Ngành Nông nghiệp Hà Nội:Tìm cách đưa nông sản vươn xa

Trong năm qua, xuất khẩu nông sản đã mang về cho ngành Nông nghiệp Thủ đô hơn 1,35 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng, bởi nông nghiệp Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, quy mô nhỏ lẻ.

Thành phố kỳ vọng, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp cho nông sản Hà Nội mở cánh cửa xuất khẩu với một tâm thế mới.

Sấy cần tây làm nguyên liệu sản xuất tinh bột xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Thiết bị HP Việt Nam (huyện Chương Mỹ).

Sấy cần tây làm nguyên liệu sản xuất tinh bột xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Thiết bị HP Việt Nam (huyện Chương Mỹ).

Đa dạng về sản phẩm

Trong số các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu thế mạnh của Hà Nội phải kể đến nhóm cây gia vị. Đây là nhóm cây trồng không cần quy mô lớn, song lại có yêu cầu cao về tiêu chuẩn trong sản xuất và chế biến.

Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường (quận Long Biên) Trần Văn Hiếu chia sẻ, công ty chuyên chế biến các sản phẩm gia vị hữu cơ từ gừng, nghệ, quế, hồi, tỏi, ớt, sả. Vùng sản xuất nguyên liệu chính của công ty là ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang; còn ở Hà Nội vùng nguyên liệu rất ít, quy mô nhỏ. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 300 tấn quế khô, 200 tấn hồi khô, 500 tấn gừng tươi, 100 tấn nghệ khô và 200 tấn ớt chỉ thiên tươi… Các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, một số nước châu Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Cũng là mặt hàng rau, loại rau ăn lá của Hà Nội được xuất khẩu sang một số nước và được người tiêu dùng ưa thích, bán giá cao là rau muống. Rau muống đạt tiêu chuẩn VietGAP nếu bán tại các siêu thị ở Hà Nội có giá 10.000-15.000 đồng/bó, nhưng khi xuất sang Hàn Quốc lại có giá đến 2.880 won/bó (khoảng 52.000 đồng).

Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, hợp tác xã có khoảng 250ha trồng rau an toàn, trong đó có 15ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, có sản phẩm được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Đánh giá về hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản của thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, mặc dù quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, song tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội lại khá lớn và có nhóm ngành hàng phù hợp với quy mô sản xuất để xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội là quế, hồi, gia vị (tỏi, gừng, ớt), chè xanh, chè đen, gạo, nấm hương, mộc nhĩ… Hiện tại, Hà Nội có gần 70 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Đông Á. Đây cũng là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Thủ đô. Ngoài ra, nông sản của Hà Nội còn xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, khu vực Nam Á, Đông Nam Á và khu vực Trung Đông.

Cơ chế, chính sách mới sẽ tạo bứt phá

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, Hà Nội đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và có 4 cơ sở đóng gói với công suất từ 30 đến 50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, Hà Nội còn nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, như: Hơn 7.000ha lúa Japonica; hơn 5.000ha rau an toàn; 3.200ha chuối tiêu hồng; 50ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, nông sản Hà Nội khá phong phú, có thể đáp ứng được yêu cầu để xuất khẩu. Song, bài toán hiện nay là quy hoạch và công nghệ. Nông sản Hà Nội kỳ vọng sẽ tháo được nút thắt này khi Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đây.

Theo đó, quy hoạch nông nghiệp sẽ thiết lập không gian phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị; nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Đây là vùng sản xuất với quy mô vừa, phù hợp quỹ đất của Hà Nội, song đi liền là ứng dụng công nghệ trong quá trình canh tác, sơ chế, chế biến để xuất khẩu. Đây được đánh giá là chìa khóa để tháo gỡ nút thắt hiện nay cho xuất khẩu nông sản Hà Nội nói riêng, tạo giá trị gia tăng cho ngành và nông dân nói chung.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần lựa chọn những sản phẩm có thế mạnh để xây dựng lộ trình sản xuất gắn với chế biến để xuất khẩu. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam Hoàng Vĩnh Long, Hà Nội hiện có 59 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè xanh, chè đen, với tổng sản lượng đạt hơn 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 16-18% tổng sản lượng chè xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng, nhiều vùng chè của Hà Nội hiện chưa đạt chất lượng để xuất khẩu, nên cần tập trung cải tạo cây giống và áp dụng quy trình sản xuất bài bản cho cây chè.

Để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, nông nghiệp Hà Nội phải vươn lên là điểm sáng, đi đầu trong cả nước với công nghệ và chế biến, hướng tới xuất khẩu con giống. Với quy hoạch về nông nghiệp và những chính sách “cởi mở” riêng, Hà Nội phải “biến mình” thành trung tâm trung chuyển, chế biến nông sản. Nông nghiệp Hà Nội phải liên kết với các tỉnh, thành phố theo chuẩn mực quốc tế để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng:

Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng:

Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm gắn liền với vùng chuyên canh có mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng tiếp tục tham mưu, đề xuất thành phố điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách nhằm phát triển chế biến nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản; tăng cường tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu...

Bên cạnh đó, để nâng cao công tác xuất khẩu nông sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội thực hiện các giải pháp đồng bộ, tập trung vào chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất; hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến và chợ đầu mối nông sản.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh, chế biến nông sản Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu:

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh, chế biến nông sản Bảo Minh Bùi Thị Hạnh Hiếu:

Cần khuyến khích phát triển vùng trồng

Hiện tại, Công ty cổ phần Kinh doanh, chế biến nông sản Bảo Minh đang liên kết với nông dân của 20 tỉnh, thành phố để phát triển sản phẩm gạo, với tổng diện tích gieo trồng lúa khoảng 20.000ha. Tại Hà Nội, công ty đang liên kết với nông dân ở các xã: Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), Tam Hưng (huyện Thanh Oai) và Tuy Lai, Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức), với quy mô trồng lúa từ 50 đến 100ha/xã.

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, công ty đã liên kết với nông dân của Hà Nội từ sản xuất tới sơ chế, chế biến sản phẩm theo quy trình khép kín. Sản phẩm gạo Bảo Minh có tem nhãn, mã số vùng trồng, quy trình canh tác, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, để Hà Nội có nhiều nông sản xuất khẩu, các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển vùng trồng; liên kết tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới xuất khẩu, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân…

Phó Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền:

Phó Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền:

Nhóm cây trồng dược liệu có tiềm năng lớn

Cây dược liệu cũng là nguồn cây quý của ngành Nông nghiệp. Nếu xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn, ứng dụng công nghệ cao trong chế biến, thì đây là nhóm cây trồng xuất khẩu cho giá trị lớn.

Hiện Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn đã phát triển 21ha dược liệu, tập trung tại các xã: Bắc Sơn, Xuân Giang… của huyện Sóc Sơn. Sản phẩm chủ yếu của hợp tác xã là trà hoa vàng, túi trà thực phẩm của cây thìa canh, kim ngân, xạ đen, tam thất… Hiện mới có trà hoa vàng được xuất khẩu sang Nhật Bản, nhưng số lượng chưa lớn.

Đối với vùng nguyên liệu, hiện hợp tác xã cơ bản đáp ứng được khối lượng lớn, ổn định cho chế biến, song việc xây dựng nhà máy chế biến đang là vấn đề khó khăn. Hợp tác xã mong muốn Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, nguồn vốn xây dựng nhà máy chế biến đạt chuẩn để có thể sản xuất các loại trà thảo dược xuất khẩu đi nhiều thị trường khác, với số lượng lớn.

Dung - Huyền ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nganh-nong-nghiep-ha-noi-tim-cach-dua-nong-san-vuon-xa-666210.html