Nghiên cứu rút ngắn quy trình thẩm định dự án PPP, không kéo dài quá 2 tuần

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến nên nghiên cứu rút ngắn quy trình thẩm định dự án PPP, không kéo dài quá 2 tuần. Hội đồng thẩm định nên gọn lại, chỉ những người có chuyên môn, cơ quan có liên quan. Ngoài ra, cần phân cấp phân quyền mạnh mẽ, giao trách nhiệm cho địa phương.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 996/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Luật số 57/2024/Q15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2025, trừ quy định về việc thực hiện hợp đồng BT (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025).

Tại Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư gồm: Hội đồng thẩm định dự án PPP; Quy trình dự án PPP; Quy trình lựa chọn nhà đầu tư; Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; Chấm dứt hợp đồng dự án PPP; Trường hợp chuyển tiếp.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP.

Sau khi xem xét dự thảo Nghị định trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến nên nghiên cứu rút ngắn quy trình thẩm định, không kéo dài quá 2 tuần. Hội đồng thẩm định nên gọn lại, chỉ những người có chuyên môn, cơ quan có liên quan. Ngoài ra, cần phân cấp phân quyền mạnh mẽ, giao trách nhiệm cho địa phương.

PPP (Public - Private Partnership): Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Với mô hình PPP, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân.

Trong mô hình PPP, việc xác lập quan hệ đối tác thông thường là qua một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý hoặc một số cơ chế khác, trong đó đồng ý chia sẻ các trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện và quản lý của các dự án cơ sở hạ tầng. Quan hệ đối tác được xây dựng trên chuyên môn của từng đối tác đáp ứng nhu cầu được xác định rõ ràng thông qua việc phân bổ thích hợp về: tài nguyên, nguồn lực; rủi ro; trách nhiệm; chế độ khen thưởng.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghien-cuu-rut-ngan-quy-trinh-tham-dinh-du-an-ppp-khong-keo-dai-qua-2-tuan-post334301.html