Ngành Tư pháp: Các văn bản quy phạm pháp luật phải hợp hiến

Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực của công tác tư pháp. Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn tỉnh.

Ngành tư pháp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm.

Ngành tư pháp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm.

Những tháng đầu năm dù còn nhiều khó khăn nhưng Sở Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác để phù hợp trong tình hình mới, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà sở chú trọng thực hiện hiệu quả đó là công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Sở đã tích cực, chủ động theo dõi, đôn đốc tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết, triển khai thi hành luật có hiệu lực trong năm, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị xây dựng dự thảo văn bản theo đúng quy trình ban hành văn bản QPPL, tích cực tham gia cùng đơn vị chủ trì xây dựng văn bản từ giai đoạn dự thảo. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự thảo văn bản QPPL, đảm bảo 100% văn bản QPPL của HĐND và UBND các cấp đều được các cơ quan tư pháp thẩm định trước khi ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi của văn bản.

Một cán bộ Tư pháp hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính

Một cán bộ Tư pháp hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính

Qua đó, toàn tỉnh đã ban hành 27 văn bản QPPL gồm 6 Nghị quyết của HĐND tỉnh và 21 Quyết định của UBND tỉnh. Trong đó, Sở đã soạn thảo 1 Nghị quyết và 3 Quyết định. Ngoài ra trình UBND tỉnh 1 dự thảo văn bản QPPL liên quan đến quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận và hoàn thành 42/56 văn bản đề nghị góp ý dự thảo văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh, tăng 24 hồ sơ so với cùng kỳ, góp ý 92/99 dự thảo văn bản khác ngoài văn bản QPPL… Sở cũng đã tham gia góp ý, hướng dẫn xử lý nhiều vụ, việc cho các sở, ngành, địa phương. Qua đó đã có ý kiến đối với 21 hồ sơ vụ việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực thương mại, xây dựng, đất đai, môi trường, thủy sản, bảo hiểm xã hội...

Cán bộ Tư pháp chứng thực văn bản.

Cán bộ Tư pháp chứng thực văn bản.

Đi đôi với công tác xây dựng pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng, tình hình, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải nhiều thông tin pháp luật đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, giúp người dân tiếp cận pháp luật dễ dàng. Ngoài ra có thể đề đạt các ý kiến, kiến nghị, hỏi đáp pháp luật... và có phản hồi kịp thời từ cơ quan Nhà nước, góp phần định hướng dư luận xã hội đối với các thông tin pháp luật không chính xác, không chính thống, xuyên tạc quy định pháp luật Việt Nam và các chủ trương, chính sách, pháp luật.

Đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở... Tổ chức thành công đợt 1 cuộc thi trực tuyến: “Tìm hiểu pháp luật”, có 20.014 thí sinh tham gia dự thi với 28.568 lượt dự thi. Biên soạn và phát hành đến 15 đơn vị cấp xã đăng ký về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn kiểu mẫu 23.000 tờ gấp và 1.650 quyển sổ tay Hỏi-Đáp tình huống pháp luật tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thường xuyên đăng tải các tin, bài PBGDPL trên mạng xã hội thông qua Fanpage “Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Bình Thuận” và Trang thông tin điện tử của Sở, thực hiện chuyên mục “Mỗi tuần một điều luật” trên Trang thông tin điện tử của Sở.

Ngoài ra còn nhiều công tác khác cũng được Sở quan tâm chú trọng. Trong đó, hòa giải ở cơ sở đã hòa giải thành 369 vụ, quản lý Nhà nước về hộ tịch, chứng thực, quốc tịch, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi tiếp tục được tăng cường, đã đăng ký khai sinh cho 8.564 trường hợp bao gồm đăng ký khai sinh đúng hạn là 6.384 trường hợp, đăng ký khai sinh quá hạn là 2.258 trường hợp…

Tuy vậy, Sở Tư pháp cho biết, quá trình triển khai nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, nhất là trong các công tác xây dựng, thẩm định, góp ý, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL và bổ trợ tư pháp. Một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục, thời gian xây dựng văn bản QPPL theo quy định. Việc xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn không quá 15 ngày. Đối với công dân cư trú tại một nơi thì thời hạn giải quyết là phù hợp, nhưng đối với những hồ sơ phải xác minh tình trạng đương nhiên được xóa án tích thì quy định thời hạn 15 ngày là chưa đảm bảo thời gian xác minh xóa án tích.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác những tháng còn lại của năm, Sở Tư pháp cho biết sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường công tác cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý, xây dựng văn bản QPPL tại địa phương, chú trọng công tác tự kiểm tra, kiểm tra văn bản QPPL và xử lý kịp thời đúng quy định văn bản sau khi có kết luận kiểm tra. Ngoài ra, tăng cường rà soát thường xuyên, rà soát theo lĩnh vực qua đó nhằm kịp thời phát hiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ, gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội, việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức và doanh nghiệp...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nganh-tu-phap-cac-van-ban-quy-pham-phap-luat-phai-hop-hien-120377.html