Ngày thơ Việt Nam 2025: Thơ ca làm nhịp cầu kết nối thế hệ

Sáng 6-2, trong buổi họp báo giới thiệu về Ngày thơ Việt Nam 2025, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết, lần đầu tiên sau hơn 20 năm tổ chức, Ngày thơ Việt Nam sẽ rời Hà Nội để đến với TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.

“Tổ quốc bay lên”

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, việc tổ chức sự kiện chính của Ngày thơ Việt Nam 2025 tại Ninh Bình sẽ không chỉ là đổi địa điểm tổ chức mà còn mang theo tinh thần đổi mới, mở rộng không gian thơ ca đến với công chúng nhiều hơn, góp phần đưa thi ca trở thành nhịp cầu kết nối giữa các thế hệ, các vùng miền trên cả nước.

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giới thiệu về Ngày thơ Việt Nam 2025

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giới thiệu về Ngày thơ Việt Nam 2025

“Mang Ngày thơ Việt Nam đến mọi miền đất nước là mong muốn của Hội, bởi thơ ca vốn là một phần quan trọng trong “căn cước” văn hóa của con người Việt Nam… Thơ ca không chỉ chuyển tải cảm xúc, tình yêu quê hương, đất nước, con người, mà còn chắp cánh cho trí tưởng tượng, những giấc mơ và khát vọng”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 diễn ra ngày 12-2 (tức Rằm tháng Giêng) mang chủ đề “Tổ quốc bay lên”, lấy cảm hứng từ câu thơ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân. Sự kiện không chỉ tôn vinh thi ca, mà còn khơi gợi niềm tự hào về những trang sử vẻ vang và hành trình vươn lên của dân tộc. Ngày thơ quy tụ nhiều thế hệ nhà thơ tài danh, từ các nhà thơ giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đến những tác giả trưởng thành sau Đổi mới, những gương mặt trẻ mang hơi thở thời đại. Đặc biệt, ngày thơ còn có sự góp mặt của nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl với bài thơ Gửi một người mẹ Việt Nam đã tạo nên điểm nhấn sâu sắc, thể hiện sự kết nối văn hóa xuyên biên giới.

Tại ngày thơ còn có buổi tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”, nơi quy tụ những suy ngẫm sâu sắc về vai trò của những nhà thơ đối với xã hội. Nhà thơ Hồ Anh Thái chia sẻ: “Người làm thơ không chỉ sáng tác cho riêng mình, mà còn là chứng nhân, ghi lại những biến động của xã hội”.

Ngân vang “Bài ca thống nhất”

Hòa chung với không khí Ngày thơ Việt Nam trên cả nước, năm nay, Ngày thơ Việt Nam 2025 tại TPHCM diễn ra trong hai ngày 11 và 12-2 tại khuôn viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM (số 81 đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM). Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM năm nay có chủ đề “Bài ca thống nhất”, đánh dấu nửa thế kỷ non sông liền một dải. Đây cũng là dịp nhìn lại dòng chảy thi ca TPHCM suốt 50 năm qua và điểm danh thế hệ nhà thơ tiếp nối con đường sáng tạo.

Một trong những điểm nhấn chính của Ngày thơ Việt Nam 2025 ở TPHCM là không gian Đường thơ, giới thiệu 12 tác giả tiêu biểu của TPHCM giai đoạn 1975-2025 như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Hoài Vũ, Lê Giang, Viễn Phương, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Phạm Sỹ Sáu, Trương Nam Hương, Thu Nguyệt… Bên cạnh đó, ngày thơ còn dành một không gian triển lãm “Gương mặt mới cho kỷ nguyên mới” giới thiệu 8 nhà thơ trẻ (dưới 35 tuổi) đang được công chúng yêu mến.

Đánh giá về công tác tổ chức ngày thơ năm nay, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TPHCM, Phó trưởng Ban Tổ chức Ngày thơ Việt Nam 2025 tại TPHCM, cho rằng, ngày thơ không chỉ dành cho các nhà thơ giao lưu với nhau mà còn làm sao để thơ đến được với khán giả. “Một ngày thơ mà nếu chỉ có các nhà thơ tới đọc mấy bài thơ với nhau thì sẽ thành vô nghĩa. Những người làm thơ phải mời gọi, tương tác với công chúng. Vì lẽ đó, năm nay chúng tôi đã đầu tư nhiều hơn cho các không gian giao lưu, trình diễn thơ...”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết.

Ngày thơ Việt Nam 2025 tại TPHCM chính thức bắt đầu vào sáng 11-2 với chương trình giao lưu mở màn “Vần điệu thi ca dưới mái trường”. Đây là hoạt động của Sân thơ thiếu nhi nhằm kết nối độc giả học sinh với các tác giả có tác phẩm được giảng dạy trong sách giáo khoa. Buổi chiều cùng ngày là chương trình trao giải cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần 2 và giao lưu “Sức trẻ thơ phương Nam trong dòng chảy thơ Việt” với sự tham gia của các nhà thơ trẻ.

Chương trình chính của Ngày thơ Việt Nam 2025 tại TPHCM diễn ra vào sáng 12-2 với phần mở đầu là diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp theo đó sẽ là phần biểu diễn trích đoạn trường ca Đường tới thành phố, tác phẩm được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 của nhà thơ Hữu Thỉnh.

Cũng tại chương trình, công chúng yêu thơ còn có dịp lắng nghe các nhà thơ từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như Trần Thế Tuyển, Lương Minh Cừ, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Bính Hồng Cầu… giao lưu và đọc thơ trong tiết mục “Chúng tôi làm thơ và đánh giặc”. Và như một sự tiếp nối, ngay sau đó sẽ là phần giao lưu “Giọng thơ trẻ ở thành phố trẻ” với những bài thơ của các tác giả trẻ: Trần Đức Tín, Đoàn Nguyễn Anh Minh, Trần Trọng Đoàn, Thanh Hoa...

MAI AN - QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngay-tho-viet-nam-2025-tho-ca-lam-nhip-cau-ket-noi-the-he-post780856.html