Nghi thức tín ngưỡng trong lễ hội Khai hạ Mường Bi
Tại huyện Tân Lạc, lễ hội Khai hạ đã được khôi phục và phát triển từ năm 2002, trở thành ngày hội lớn của nhân dân trong vùng, được tổ chức vào ngày mồng 7, mồng 8 tháng Giêng (tức ngày 6 và 7 tháng 4 theo lịch Mường Bi).
20 năm nay, nhân dân trong vùng đã quen với hình ảnh Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Lựng ở xóm Mường Lầm, xã Phong Phú trong trang phục tôn nghiêm của thầy mo, thành kính thực hiện các nghi thức tâm linh để mở đầu lễ hội Khai hạ Mường Bi. Bởi lần nào tổ chức, Nghệ nhân Bùi Văn Lựng cũng là người đảm nhiệm vai trò quan trọng: Thầy mo thực hành nghi thức tín ngưỡng, thắp sáng giá trị tinh thần thiêng liêng và đặc sắc của lễ Khai hạ.
Theo những người dân hiểu biết thuần phong mỹ tục nơi đây kể lại: Lễ Khai hạ Mường Bi chính là lễ mở cửa rừng của người Mường cổ, hay còn gọi là lễ cầu mùa, lễ xuống đồng mà các vùng Mường vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Trước đây, tại các vùng Mường cổ dưới thời Lang Cun, nếu chưa làm lễ Khai hạ thì chưa được ai vào rừng lấy củi, săn bắt thú rừng, hái măng…
Ngày nay, tục lệ truyền thống vẫn được người dân vùng Mường Bi giữ gìn, phát huy bằng cách tổ chức trọng thể Lễ hội Khai hạ Mường Bi. Lễ hội được mở đầu với nghi thức cúng tế Thành Hoàng, thực hiện tại miếu xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, nơi gắn liền với truyền thuyết về Quốc Mẫu Hoàng Bà và tam vị Tản viên Sơn Thánh. Đây là nghi thức truyền thống, theo tục thờ cúng Thành Hoàng của người Mường với các nghi trình, nghi thức ở mỗi vùng có sự khác nhau.
Ở vùng Mường Bi, nghi lễ cúng tế Thành Hoàng được thực hiện để mở đầu lễ Khai hạ hàng năm, thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn các bậc lập đất, lập Mường. Trong lễ cúng tế, các lễ vật và mâm cúng Thành Hoàng được bày biện đủ đầy để tổng kết một năm lao động sản xuất và mở đầu công việc năm mới một cách tốt lành, may mắn. Thầy mo đóng vai trò kết nối giữa thần linh và con người, thông qua thực hiện nghi lễ cúng tế sẽ cầu mong Vua Bà phù hộ cho dân làng an cư lạc nghiệp, có được một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quê hương, đất nước thanh bình.
Sau nghi lễ cúng tế thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn” và cầu nguyện tốt lành cho năm mới. Phần lễ Khai hạ tiếp tục với nghi thức rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà. Đội rước được chuẩn bị chu đáo từ hôm trước, đội hình đầu tiên là hai người khiêng trống cái to (trống dóng đi đường), sau trống là chiêng lệnh (chiêng to), tiếp theo là thầy mo dẫn đường. Sau thầy mo là đội cờ lễ, phường bát âm, tiếp đến là đội chiêng 12 người, tiếp nữa là đội lễ, đội kiệu gồm 8 đô kiệu và 1 chủ kiệu. Sau đội kiệu rước cối hương của Đức Mẹ, tiếp theo là đội tế cúng, các quan viên chức sắc và bà con nhân dân, lần lượt tiến vào khuôn viên sân vận động trung tâm, nơi sẽ tiếp tục diễn ra hoạt động của lễ hội. Ngày nay, nghi lễ này vẫn được tổ chức tôn nghiêm, trở thành một phần quan trọng và tạo ấn tượng nổi bật trong lễ hội Khai hạ Mường Bi.
Là người đảm nhiệm vai trò thực hiện các nghi thức tín ngưỡng trong lễ hội Khai hạ Mường Bi hàng năm, Nghệ nhân mo Bùi Văn Lựng chia sẻ: Khai hạ là lễ hội dân gian truyền thống quan trọng của người Mường Hòa Bình, trong đó có người Mường Bi. Lễ hội khởi đầu cho năm mới, mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường, cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản. Đây cũng là dịp để đồng bào giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng.
Đặc biệt, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Lựng vô cùng tự hào khi năm nay tiếp tục được lựa chọn là thầy mo thực hành nghi thức tâm linh trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, năm 2023 – một lễ hội Khai hạ vẫn trên đất Mường Bi nhưng có ý nghĩa to lớn hơn hẳn mọi năm vì là lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, quy tụ các giá trị đặc sắc của cả đất Mường Hòa Bình chứ không chỉ riêng Mường Bi.
Được biết, ngày 31/7/2022, lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã chính thức được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Giá trị văn hóa đặc sắc này chính là cội nguồn sức mạnh được gìn giữ, bồi đắp, trao truyền từ đời này sang đời khác, thắp sáng tinh thần các thế hệ người con đất Mường.