Người biết thương biển

1. Có lần Thạc bảo chị chẳng thương biển. Năm đó Thạc mười sáu, dạn dày nắng gió, nước da ngâm đen, bờ vai rộng, tóc húi cua. Làng nằm cuối bãi, hoang sơ và cô liêu. Người làng chỉ sống bằng nghề đi biển. Mực, tôm, cá, ốc hay bất cứ thứ gì từ biển khơi bao la cũng mang ra chợ để đổi lại tiền. Người làng quen dần từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cái chữ cũng chỉ đủ để viết cái tên, tính toán mớ cá, đếm được đúng tiền. Lắm khi kêu ký bất cứ giấy tờ gì đó, có đứa ngơ ngác hỏi nhau ký sao? Cái cách vẽ nguệch ngoạc như rồng như phượng gì đó là của người trên phố. Xứ biển này ghi đúng cái tên là xong. Vẽ tới vẽ lui nhìn cứ y như mấy đường gãy trên đồi cát. Mấy đường gãy bị gió thổi xiêu vẹo thành vệt vô định. Mấy đường gãy bị người ta trượt, người ta xoạc chân tạo dáng chụp hình thành vằn vện rối tung. Bắt người làng vẽ lại mấy cái đường gãy đó lên giấy tờ, không khéo họ lại vẽ thành cả một đồi cát.

Minh họa: DUY LÊ

Minh họa: DUY LÊ

2. Làng có cái đình, bốn trụ bề thế khắc chạm những chữ cầu chúc bình an. Đình bạc thếch và hoen ố. Bờ tường phủ rêu xanh. Ông Từ trẻ giữ đình trong một cơn bão bị cuốn về phía biển thì chẳng còn ai giữ đình. Năm ba ngày mấy cô mấy dì lại gọi nhau lên đình lau chùi quét dọn. Đình chẳng thiên. Thạc nói vậy nên bảo cả đời chẳng lên đình. Mỗi năm cúng đình là lễ lớn nhất làng, Thạc cũng chẳng vào sân đình, mà chỉ mải miết ngoài khoảng đất trống dựng tiệc để đãi đằng người làng. Thạc nhậu say, Thạc hát, Thạc kể chuyện biển. Nhưng Thạc vẫn nói đình chẳng thiêng. Bão lũ triền miên, khổ trăm bề. Bao nhiêu người làng nằm mãi ngoài khơi xa. Làng mãi cứ nghèo cùng túng quẩn. Người làng thương biển, bám biển cả đời nhưng nhận lại chỉ toàn là lam lũ cơ hàn bốn mùa.

Vài người lớn tuổi la rầy Thạc nói vậy là bất kính. Tiền nhân về ngự ngày cúng đình đấy. Tiền nhân quở là cả đời mày khổ con à! Mình có thờ thì có thiêng, có kiêng thì có lành. Mình sống bằng nghề đi biển. Sinh nghề thì tử nghiệp. Đó là cái số phận của mình. Trách gì thần thánh mà trách. Mình không chịu được thì bỏ làng mà lên phố đi làm thuê mần mướn cho người ta đi. Khỏi có than khóc. Mặc những người già trong làng la rầy. Thạc vẫn khư khư giữ ý niệm đó. Nhưng Thạc không đi đâu hết. Thạc thương biển.

3. Cô chẳng thương biển. Khơi xa ấy một trận cuồng phong cha cô nằm lại mãi mãi cùng hơn chục bạn chài. Ngày mưa trắng màu tang. Cô chít mảnh khăn trắng lên đầu, chơi vơi trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo. Cha đem cô về từ phố. Người ta bảo con hoang của làng. Cha lầm lũi nuôi. Những ngày đi biển, cha gởi cô qua nhà Thạc nhờ mẹ Thạc chăm. Khi cô bắt đầu lên sáu thì mẹ Thạc cấn bầu thằng nhỏ. Những người đàn ông làng này cứ vung đời mình vào biển. Có về hay không thì cũng chỉ khi nào nghe thấy tiếng nói mới biết bình an. Cái bình an cũng chỉ một đôi hôm rồi lại thấp thỏm. Cha Thạc cũng mất hút ngày biển nổi cơn cuồng phong đó. Thạc lớn lên mà chưa một lần biết cha.

Khi cô mười sáu tuổi, mẹ Thạc gởi cô lên phố học nghề may. Kiếm cái nghề mà lo tấm thân. Nếu ở được trên phố thì lại hay. Làm đàn bà làng mình thì muôn đời khổ. Lấy chồng làng chài là cưới nỗi cô đơn con à! Đêm cô sửa soạn đồ đi, Thạc líu ríu níu tay cô. Chị đừng đi, để em đi biển nuôi chị. Chị đi là chị không thương biển. Cô chẳng biết nói gì với Thạc, chỉ biết khóc cả đêm.

