Ngành thép Việt Nam phục hồi nhờ nhu cầu nội địa, Hòa Phát vượt Formosa dẫn đầu mảng HRC

Theo báo cáo triển vọng ngành thép vừa được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố, trong 5 tháng đầu năm 2025, tổng sản lượng thép thành phẩm tại Việt Nam đạt hơn 13 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ thị trường nội địa, khi nhu cầu xây dựng trong nước tiếp tục duy trì ổn định, đặc biệt tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Thị trường thép xây dựng khởi sắc rõ nét tại miền Bắc và miền Trung

Thép xây dựng ghi nhận kết quả tích cực ở cả hai khu vực miền Bắc và miền Trung, với sản lượng tiêu thụ lần lượt đạt 2,9 triệu tấn và 0,6 triệu tấn – tăng tương ứng 28% và 30% so với cùng kỳ. Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu với 2,1 triệu tấn tiêu thụ (tăng 15% YoY), chiếm khoảng 38% thị phần.

Đứng sau là các doanh nghiệp thuộc khối VN Steel. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thép xây dựng giảm 7%, chỉ còn 771.000 tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu của Hòa Phát giảm mạnh 28%, xuống còn 381.000 tấn.

Tổng sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm thép (nghìn tấn).

Tổng sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm thép (nghìn tấn).

Lĩnh vực thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của Hòa Phát, với sản lượng đạt 1,8 triệu tấn, tăng 37% so với cùng kỳ. Từ tháng 3/2025, Hòa Phát đã vượt Formosa để trở thành doanh nghiệp sản xuất HRC lớn nhất trong nước. Đây là kết quả của việc được hưởng lợi từ chính sách áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và sản lượng tăng từ nhà máy Dung Quất 2. Trong khi đó, sản lượng HRC của Formosa không có nhiều biến động.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu HRC của Hòa Phát lại sụt giảm mạnh 48% so với cùng kỳ, xuống còn 232.000 tấn, do ảnh hưởng từ các biện pháp phòng vệ thương mại tại châu Âu.

Trái ngược với các nhóm sản phẩm khác, tôn mạ ghi nhận mức suy giảm ở cả sản xuất và tiêu thụ trong 5 tháng đầu năm, chủ yếu do các doanh nghiệp chuyển hướng tập trung vào thị trường trong nước. Tổng sản lượng xuất khẩu của ngành chỉ đạt 835.000 tấn, giảm tới 38% so với cùng kỳ năm trước, do các rào cản thương mại từ các thị trường truyền thống.

Ba doanh nghiệp dẫn đầu thị phần là Hoa Sen (HSG), Tôn Đông Á (GDA) và Thép Nam Kim (NKG) đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh ở mảng xuất khẩu, lần lượt ở mức 53%, 82% và 98%. Ở thị trường nội địa, Hoa Sen dần chiếm ưu thế tại miền Bắc và miền Trung, trong khi GDA và NKG giữ vững vị trí tại miền Nam.

Tiêu thụ ống thép tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng ở cả hai kênh nội địa và xuất khẩu, với tổng sản lượng lũy kế đạt 1,1 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, Hòa Phát đạt 327.000 tấn (tăng 24%), chiếm 29% thị phần, đứng đầu thị trường; theo sau là Hoa Sen với 168.000 tấn.

Giá thép ổn định nhờ chi phí nguyên liệu không biến động mạnh

Giá bán các sản phẩm thép xây dựng và HRC tại thị trường nội địa nhìn chung duy trì ổn định trong nửa đầu năm. Giá thép thanh D10 phổ biến ở mức 13.300 – 13.800 đồng/kg.

Giá HRC ổn định quanh mốc 490 USD/tấn, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh năm 2022 và đang được giữ ở mức cạnh tranh so với các thị trường Mỹ và châu Âu – nơi giá bị đẩy cao do chính sách thuế nhập khẩu và xu hướng tích trữ.

Sản lượng tiêu thụ HRC (nghìn tấn).

Sản lượng tiêu thụ HRC (nghìn tấn).

Tương tự, giá bán của các sản phẩm ống thép và tôn mạ chỉ tăng nhẹ so với cuối năm 2024. Dù tháng 3 thường là thời điểm tiêu thụ tôn mạ tích cực, song nhu cầu chưa phục hồi mạnh cùng giá HRC thấp khiến các nhà máy ưu tiên điều tiết sản lượng, hạn chế tăng giá và kéo dài các chính sách kích cầu.

Dự báo kết quả kinh doanh quý 2/2025 của các doanh nghiệp lớn

Dựa trên những diễn biến tích cực của thị trường, VDSC đưa ra dự báo khả quan cho một số doanh nghiệp thép lớn trong quý 2/2025:

Hòa Phát (HPG): Dự kiến doanh thu đạt 45.500 tỷ đồng, tăng 15% YoY; lợi nhuận sau thuế đạt 4.150 tỷ đồng, tăng 25% YoY. Tăng trưởng chủ yếu đến từ sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và HRC tăng 20% so với quý trước, cùng với việc nhà máy Dung Quất 2 hoạt động ổn định ở khoảng 70% công suất giai đoạn 1. Giá bán ổn định và chi phí than cốc thấp tiếp tục hỗ trợ biên lợi nhuận.

Hoa Sen (HSG): Dự báo doanh thu quý 2 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 12% QoQ nhưng giảm 12% YoY. Lợi nhuận ròng ước tính 285 tỷ đồng, tăng 39% QoQ và tăng nhẹ 4% YoY. Sản lượng tôn mạ và ống thép tăng 12% so với quý trước, trong khi sản lượng ống nhựa tăng nhẹ 5%.

Tôn Đông Á (GDA): Doanh thu dự kiến đạt 4.136 tỷ đồng, tăng 4% QoQ nhưng giảm 31% YoY. Lợi nhuận ròng khoảng 77 tỷ đồng, tăng 22% QoQ và giảm 55% YoY. Tăng trưởng chủ yếu đến từ kênh nội địa và giá nguyên liệu ổn định.

Thép Nam Kim (NKG): Doanh thu quý 2 dự kiến đạt 3.800 tỷ đồng, giảm 7% QoQ và 33% YoY; lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 62 tỷ đồng, giảm 5% QoQ và 59% YoY. Nguyên nhân chính là sự suy giảm sản lượng từ thị trường xuất khẩu.

An Vũ

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/nganh-thep-viet-nam-phuc-hoi-nho-nhu-cau-noi-dia-hoa-phat-vuot-formosa-dan-dau-mang-hrc-146543.html