Người có bằng lái xe B1 có phải đổi, cấp lại?

Người được cấp mới bằng lái xe B1 từ ngày 1-1-2025 sẽ không được chạy các phương tiện giao thông như trước đây, bao gồm cả ô tô

Theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (hiệu lực từ ngày 1-1-2025), các hạng giấy phép lái xe (GPLX, hoặc bằng lái), tên gọi và phân cấp các loại phương tiện được phép điều khiển, cả đối với xe máy và ô tô con có sự thay đổi. Với riêng ô tô con, GPLX sẽ chỉ còn hạng B, thay cho hạng B1 và B2 đang áp dụng.

Người được cấp mới bằng lái xe B1 sẽ không được điều khiển các phương tiện giao thông như trước đây (gồm cả ô tô), thay vào đó được lái các loại xe: mô tô ba bánh; mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc công suất động cơ điện đến 11 KW. Do đó, người lái ô tô phải tham gia sát hạch GPLX từ hạng B trở lên mới đủ điều kiện lái ô tô.

Theo đại diện Bộ Công an, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng nêu rõ GPLX cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX. Như vậy, nếu chưa đổi, cấp lại theo quy định mới, GPLX hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe được tiếp tục điều khiển ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể cả chỗ của người lái xe); ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.

Sát hạch lái xeẢnh: NGUYỄN HƯỞNG

Sát hạch lái xeẢnh: NGUYỄN HƯỞNG

Trường hợp người có GPLX hạng B1 đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có nhu cầu đổi, cấp lại thì như sau: GPLX hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B nhưng chỉ được điều khiển ô tô số tự động; GPLX hạng B1, B2 được đổi, cấp lại sang GPLX hạng B hoặc C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500 kg; người học lái xe đã được đào tạo lái xe trước ngày luật này có hiệu lực thi hành hoặc đang được đào tạo lái xe tại ngày luật này có hiệu lực thi hành chưa được sát hạch, cấp GPLX thì được sát hạch, cấp GPLX theo hạng GPLX đổi, cấp lại tại quy định mới.

Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết việc phân hạng GPLX cơ bản chỉ định hình lại khung GPLX, không xáo trộn quá nhiều, đồng thời để tương đồng, phù hợp với thông lệ quốc tế; dễ dàng đào tạo, sát hạch, quản lý tài xế sau sát hạch. Người dân cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng GPLX tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và quốc tế.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết đơn vị sẽ có thông tin đến các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe và trên website của sở để người dân rõ.

"Như vậy, người dân có thể an tâm sử dụng GPLX được cấp trước khi luật có hiệu lực. Tuy nhiên, các trường hợp sắp hết hạn cần chủ động chuyển đổi GPLX theo luật mới" - luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho hay.

Trước đó, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng cho biết Thường trực Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng quy định các hạng GPLX theo hướng kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Nghiên cứu bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước Vienna 1968 về giao thông đường bộ. Đồng thời, bổ sung điều khoản chuyển tiếp quy định các loại GPLX đã cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực. Trường hợp cấp lại thì cấp GPLX theo quy định mới của luật này, không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp GPLX trước đó.

Nguyễn Hưởng - THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-co-bang-lai-xe-b1-co-phai-doi-cap-lai-196240903200445149.htm