Người chạy đua cùng mạch máu não

Khi một người bị đột quỵ, mỗi phút trôi qua, hàng triệu tế bào não chết đi. Với những người điều trị đột quỵ như PGS Thắng, thời gian chính là não.

“Crazy!” - Nghe có vẻ điên rồ nhưng đây chính xác là từ mà hầu hết chuyên gia nước ngoài thốt lên khi nghe con số 200.000 ca đột quỵ mỗi năm ở Việt Nam.

Họ không thể tin được chỉ 100 đơn vị điều trị đột quỵ cấp có thể tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiều khủng khiếp đến như vậy.

Chính PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cũng đôi khi cũng không tin vào mắt mình.

Nhưng đó là thực tế.

Trở về từ nước ngoài, PGS Thắng tiếp nhận một khoa điều trị bệnh lý mạch máu não ở TP.HCM với số bệnh nhân đột quỵ trung bình năm khoảng 1.000. Sau gần 20 năm, con số ấy nhân lên gấp 20 lần.

Bản án tử

Nam thanh niên được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 khi toàn bộ nửa người bên phải liệt hoàn toàn. Với gần 20 năm trong nghề, chỉ cần nhìn thoáng qua biểu hiện và kết quả chụp chiếu, PGS Thắng biết ngay đây là ca nhồi máu não.

Điều này khiến ông không ngờ là chàng trai đang nằm trên băng ca, giữa khu điều trị đột quỵ đa số người trung niên, chỉ mới 25 tuổi.

Không nghĩ ngợi nhiều, PGS Thắng lập tức can thiệp. Huyết khối gây tắc mạch máu não cũng được lấy ra trọn vẹn. Sau 5 ngày điều trị, may mắn mỉm cười với anh công nhân trẻ.

Thế nhưng, nhiều người trẻ tuổi khác như chàng trai này, cũng nhập viện vì đột quỵ, không may mắn như thế.

Hơn 20 năm trước, đột quỵ tại Việt Nam vẫn là “bản án tử” cho những ai mắc phải. Tại thời điểm này, ngành đột quỵ ít được chú trọng vì gần như rất hiếm được đào tạo chuyên ngành đột quỵ bài bản.

“Chỉ cần nghe nói bị đột quỵ, bệnh nhân gần như sẽ cầm chắc cái chết. Đây chính là lý do tôi trở về Việt Nam sau nhiều năm tu nghiệp tại Singapore và Mỹ. So với những bác sĩ nước bạn, tôi chỉ là hạt cát nhỏ. Nhưng nếu về nước, tôi có thể giúp ích, cứu sống cho nhiều người bệnh nước mình”, PGS Thắng nhớ lại thời điểm quyết định trở về.

Thời điểm PGS Nguyễn Huy Thắng bắt đầu công tác (năm 2006), khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, là đơn vị duy nhất điều trị đột quỵ cấp trên cả nước. Số bệnh nhân cần tiếp cận trung bình năm chỉ khoảng 1.000 ca. Đến nay, sau gần 20 năm, con số ấy nhân lên gấp 20 lần.

Những gương mặt rất trẻ ở khu đột quỵ

Nhóm người bệnh đột quỵ từ trước đến nay luôn được biết đến là người cao tuổi, bệnh nền mạn tính hay dùng chất kích thích.

Thế nhưng, câu chuyện đột quỵ nay đã khác. Con số 15-20% bệnh nhân đột quỵ trẻ (dưới 45 tuổi) có thể khiến bất kỳ ai giật thót tim.

 Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ - con số khiến nhiều chuyên gia nước ngoài bất ngờ. Ảnh minh họa.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ - con số khiến nhiều chuyên gia nước ngoài bất ngờ. Ảnh minh họa.

Trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn, PGS Nguyễn Huy Thắng trực tiếp cấp cứu cho một bệnh nhân mới 21 tuổi nhập viện vì xuất huyết não. Cậu có thể trạng thừa cân, tiền căn cao huyết áp và không có hiện tượng dị dạng mạch máu như nhiều bệnh nhân trẻ khác.

“Tuy nhiên, điều bất thường chúng tôi phát hiện được là người bệnh có hiện tượng tăng sinh mạch máu, thường gặp ở những người thường xuyên sử dụng chất gây nghiện. Gạn hỏi mãi, cậu này mới dám thú nhận mình thường xuyên sử dụng bóng cười”, PGS Thắng cho hay.

