Nghi Giang, nơi lòng dân 'giữ lửa' cách mạng

HNN - Làng Nghi Giang (thuộc xã Giang Hải, huyện Phú Lộc) không chỉ có cảnh sắc hữu tình mà còn được khắc ghi như một căn cứ cách mạng kiên trung. Nơi ấy, mỗi mái nhà, mỗi tán tre, giếng nước từng ít nhất một lần che chở cán bộ, góp phần làm nên chiến thắng của các phong trào cách mạng.

Địa điểm trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế (1942 - 1945) ở làng Nghi Giang

Địa điểm trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế (1942 - 1945) ở làng Nghi Giang

1. Trên con đường bê tông phẳng lỳ, ông Trần Viết Giáo, nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Giang (nay là xã Giang Hải, huyện Phú Lộc) dẫn chúng tôi vào ngõ nhỏ, rậm rạp lá tre, đoạn qua một giếng làng, ông mở lời: “Cái giếng kia là nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng tắm, vẫn còn đó...”.

Trong lớp rêu phong và lấp loáng bóng nước, cái giếng ấy như vẫn in bóng một thời kỳ sục sôi cách mạng, gợi những ký ức về vị tướng huyền thoại.

Năm 1942, sau khi vượt ngục từ nhà tù Buôn Ma Thuột, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trở lại Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) hoạt động bí mật ở làng Nghi Giang.

Ngôi nhà nhỏ của đồng chí Lê Minh (tức Tư Minh) trở thành trụ sở của Tỉnh ủy lâm thời (từ 1942 - 1945), nơi ban hành những mệnh lệnh, nghị quyết quyết định vận mệnh của các phong trào cách mạng. Gần đó, trong khu rừng hoang thời ấy, cạnh miếu Mệ Môn, một căn hầm bí mật được đào sâu dưới lòng đất - nơi “người chỉ huy tối cao ngày ấy” cải trang làm nông dân, ban ngày ẩn nấp, ban đêm hoạt động.

Ông Trần Viết Giáo nói: “Tôi nghe ông bà kể, ngày đó, Đại tướng ăn cơm bằng mo cau, ngồi giữa bóng tối mà viết báo cáo, nghị quyết. Có nhiều lần, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cầm cuốc, đội nón, giả làm nông dân đi thăm ruộng, xem dân tình. Ban ngày ông nấp mình trong hầm bí mật, ban đêm đi họp, đi vận động phong trào”.

Giếng làng Nghi Giang, nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng tắm

Giếng làng Nghi Giang, nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng tắm

Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng Nghi Giang và cả vùng căn cứ Khu 3 - Phú Lộc trở thành điểm tựa cho cách mạng. Từ xóm Phường (thuộc làng Nghi Giang), những người như ông Lê Minh, Lê Cương, Nguyễn Đình Sản… lần lượt rời làng đi làm cách mạng, rồi lại quay về gây dựng cơ sở, tổ chức lực lượng. “Cán bộ về làng được dân nuôi, giặc đến làng được dân báo, có người còn dùng thân mình che đạn, giấu tài liệu”, ông Giáo nói.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Vinh Giang (1930 - 2015), trong giai đoạn 1945 - 1975, làng Nghi Giang là một trong những “điểm đỏ” của Khu 3, huyện Phú Lộc - vùng đất vốn được ví như “lưng chừng ruột miền Trung”, vừa hiểm yếu, vừa kiên cường. Tại đây, cán bộ huyện, tỉnh và cả khu ủy từng nhiều lần đóng quân, hội họp, chỉ đạo phong trào. Nhiều ngôi nhà của người dân làng Nghi Giang từng là nơi trú ẩn an toàn của nhiều cán bộ cấp cao… Điển hình như đồng chí Lê Minh - người cán bộ được mệnh danh là “linh hồn” của phong trào các mạng ở Nghi Giang thời ấy, từng lấy nhà ông La Xây làm nơi in tài liệu, lấy hầm ông Tường làm nơi trú ẩn…

Chính từ nơi “vùng đỏ giữa vùng trắng” này, những mệnh lệnh, văn kiện, khẩu hiệu cách mạng được in ấn, truyền ra khắp xã Vinh Giang, rồi đến các xã lân cận trong Khu 3, huyện Phú Lộc tạo thành một mạng lưới vững chãi, thách thức mọi sự lùng sục của địch.

2. Những hầm bí mật chỉ còn là hình ảnh trong ký ức. Ngôi làng từng gồng mình giữa lửa đạn thời ấy giờ yên ả trong ánh nắng chiều. Nhưng, trong từng nhành cây, ngọn cỏ, trong từng nếp nhà và cả trong ánh mắt người dân vẫn thấp thoáng sự kiên cường của một vùng đất từng là nơi “nuôi giấu cán bộ như nuôi con”.

