Ngành sử học vượt bóng 'cây đa, cây đề' như thế nào?
Một câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thực sự có một nền khoa học lịch sử tầm vóc 'cây đa, cây đề'. Có phải lĩnh vực này luôn là lãnh địa của các nhà sử học 'sống lâu lên lão làng' dù cho họ có am tường về đủ thứ trên đời?
Thông qua nhiều nguồn thông tin, tôi biết rằng Khoa Lịch sử ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội có đa số luận văn tốt nghiệp của sinh viên về gia phả. Các họ tộc đã tự làm các gia phả để khuếch trương dòng họ, sau đó họ bỏ tiền thuê các giáo sư đứng tên công trình nghiên cứu để thêm phần giá trị cho gia phả. Sau này, các thầy nhận hợp đồng và giao cho sinh viên nghiên cứu để sinh viên lấy đó làm công trình luận văn tốt nghiệp của mình.
Một nhà sử học có chức sắc cao cấp của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam luôn xuất hiện trên truyền thông để nói mọi thứ đông tây kim cổ và nói rất hay. Tuy nhiên, nhà sử học này không thấy có lần nào nhắc tới thế hệ kế cận của chính ngành học của ông ta - ngành khoa học lịch sử.
Đến đây, tôi nhận thấy một khoảng trống vắng những nghiên cứu lịch sử mang tính chuyên ngành của rất nhiều lĩnh vực như: hàng không, hàng hải, công nghệ thông tin, viễn thông, giao thông, tài chính... Trên thực tế, những cứ liệu chuyên ngành này rất cần thiết cho việc phát triển chuyên sâu.
Các nhà sử học chuyên nghiệp có cơ hội với trong các lĩnh vực chuyên ngành này không? Câu trả lời là có. Nhưng họ không thể tự làm được nếu như không có sự nghiên cứu và giúp sức của các chuyên gia trong các lĩnh vực đó.
Vậy cơ hội dành cho lớp trẻ sẽ đi tiếp con đường khoa học lịch sử, nhất là lịch sử chuyên ngành. Nhưng sự giúp sức của các chuyên gia trong ngành chỉ khoảng 30%. 20% khác là được nhà trường tạo điều kiện còn lại là nỗ lực của chính những người trẻ muốn theo đuổi chuyên ngành này.
Chính vì vậy, rất ít sinh viên lịch sử lựa chọn hướng đi mới này. Cần có một cuộc cách mạng trong ngành lịch sử nước nhà bắt đầu từ thế hệ trẻ. Các sinh viên hãy mạnh dạn bước lên những khoảng trời mới, vượt lên khỏi tính khuôn mẫu của nền sử học "cây đa, cây đề". Nơi mà định kiến rằng làm sử học phải "già" phải "lão làng" chứ trẻ tuổi "thì biết gì".
Các nhà sử học trẻ đừng xây viên gạch đầu tiên từ những "gia phả" theo hợp đồng mà hãy tạo lập vị thế từ các lĩnh vực chưa được đào sâu, chưa khai phá nhưng lại có ích cho sự phát triển tương lai các chuyên ngành khác; làm giàu, làm sâu vốn truyền thống, tinh hoa, tri thức của các chuyên ngành khác nhau, phục vụ sự phát triển chung của đất nước.