Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết: Tết Đoan Ngọ - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt

Hôm nay (mồng 5 tháng 5 Âm lịch) là ngày Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương. Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoan Ngọ được xem là một trong những dịp Tết quan trọng hay còn được gọi là 'Tết giết sâu bọ'.

Nhân dịp này, Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử về nét văn hóa đặc sắc Tết Đoan Ngọ của người Việt.

Phóng viên (PV):Tết Đoan Ngọ có những nét độc đáo gì, thưa nghệ nhân?

Nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết:“Đoan” có nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ, ăn Tết Đoan Ngọ là vào buổi trưa. Chính vì vậy, ở Việt Nam cứ đến ngày mồng 5 tháng 5 hằng năm, từ chốn cung đình hoa lệ xưa cho đến những miền quê hay ở phố thị ngày nay, mọi người đều hân hoan đón Tết Đoan Ngọ.

Tết Đoan Ngọ ở vùng, miền nào cũng có nét văn hóa riêng. Tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu hướng về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tiên, đó chính là nét văn hóa đặc sắc mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được.

Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết và món rượu nếp truyền thống mà năm nào bà cũng làm vào dịp Tết Đoan Ngọ.

Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết và món rượu nếp truyền thống mà năm nào bà cũng làm vào dịp Tết Đoan Ngọ.

PV: Xin nghệ nhân cho biết, ngày Tết Đoan Ngọ thì người Việt Nam sẽ cúng gia tiên như thế nào?

Nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết:Trong một năm của người Việt Nam không thể thiếu Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan Ngọ. Từ xa xưa cho đến ngày nay, mâm cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ gồm các vật phẩm được làm bằng lúa gạo, hoa quả đặc trưng của mỗi vùng, miền, như ở miền Bắc thì mâm cúng gia tiên gồm có hoa, quả, rượu nếp, bánh…

Ngày xưa, khi chúng tôi còn trẻ, nhà nhà làm ruộng, nên gia đình nào cũng phải làm rượu nếp cẩm hoặc rượu nếp trắng, còn hoa quả thì được mua hoặc hái ở vườn nhà để bày biện thành mâm, dâng lên tiên tổ. Nhưng điều đặc biệt không thể thiếu trong mâm cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ của người Hà Nội là bánh gio. Phụ nữ Hà Nội xưa hầu như đều phải biết làm món bánh này, còn bây giờ có nhiều dịch vụ thuận tiện hơn.

PV:Trong Tết Đoan Ngọ xưa, mâm cúng sau khi đã dâng lên tiên tổ thì những người lớn tuổi trong gia đình sẽ hướng dẫn các con, cháu ăn các món theo thứ tự, điều này được thể hiện như thế nào, thưa nghệ nhân?

Nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết:Ngày xưa, vào sáng mồng 5 tháng 5, những người lớn tuổi trong gia đình thường dậy sớm pha trà rồi sửa soạn mâm cúng. Mỗi món ăn trong mâm cúng gia tiên đều có ý nghĩa, sau khi đã cúng xong thì món ăn đầu tiên mà người lớn sẽ hướng dẫn các con cháu ăn trước là rượu nếp, sau đó mới đến các các loại hoa quả.

Hơn nữa, mâm cúng gia tiên còn mang ý nghĩa là diệt trừ sâu bọ để cho mùa màng tốt tươi và con người khỏe mạnh. Ngoài ra, nhà nào có vườn cây thì bao giờ cũng có thêm động tác đi quét vôi cho cây cối để trừ sâu bệnh, cây tươi tốt.

Việt Nam là xứ nóng, tháng 5 lại là mùa nóng càng tạo điều kiện cho các loài sâu bọ, vi trùng phát triển làm hại mùa màng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế, con người phải tìm cách chống lại cái nóng và phòng dịch bệnh thông qua các món ăn, thức uống, đồ dùng. Phong tục tốt đẹp này đã đi vào kho tàng văn học Việt Nam.

Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết giới thiệu các món ăn ngày Tết Đoan Ngọ với du khách tại Hoàng thành Thăng Long.

Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết giới thiệu các món ăn ngày Tết Đoan Ngọ với du khách tại Hoàng thành Thăng Long.

PV: Theo nghệ nhân, phải làm gì để thế hệ ngày nay bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc?

Nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết: Tôi cho rằng, xã hội càng phát triển thì những nét văn hóa truyền thống càng cần phải được bảo tồn và giữ gìn.

Ngày Tết nói chung và Tết Đoan Ngọ nói riêng thể hiện sự đoàn kết, hướng về tổ tiên, trước đây còn mang ý nghĩa chăm lo mùa màng và sức khỏe con người. Thế hệ trẻ bây giờ cần phải tiếp thu tinh hoa của thế hệ đi trước để học tập và duy trì.

Tôi thấy rằng, ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, những gì thuộc về truyền thống đều được họ giữ gìn, trân trọng và phát triển rất tốt. Khi tôi đến Nhật Bản, tôi mời các bạn ăn thử món nếp cẩm với sữa chua, các bạn đều khen ngon và còn phân tích, nếu nói về khoa học thì sữa chua và nếp cẩm pha trộn vào nhau để trở thành một món ăn lên men, sẽ rất tốt cho sức khỏe.

Tôi cho rằng, với những nét văn hóa rất độc đáo không nơi đâu có thì chúng ta phải duy trì và phát triển nhiều hơn trong cộng đồng. Có như vậy thì những nghi lễ truyền thống của dân tộc sẽ không bị mai một.

PV:Trân trọng cảm ơn nghệ nhân!

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nghe-nhan-am-thuc-nguyen-thi-anh-tuyet-tet-doan-ngo-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-viet-5011230.html