Ngành xuất bản cần quan tâm đào tạo bồi dưỡng nguồn biên tập viên

Chiều 22-4, tại TPHCM, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Xuất bản, In và Phát hành xuất bản phẩm.

Năm 2024, toàn ngành xuất bản, in và phát hành đứng trước thách thức rất lớn, trong đó có biến động thị trường nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng và những khó khăn mới do sụt giảm sức mua của thị trường trong nước và gián đoạn cung ứng của thị trường xuất khẩu. Tuy vậy, vượt qua những khó khăn chủ quan và khách quan, toàn ngành đã thu được những kết quả tương đối khả quan.

Riêng lĩnh vực xuất bản, tính đến hết ngày 31-12-2024, tổng số xuất bản phẩm đạt được là 51.443 xuất bản phẩm với 597.182.861 bản (tăng 37,2% về xuất bản phẩm và tăng 11,3% về bản/lượt truy cập so với năm 2023). Tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 4.500 tỷ đồng (tăng 10,3%); nộp ngân sách hơn 212 tỷ đồng (giảm 44,67%); lợi nhuận (sau thuế) đạt hơn 507 tỷ đồng (tăng 11,41%).

 Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành báo cáo tình hình hoạt động năm 2024 và phương hướng cho năm 2025 trước hội nghị

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành báo cáo tình hình hoạt động năm 2024 và phương hướng cho năm 2025 trước hội nghị

Cũng trong năm qua, chuyển đổi số ở các NXB tiếp tục được quan tâm. Số lượng NXB tham gia xuất bản điện tử tăng 29,1%, đưa số NXB tham gia xuất bản điện tử đạt 54,3%, vượt chỉ tiêu tăng trưởng. Đặc biệt, đã phát triển một số nền tảng dùng chung cho toàn ngành, trong đó có “Nền tảng sách, báo điện tử thiết yếu” của NXB Thông tin và Truyền thông, nền tảng sách chính trị - pháp luật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, nền tảng sách khoa học của NXB Xây dựng...

 Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, đề xuất xây dựng nền tảng dùng chung cho các đơn vị xuất bản

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, đề xuất xây dựng nền tảng dùng chung cho các đơn vị xuất bản

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh, phức tạp, đặc biệt cuộc chiến tranh thương mại với những diễn biến căng thẳng thời quan gần đây đang đe dọa sự phát triển và vận hành kinh tế toàn cầu, gây nên những đứt gãy cung ứng nguyên liệu và hàng hóa.

“Văn hóa đọc có những bước khởi sắc, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và xu thế toàn cầu hóa dần đi vào chiều sâu, tạo động lực mới cho sự phát triển. Sự phát triển của thương mại điện tử, mạng xã hội và các hình thức truyền thông mới; xu hướng sản xuất số, sản xuất xanh đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn trong quản lý và thực hiện”, ông Nguyễn Nguyên cho biết.

 Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam trình bày các giải pháp bảo vệ bản quyền đối với các xuất bản phẩm điện tử

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam trình bày các giải pháp bảo vệ bản quyền đối với các xuất bản phẩm điện tử

Trong phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2025, ông Nguyễn Nguyên đề xuất nhiều nhiệm vụ và giải pháp cho từng khu vực. Đáng chú ý là công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực biên tập viên có nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đặc biệt là nhân sự lãnh đạo kế cận, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự kéo dài như một số NXB thời gian vừa qua. Trong đó, chú trọng chỉ đạo các đơn vị xuất bản trong xây dựng chiến lược cán bộ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực số, bản quyền và hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong bối cảnh hiện nay chính là quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cho NXB trong việc thực hiện chuyển đổi số; tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để góp phần đưa ngành xuất bản phát triển thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại, trước hết là đầu tư hạ tầng, kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn và động lực phát triển.

Sáng cùng ngày, tại TPHCM, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà xuất bản, đơn vị in và phát hành xuất bản phẩm khu vực phía Nam.

Việc triển khai sửa đổi bổ sung luật xuất bản hướng đến 3 mục tiêu: Hoàn thiện chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, tăng cường quản lý bảo vệ thị trường xuất bản, chống in lậu và xâm phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản; Nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, cơ sở in và phát hành, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nganh-xuat-ban-can-quan-tam-dao-tao-boi-duong-nguon-bien-tap-vien-post791965.html