Người châu Âu săn lùng chăn điện để giữ ấm
Chăn điện đang trở thành được người dân châu Âu quan tâm nhất lúc này khi mùa đông đang đến dần.
Người châu Âu săn lùng chăn điện
Cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đang khiến người tiêu dùng châu Âu phải quay sang một giải pháp cách xa hàng nghìn km: Chăn điện từ châu Á.
Dữ liệu xuất khẩu tăng đột biến đã thúc đẩy "vận may" của các công ty như UTK Technology có trụ sở tại Thâm Quyến. Nhà sản xuất chăn điện này xác nhận nhu cầu thị trường đã đạt mức chưa từng có trong tháng 8.
Theo Tổng giám đốc của UTK Crane Jin, yêu cầu hàng ngày từ người mua châu Âu đã tăng gấp 5 lần và hầu hết mọi người đều yêu cầu vận chuyển khẩn cấp. Công ty dự kiến sẽ giao hơn 10.000 chiếc chăn đến châu lục này trong tháng tới.
"Gần đây, chúng tôi đã làm thêm giờ rất nhiều", cô nói với tờ Bloomberg.
Châu Âu đang chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn khi giá khí đốt tự nhiên tăng cao và nguồn cung bị hạn chế khiến các chính phủ phải lên kế hoạch phân bổ năng lượng. Các hộ gia đình, đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát gia tăng, lại phải đối mặt với hóa đơn điện nước tăng cao.
Theo ước tính từ EnergyAustralia, chăn điện được chế tạo bằng dây điện mỏng giúp phân tán nhiệt, chi phí vận hành thấp hơn 1/3 so với một số loại máy sưởi, bởi chúng nhằm mục đích làm ấm cho người dùng hơn là sưởi ấm toàn bộ căn phòng.
Các nhà bán lẻ ở Anh xác nhận xu hướng này. Chuỗi cửa hàng bách hóa John Lewis Partnership cho biết doanh số bán chăn điện tăng 67% so với một năm trước đó và lượt tìm kiếm trực tuyến về sản phẩm này đã tăng gần 470%. Chăn điện cũng được xếp hạng trong số các sản phẩm đồ gia dụng bán chạy nhất của Amazon tại Vương quốc Anh.
Sự quan tâm đến chăn điện bắt đầu tăng trong những tháng qua, có lẽ khi các nhà bán lẻ bắt đầu tích trữ. Dữ liệu hải quan do Hiệp hội thiết bị điện gia dụng Trung Quốc công bố cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu chăn điện sang châu Âu đạt 33,4 triệu USD từ tháng 1 đến tháng 7, cao gần gấp đôi so với cả năm ngoái.
Giá khí đốt châu Âu tăng cao
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng vọt hơn 10% vào ngày 30/9, lên 2.100 USD/nghìn mét khối, sau thông tin rằng nhà điều hành đường ống TurkStream đã bị tước giấy phép do các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu EU đối với Nga.
Hợp đồng khí giao sau tháng 11 tại trung tâm giao dịch TTF ở Hà Lan được giao dịch ở mức 2.087 USD/nghìn mét khối.
Mức giá tăng do nguồn cung không chắc chắn sau khi nhà điều hành đường ống TurkStream thuộc sở hữu của Nga, South Stream Transport, cho biết hôm 29/9 rằng Hà Lan đã rút giấy phép xuất khẩu.
Hãng tin RT (Nga) cho rằng nếu đường dẫn khí đốt tự nhiên TurkStream bị hỏng, nhà điều hành sẽ không thể tiến hành sửa chữa vì các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, South Stream Transport tuyên bố họ sẽ tiếp tục vận chuyển khí đốt và họ đã yêu cầu chính phủ Hà Lan cấp lại giấy phép.
Đường ống TurkStream, có công suất 33 tỷ mét khối/năm, cung cấp nhiên liệu từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Âu. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2020, đường ống đã vận chuyển khoảng 18 tỷ mét khối khí đốt đến Thổ Nhĩ Kỳ và 16,8 tỷ mét khối cho các khách hàng châu Âu, theo Daily Sabah.
Sau sự cố rò rỉ của hai đường ống Nord Stream, TurkStream vẫn là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên duy nhất của Nga tới EU bên cạnh các đường ống đi qua Ukraine.
EU thông qua các biện pháp khẩn cấp để kiềm chế giá cả
Theo tờ Euronews, các bộ trưởng năng lượng của EU hôm 30/9 đã thông qua gói biện pháp khẩn cấp đầu tiên nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc trong khối do giá cả tăng vọt.
Gói này được thương lượng trong vòng chưa đầy một tháng bao gồm tiết kiệm điện bắt buộc, giới hạn doanh thu thị trường vượt mức....
Kế hoạch đặt ra mục tiêu giảm 5% bắt buộc trong giờ cao điểm, khi khí đốt tự nhiên đóng vai trò lớn hơn trong việc định giá và giảm 10% nhu cầu điện tổng thể tự nguyện.
Thỏa thuận cũng đề xuất giới hạn doanh thu vượt mức đối với các nhà máy điện không sử dụng khí tự nhiên để tạo ra điện, như năng lượng mặt trời, gió, hạt nhân, thủy điện và than non. Giới hạn sẽ đồng nhất và được đặt ở mức 180 euro cho mỗi MWh. Tất cả thu nhập trên ngưỡng sẽ bị chính phủ phụ thu.
Các bộ trưởng EU cũng đã thông qua 'cơ chế đoàn kết' để thu một phần lợi nhuận thặng dư do các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch tạo ra. Các nhà chức trách sẽ có thể áp dụng mức thuế 33% đối với lợi nhuận của các công ty đó trong năm tài chính 2022 trong trường hợp lợi nhuận tăng 20% so với mức trung bình trong ba năm qua.
Theo báo cáo, các khoản tiền bổ sung sẽ được phân bổ lại cho các hộ gia đình và các công ty đang gặp khó khăn về tài chính dưới hình thức trợ cấp, giảm thuế hoặc hỗ trợ thu nhập.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Séc, Jozef Sikela, nói với các phóng viên trước cuộc họp rằng, mặc dù gói khẩn cấp là một bước đi quyết định nhưng khối vẫn cần phải hành động thêm.
"Chúng ta không được dừng lại ở đây. Chúng ta đang trong một cuộc chiến năng lượng với Nga. Mùa đông sắp đến. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ. Bây giờ có nghĩa là ngay và luôn", tờ Euronews dẫn lời ông Sikela.
Người đồng cấp Pháp Agnes Pannier-Runacher, lặp lại lời kêu gọi, nói rằng: "Hãy để tôi nói rõ ràng lần nữa: Chúng ta sẽ phải đi nhanh hơn, xa hơn và đưa ra các đề xuất khác".
Gói khẩn cấp được đưa ra khi lạm phát ở khu vực đồng euro chạm mức hai con số - 10% - lần đầu tiên trong lịch sử, chủ yếu được thúc đẩy do các hóa đơn năng lượng tăng vọt.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nguoi-chau-au-san-lung-chan-dien-de-giu-am-20221001190959713.htm