“Nghi Giang ngày trước oằn mình gánh đạn bom, từng là vùng đỏ khét tiếng giữa vùng trắng kẻ thù. Nghi Giang hôm nay vẫn giữ được cốt cách kiên trung thuở nào, nhưng thanh bình và hiền hòa hơn giữa miền quê đang chuyển mình…”, lời ông La Hùng Sinh, Trưởng làng Nghi Giang như vừa gợi nhắc một miền ký ức, vừa mở ra câu chuyện về sức sống mới nơi vùng đất căn cứ địa năm xưa.

Hơn ai hết, chính ông Trần Viết Giáo - người từng làm Tổ trưởng sản xuất, sau đó là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND xã Vinh Giang là người am tường sự đổi thay trên quê hương. Ông Giáo còn nhớ như in lần “diện kiến” ông Phan Thế Phương (Giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên Huế từ năm 1983 - 1991) để học cách nuôi tôm. “Năm 1990, tui chọn khoảng 4ha mặt nước với ý định nuôi trồng thủy sản, song lúc đó chưa biết gì nên xin gặp Giám đốc Sở Thủy sản để học tập. “Tầm sư học đạo” một thời gian rồi trở về địa phương thực hành ngay. May mắn ngay lứa tôm đầu tiên tôi thu được 25 triệu đồng - bằng cả cơ ngơi thời ấy. Đó là dấu ấn đặt nền móng cho phong trào nuôi trồng thủy sản sau này”, ông Giáo kể.

Từ một vùng quê nghèo hậu chiến, đến nay, đời sống của người dân Nghi Giang đã chuyển biến rõ rệt. Trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; thanh niên được đào tạo nghề, đi làm trong và ngoài nước. Dẫn chúng tôi đi qua con đường liên thôn mới đổ bê tông, ông Giáo chỉ tay về phía cánh đồng xanh mướt: “Đồng ruộng kia trước đây là gò chiến sự; nơi này từng có hầm bí mật, chừ là mặt nước nuôi trồng thủy sản…”. Bây giờ, đường ở Nghi Giang đã bê tông hóa, điện kéo vào tận xóm. Đồng lúa hai vụ xanh mướt, khu nuôi tôm đã gần 300ha. Nhiều con em ở Nghi Giang đỗ đại học, làm việc ở thành phố, Trung ương…

Chủ tịch UBND xã Giang Hải, ông Nguyễn Hữu bảo rằng, vùng đất dẫu có đổi thay nhưng lịch sử vẫn mãi còn khắc ghi trong tâm khảm các thế hệ người dân địa phương. “Trong các buổi sinh hoạt đoàn, hội, các cán bộ xã thường xuyên lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống cách mạng. Ngoài ra, các trường học trên địa bàn cũng tổ chức đưa học sinh tham quan các di tích lịch sử, như: miếu Mệ Môn, nhà ông Lê Minh, khu giếng ông Thanh... Tại đây, các em được nghe kể chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, về những người dân từng nấu cơm, giấu cán bộ, chống càn”, ông Hữu nói.

Chiều xuống trên làng Nghi Giang, nắng rây qua ngọn tre, gió thổi qua đồng tôm róc rách như hơi thở của đất. Những đứa trẻ chơi đùa bên giếng ông Thanh - nơi từng gội sạch bụi đường cho một vị tướng vĩ đại.

Lửa cách mạng đã qua, nhưng ánh sáng từ lòng dân thì sẽ không bao giờ tắt...

Khu 3, Phú Lộc gồm các xã Giang Hải, Vinh Hiền, Vinh Mỹ, Vinh Hưng là một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Những cái tên như xóm Phường (thuộc làng Nghi Giang), khu căn cứ Tân Cấp, đình Vinh Hải, đồi Hộ Phan Mịch... là những địa chỉ đỏ, nơi ghi dấu bao thế hệ chiến sĩ cách mạng trung kiên, những gia đình một lòng theo Đảng.

Riêng làng Nghi Giang, với những thành tích trong các cuộc kháng chiến, vào năm 1972, Nhân dân và cán bộ thôn Nghi Giang (lúc bấy giờ thuộc xã Thế Lộc, huyện Phú Lộc) được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Bằng khen Hạng 3; năm 1988, Nhân dân làng Nghi Giang được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tặng Bằng có công với nước.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/nghi-giang-noi-long-dan-giu-lua-cach-mang-153409.html