rằng, vốn là yếu tố sống còn để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của nhóm doanh nghiệp này còn hạn chế.
"Chúng tôi nhận thấy điểm nghẽn chính nằm ở việc doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa chuẩn bị được kế hoạch kinh doanh khả thi, bài bản và tình hình tài chính chưa minh bạch. Điều này khiến các ngân hàng, kể cả ACB, phải thận trọng và thường yêu cầu tài sản đảm bảo, đây là yếu tố mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu" - ông Long nhìn nhận.
Các ý kiến tại sự kiện cho rằng, những khó khăn kể trên phản ánh nội lực yếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, kết hợp với bối cảnh thị trường biến động nhanh, đặc biệt từ các chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Nếu không có hỗ trợ từ chính sách như Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) hay sự đồng hành của các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó vượt qua giai đoạn này.
Gỡ vướng tín dụng chuỗi cung ứng, cho vay không cần thế chấp
Một trong những nội dung được dành nhiều thời gian thảo luận tại sự kiện là tín dụng theo chuỗi cung ứng, tức cho vay vốn từ nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhà sản xuất, doanh nghiệp tham gia chuỗi, thay vì hỗ trợ riêng lẻ từng doanh nghiệp. Đây là một trong những giải pháp then chốt được nhấn mạnh trong Nghị quyết 68.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, đây là mô hình đã được ngành ngân hàng thử nghiệm, cho phép doanh nghiệp tham gia chuỗi được vay vốn dựa trên hợp đồng mua bán, thay vì phụ thuộc vào tài sản thế chấp. Tuy nhiên, hình thức này vẫn gặp nhiều rào cản trong triển khai, ước tính có tới 65% hợp đồng mua bán vẫn thực hiện theo cách thủ công, khiến việc thẩm định và cấp tín dụng theo chuỗi còn hạn chế.
"Doanh nghiệp lớn chưa cam kết đầy đủ, rõ ràng để các ngân hàng có thể tin tưởng về dòng tiền. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít khi có hợp đồng dài hạn, nên dòng tiền thường bị đứt gãy, xảy ra biến cố về hủy hợp đồng, dừng hợp đồng" - ông Quốc Anh chỉ rõ bất cập.

Doanh nghiệp tham gia chuỗi được vay vốn dựa trên hợp đồng mua bán, thay vì phụ thuộc vào tài sản thế chấp. Ảnh minh họa.
Để triển khai hiệu quả giải pháp này, ông Quốc Anh cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý, trong đó, công nhận hợp đồng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin như blockchain, giúp tăng tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn tín dụng chuỗi, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa ngân hàng, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp lớn, nhằm thiết lập cơ chế bảo lãnh. Hiệp hội cũng tư vấn cho các doanh nghiệp phải trích lập các quỹ dự phòng rủi ro từ 3 - 5% khi có doanh thu, lợi nhuận để ngân hàng yên tâm khi giải ngân.
"Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu chuỗi ký các hợp đồng dài hạn từ 3-5 năm, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có căn cứ chứng minh dòng tiền mang tính dài hạn, ngân hàng giải ngân dễ dàng" - ông Quốc Anh nhấn mạnh.
"Đo ni đóng giày”, ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp
"ACB đã xác định tiểu thương ở các chợ và doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ là trọng tâm. Việc này giúp ACB hiểu sâu sắc nhu cầu, khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ và xây dựng văn hóa phục vụ ăn sâu vào mọi cấp độ của ngân hàng. Đây là nền tảng để ACB thiết kế sản phẩm, dịch vụ “đo ni đóng giày” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ".
Từ góc độ ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc ACB Ngô Tấn Long nhận định, tài trợ chuỗi cung ứng là xu hướng tất yếu, giúp tối ưu hóa dòng tiền giữa nhà cung cấp, nhà sản xuất lớn, và nhà phân phối, giảm rủi ro thanh khoản.
"Dù hiệu quả chưa như kỳ vọng, với đầu tư vào công nghệ số, chữ ký điện tử, và hạ tầng kỹ thuật, chúng tôi tin lĩnh vực này sẽ tăng trưởng mạnh" - ông Long nhìn nhận.
Tại ACB đang triển khai tài trợ khép kín toàn chuỗi từ đầu vào đến đầu ra, tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng nhanh và thương mại phân phối, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là nhóm khách hàng trọng tâm trong chiến lược phát triển của ACB từ xưa đến nay.
Ngân hàng hiện dành gói tín dụng 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi; đồng thời, cung cấp các hình thức vay linh hoạt như cho vay theo dòng tiền với hạn mức lên tới 10 tỷ đồng, thấu chi, vay không cần tài sản đảm bảo và vay dài hạn lên tới 15 năm. Ngoài ra, ACB còn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn hiệu quả, linh hoạt hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh./.