Nghị lực của cô giáo khuyết tật

Dù không may mắn được mạnh khỏe như những người bình thường khác, nhưng với ý chí và nghị lực, cô giáo Vũ Thị Hạnh, Trường mầm non Phú Quang, thành phố Vĩnh Yên đã vượt lên số phận, là một giáo viên nhiệt huyết, mẫu mực, được đồng nghiệp nể phục và học trò yêu mến.

Cô giáo Vũ Thị Hạnh hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động trong lớp học. Ảnh: Dương Chung

Cô giáo Vũ Thị Hạnh hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động trong lớp học. Ảnh: Dương Chung

Sinh ra và lớn lên ở phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên, cô Hạnh bị khuyết tật ở chân từ nhỏ, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, cô đã vượt qua mặc cảm, không đầu hàng số phận, học tập thật tốt để có thể làm chủ cuộc đời của mình.

Cô Hạnh kể lại, mẹ cô mang thai ngược, phương pháp mổ đẻ khi đó lại chưa phổ biến, nên cô được bà đỡ kéo chân ra trước khiến xương chân phải và xương hông bị gãy, chảy nhiều máu, tưởng không thể sống được. May mắn, cô được một bà lang trong làng băng bó vết thương nên sức khỏe dần hồi phục.

Tuy nhiên, đầu gối chân phải của cô bị lệch, bàn chân ngoặt sang một bên khiến việc đi lại rất khó khăn. Đến khi biết đi, dáng đi xiêu vẹo cùng với những lời chọc ghẹo, mỉa mai của bạn bè khiến cô rất mặc cảm, tự ti. Nhờ được bố mẹ, thầy, cô giáo động viên, cô Hạnh đã có thêm động lực để vượt qua rào cản, đạt thành tích học tập tốt.

Hoàn cảnh gia đình cô Hạnh rất khó khăn, bố mẹ quanh năm lam lũ với ruộng đồng; lên cấp 2, cô Hạnh được Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An, huyện Ba Vì (Hà Nội) nhận nuôi dưỡng. Tại đây, cô gặp những người bạn đồng cảnh, thậm chí có những người còn thiệt thòi hơn mình, nhưng họ vẫn luôn vui vẻ, từng ngày cố gắng, nỗ lực vượt qua rào cản bản thân. Từ đó, cô tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn, sống có ích hơn để không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Cũng tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An, cô Hạnh biết đến Khoa Giáo dục đặc biệt và bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo dạy trẻ khuyết tật. Cô Hạnh chia sẻ: "Là một người không may mắn, do đó, tôi thấu hiểu và đồng cảm hơn ai hết với những người đồng cảnh.

Tôi không có nhiều cơ hội như những người bình thường, vì vậy, tôi phải tự tìm hướng đi phù hợp với bản thân. Đây cũng là lý do mà tôi chọn ngành Giáo dục đặc biệt, với hy vọng giúp trẻ em mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị hòa nhập cộng đồng".

Có định hướng, có ước mơ, năm 2007, cô Hạnh thi đỗ Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương, Khoa Giáo dục đặc biệt; để trang trải cuộc sống và có tiền đi học, cô xin đi làm gia sư, dạy các bé tự kỷ, chậm nói tại các trung tâm… Có cơ hội dạy dỗ và tiếp xúc với các em, cô Hạnh càng tin tưởng vào lựa chọn của mình để nỗ lực phấn đấu.

Tốt nghiệp ra trường, cô được một phụ huynh mời về can thiệp tại nhà cho con mắc chứng tự kỷ. Năm 2012, cô được phân công về giảng dạy ở Trường mầm non Nam Viêm. Sau đó, cô kết hôn với anh Lê Văn Tùng (cũng là người khiếm thị), là giáo viên Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh. Sau kết hôn, cô Hạnh chuyển công tác về Trường mầm non Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên. Công tác được 8 năm, để thuận tiện việc đi lại, năm 2021, cô tiếp tục chuyển công tác về Trường mầm non Phú Quang. Chuyển đến môi trường mới, cô nhanh chóng thích nghi, hòa nhập và nỗ lực không ngừng nghỉ.

Cô Vũ Thị Loan, Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Quang cho biết: "Ban đầu, khi cô Hạnh được điều chuyển về trường, chúng tôi rất băn khoăn, không biết liệu cô Hạnh có hoàn thành nhiệm vụ được giao, có chăm sóc tốt cho học sinh hay không? Các phụ huynh liệu có e ngại khi gửi gắm con em mình cho một cô giáo khuyết tật?…

Thế nhưng, ngoài sự mong đợi, cô Hạnh thích nghi với môi trường mới rất nhanh; hòa nhã với đồng nghiệp; yêu thương học trò; cô cũng có những phương pháp giáo dục hay, đồng thời tạo môi trường học tập, sáng tạo cho trẻ khiến trẻ rất thích thú và yêu cô giáo, thích đến trường; phụ huynh trong lớp cũng rất tin tưởng và quý mến cô Hạnh.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, song, cô Hạnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mới đây, cô vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam”.

Với kiến thức được học, kinh nghiệm từ thực tế, cùng tình yêu thương dành cho những em nhỏ khuyết tật, kém may mắn trong cuộc sống, ngoài thời gian giảng dạy ở trường, cô Hạnh mở lớp dạy học cho những trẻ mắc chứng tự kỷ, chậm nói tại nhà. Với cô, được dạy học, giúp đỡ những trẻ em thiếu may mắn, khiếm khuyết và nhìn các em ngày một tiến bộ là niềm hạnh phúc.

Hết giờ làm việc ở trường, cô Hạnh dành thời gian chăm sóc gia đình, đưa đón con đi học… Hiểu được sự hy sinh, vất vả của người vợ tảo tần, hết lòng vì chồng, vì con, ngoài việc cơ quan, anh Tùng cũng luôn phụ giúp công việc gia đình với chị; anh trở thành đôi chân của chị, còn chị trở thành đôi mắt của anh. 2 con người thiếu may mắn gặp nhau, có chung sự đồng cảm và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống, nuôi dạy các con ngoan ngoãn, học giỏi.

Cô Hạnh tâm sự: “Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi tự nhận thấy bản thân mình đã thật sự cố gắng. Vượt qua khiếm khuyết của bản thân, tôi tìm thấy được những điều đẹp đẽ trong cuộc sống và luôn nỗ lực không ngừng để biến ước mơ trở thành hiện thực”.

Nhìn dáng người nhỏ bé, đôi chân khiếm khuyết với những bước đi chậm chạp có phần khó khăn, ít ai nghĩ ở cô Hạnh lại có một nghị lực phi thường như vậy. Câu chuyện của cô Hạnh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đó là bài học về nghị lực vươn lên trong cuộc sống và không đầu hàng trước số phận. Dù ở hoàn cảnh nào, chỉ cần bản thân tự tin, nỗ lực vượt qua nỗi đau và khó khăn thì sẽ xứng đáng giành được những điều tốt đẹp.

Bích Huệ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95505//nghi-luc-cua-co-giao-khuyet-tat