Cô nghe lời dặn ngoan ngoãn học may ở cái tiệm nổi tiếng nhất phố. Bà chủ tiệm thương con nhỏ làng chài nghèo cho ăn ở học nghề miễn phí. Tưởng như là duyên may, nhưng một đêm muộn mằn giữa tiệm may, bà chủ thắp nến chúc mừng sinh nhật cho cô. Cô ngỡ ngàng bởi ngay cả chính cô từ lâu lắm rồi có nhớ gì đến ngày tháng chào đời của mình. Sao bà chủ biết. Cô lừng khừng hỏi. Cô hoài nghi. Ngay lúc cô tưởng như đời mình đã âm ấm thì cô đón nhận một cơn giông bão chẳng từ phía biển ập đến.

Cô về bên mẹ Thạc. Câu chuyện tưởng theo cha nằm sâu dưới lòng biển khơi hóa ra lại dâng sóng cao ngút như trận cuồng phong. Mối tình ngày trẻ tượng hình một bào thai. Cô gái chẳng nỡ bỏ đi đành sanh ra và giao cho người yêu, rồi nghe lời gia đình lấy người đàn ông trên phố. Đứa trẻ mang cái tên Hoài Thương như nỗi lòng của người ở lại.

Cô về lại căn nhà xưa, sửa sang và tìm bình yên tháng ngày bằng công việc đồng lặn đồng hụp. Làng chài không thể giàu, nhưng đói thì chẳng bao giờ. Cá tôm đầy ghe, ăn không hết thì ủ mắm, hoặc làm khô. Vậy đó mà cô sống cho đến khi nhìn lại mình đi qua tuổi ba mươi hồi nào chẳng hay.

4. Thạc thở hùng hục chạy vào nhà rồi nhìn cô. Mẹ nói bà nhà giàu tiệm may đi tìm chị phải không? Chị sẽ bỏ cái làng chài này à? Chị không bao giờ thương biển. Thạc hai lăm, vạm vỡ, sạm đen, xù xì và cộc lốc.

Cô dừng cái chân vịt của bàn máy may, lặng lẽ đi ra cửa nhìn biển. Phía biển trời trong xanh. Đêm nay Thạc đi biển đúng không? Chị mới may cho Thạc cái áo sơ mi này. Đàn ông lớn rồi, mắc mấy cái áo cũ mèm, rách chỗ này, vá chỗ kia, con gái nó cười cho đó. Giọng cô nhẹ tênh. Thạc lầm lì chẳng nói, ánh mắt vằn vện đỏ. Không đi đâu hết, tui ở đây nè, chị đừng đi theo họ, họ là người xấu mà. Lâu lắm rồi cô mới nghe cái giọng ngang tàng của Thạc. Lâu lắm rồi cô mới nhìn kỹ Thạc. Thạc lớn quá chừng.

Đêm đó Thạc không đi biển thiệt. Thạc bảo những người bạn chài, nay Thạc mệt. Thạc nói với mẹ Thạc ngủ nhà chị Thương. Thạc dùng dằng với cô, Thạc nói là làm, cô chẳng thể đi khỏi làng chài này đâu. Cô chẳng thuộc về phố. Cô là của làng. Cô là của biển.

Thạc ngắc ngứ cơn say. Thạc nằm ngoài võng. Cô đem cái áo ra đắp cho Thạc rồi ngồi kế bên. Bà ấy vừa phát hiện mình bệnh nặng nên ghé qua nói vài câu chuyện. Bà ấy có giành cho chị chút ít bảo là như chuộc lại phần lỗi lầm. Bà có để sẵn cho chị một căn nhà trên phố. Nhưng mà Thạc khờ quá chừng, chị không thương biển nhưng đâu có nghĩa là chị bỏ biển mà đi. Trong lòng biển vẫn còn cha của chị ở đó. Làm sao bỏ làng chài bởi chị là đứa con của làng chài này mà. Đâu ai có thể rời bỏ mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình được. Làng còn có những người mà chị thương. Dẫu chưa lần nào chị nói ra. Thoảng khi chị sẽ lên phố để thăm bà ấy.

Thạc thở ra hơi dài. Sóng cuối bãi thường non, vỗ bờ hiền khô. Tựa thể như cạn cùng cuộc một cuộc ruổi rong, con người ta cũng thấu hiểu được đâu là bến bờ bình an. Sóng cũng như người, có thét gào ầm ì thì tan ra rồi cũng chỉ là nước. Nước thì muôn đời mát lành. Người cũng như sóng, lúc thăng lúc trầm, lúc thịnh nộ cuồng phong, nhưng tàn cuộc rồi cũng nhẹ tênh để sống trọn một phận mình.

Đêm ướp nồng vị biển. Thạc dẫn cô ra biển. Rất lâu rồi cô mới nhìn biển đêm. Cô sợ cái thâm u tối tăm của lòng biển. Cô lừng khừng đi theo sau Thạc. Sóng vỗ bờ rào rạt. Thạc nói biển hát đấy. Thạc là của biển. Chị…ờ chị là của Thạc. Một ngày nào đó chị sẽ thương biển như là Thạc thương…ờ Thạc thương chị vậy đó!

Thạc nhìn cô. Khoảng không lộng gió và bát ngát lời biển hát.

Tống Phước Bảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/nguoi-biet-thuong-bien/176844.htm