Theo chuyên gia, chất gây nghiện tác động khủng khiếp đến những căn nguyên gây ra đột quỵ. Và điều đáng báo động là hầu như người trẻ lại có tỷ lệ sử dụng chất gây nghiện rất cao.

Bên cạnh đó, tiêm filler cũng là một nguyên nhân khác có tỷ lệ ít nhưng bắt đầu xuất hiện trong thời gian gần đây. Nguyên nhân này thường chỉ gặp ở một số bệnh nhân trẻ, hầu hết là nữ.

“Tôi còn nhớ một cô gái nọ mới 22 tuổi nhập viện vì yếu tay chân phải và mù mắt trái ngay sau khi bị tiêm thẳng chất làm đầy vào vùng cạnh mũi. Khả năng cao là kỹ thuật viên đã tiêm nhầm chất này vào mạch máu. Cô gái này sau đó dù đã phục hồi về mặt vận động nhưng thị lực rất tiếc không thể hồi phục trở lại”, PGS Thắng kể.

Khi tràn vào lòng mạch máu, chất làm đầy có thể gây thuyên tắc động mạch võng mạc (có thể gây mù mắt vĩnh viễn) hoặc thuyên tắc động mạch não (gây nhồi máu não). Điều quan trọng là hiện tại vẫn chưa có cách điều trị tối ưu các trường hợp này, dù bệnh nhân được nhập viện trong thời gian ngắn.

 PGS Nguyễn Huy Thắng là người góp phần ghi tên Việt Nam vào bản đồ điều trị đột quỵ thế giới. Ảnh: BSCC.

PGS Nguyễn Huy Thắng là người góp phần ghi tên Việt Nam vào bản đồ điều trị đột quỵ thế giới. Ảnh: BSCC.

Đằng sau những bước tiến dài

Theo PGS Nguyễn Huy Thắng, Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc về điều trị đột quỵ cấp. Số bệnh nhân được điều trị đột quỵ cấp tại Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong châu Á, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.

So với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang làm được những điều rất nhiều quốc gia khác chưa làm được. Nhiều quốc gia trong khu vực không điều trị đột quỵ cấp hoặc điều trị với giá rất cao.

Chỉ trong 7 năm, ông đã cùng các đồng nghiệp xây dựng được mạng lưới hơn 100 đơn vị điều trị đột quỵ. Cùng với mô hình “mother ship” (các đơn vị hỗ trợ hội chẩn lẫn nhau), ông tự hào khi cùng nhiều bác sĩ phối hợp, giúp nhiều người bệnh đột quỵ được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Mặc dù đã có thể làm được những điều các nước phát triển đã và đang làm được, PGS Thắng vẫn có ít nhiều băn khoăn chưa thể làm được.

“Nhiều đồng nghiệp nước ngoài của tôi sau khi nghe về số lượng bệnh nhân phải tiếp nhận đã phải thốt lên “crazy” (điên rồ). Họ không thể tin được một bệnh viện có thể tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiều khủng khiếp đến như vậy”, PGS Thắng chia sẻ.

Cụ thể, Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ/năm và 108 đơn vị điều trị đột quỵ cấp, tương đương một bệnh viện phải điều trị cho trung bình khoảng 2.000 ca đột quỵ/năm. Trong khi đó, con số này ở Mỹ chỉ giao động trong khoảng 600-1.000 ca/năm.

Bên cạnh đó, sự không đồng đều chất lượng điều trị giữa các bệnh viện còn gây ra hiện tượng “nước chảy vùng trũng”. Điều này không chỉ gây quá tải số lượng bệnh nhân mà còn kéo dài thời gian vàng cấp cứu, ảnh hưởng chất lượng điều trị.

Theo Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, với số lượng người bệnh như thống kê, Việt Nam phải có khoảng 200 đơn vị điều trị đột quỵ mới đáp ứng đủ. Với tốc độ chuyển giao kỹ thuật như hiện tại, ông dự đoán Việt Nam có thể sẽ mất khoảng 5 năm nữa để cán được mục tiêu này.

Ngoài ra, việc chuẩn hóa chất lượng điều trị tại các trung tâm đột quỵ cũng sẽ được hướng đến với mục tiêu là đưa chất lượng điều trị tại các trung tâm đồng đều nhau theo chuẩn mực của quốc gia và thế giới.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-chay-dua-cung-mach-mau-nao-post1462057.html