Người giữ khung dệt cuối cùng ở làng chiếu Cẩm Nê

Nhắc đến làng dệt chiếu cói Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) rất nhiều người biết đến, chỉ tiếc thời vàng son của nghề này đã thuộc về quá khứ. Từ một làng nghề rộn tiếng thoi đưa, nay chỉ còn đúng một người 'giữ lửa'.

Tìm về làng chiếu Cẩm Nê, giữa tiết trời nắng nóng, vào thời điểm này của nhiều năm về trước chắc chắn hai bên đường đã được lấp đầy sợi cói với đủ màu sắc xinh tươi. Hôm nay, tiếng giũ cói, tiếng xe cộ chở chiếu đi lại cũng vắng bóng, đìu hiu.

Một khung dệt “mẫu” được chuẩn bị để thế hệ trẻ biết, nhớ... với mong muốn giữ được nghề truyền thống của làng.

Một khung dệt “mẫu” được chuẩn bị để thế hệ trẻ biết, nhớ... với mong muốn giữ được nghề truyền thống của làng.

Người còn giữ khung dệt cuối cùng ở làng nghề là bà Dương Thị Thông với 64 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi nghề. Bà cho biết, bà được mẹ truyền dạy khi mới hơn 10 tuổi và giữ đến tận bây giờ. “Dẫu làm nghề không giàu có, không có “của ăn của để” nhưng nó giúp gia đình tôi đi qua những lúc đói nghèo”, bà Thông chia sẻ.

Nói đoạn bà Thông thở dài tiếc nuối, nhìn về phía khung dệt đang im lìm nằm bên hông nhà. Bà cho hay, những năm gần đây bà chỉ dệt chiếu khi người ta đặt. Từ Tết đến giờ bà chỉ mới dệt một chiếc mở hàng. Không ai đặt thì bà lại đi nấu ăn thuê gần nhà để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Bà Dương Thị Thông đang sắp xếp lại từng cuộn cói đã để lâu ngày nhưng chưa được đưa vào khung dệt.

Bà Dương Thị Thông đang sắp xếp lại từng cuộn cói đã để lâu ngày nhưng chưa được đưa vào khung dệt.

Bà Thông chia sẻ thêm, một chiếc chiếu nếu mang chợ bán chỉ lời từ 10 đến 20 ngàn đồng, nên cũng không còn ai mặn mà với nghề này nữa. Giờ bà chỉ dệt theo đơn đặt nhưng nếu dệt thì tối đa cũng chỉ 2 chiếc/một ngày dù chiếu ngắn hay dài. Trong khi đó, bà phải chi trả 150.000 đồng/ngày công để thuê người làm phụ, so ra số tiền ngày công này cũng thấp nên không ai nhận.

Cũng theo bà Thông, để làm ra một chiếc chiếu cói phải trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, các công đoạn nhuộm, phơi, giũ sợi cói là “cực nhất”. Đây là 3 khâu đi đầu để làm ra một sản phẩm. Chỉ cần siêng năng và kiên trì thì ai cũng làm được, học được.

Sợi cói được nhập về từ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam sau đó phải đem đi nhuộm, phơi, giũ mới tiến hành dệt chiếu.

Sợi cói được nhập về từ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam sau đó phải đem đi nhuộm, phơi, giũ mới tiến hành dệt chiếu.

Làng dệt chiếu cói Cẩm Nê nức tiếng một thời là vậy, đáng tiếc, đến nay cũng chỉ còn mình bà Thông bám trụ với nghề.

Khi được hỏi về ý định nghỉ ngơi sau từng ấy năm gắn bó với nghề, bà Thông nhìn xa xăm, tay vẫn mân mê chiếc chiếu cói, bà nói: “Tôi sẽ làm đến khi nào tôi cảm thấy không đủ sức nữa thì mới thôi”.

Tiếng thoi dệt chiếu đang ngày càng vơi dần tại ngôi nhà của bà Thông.

Tiếng thoi dệt chiếu đang ngày càng vơi dần tại ngôi nhà của bà Thông.

Với mong muốn lan tỏa, lưu giữ lại nghề truyền thống của làng, bà Thông vẫn thường nhận lời mời tham gia các hoạt động trải nghiệm cho học sinh của các trường trên địa bàn thành phố.

“Tôi tin tưởng rằng sẽ có người tiếp tục với nghề dệt chiếu cói này. Ai thì chưa biết nhưng tôi tin rằng sẽ có, ít cũng 1 đến 2 người”, bà Thông nói với đầy sự kỳ vọng.

Hữu Tùng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nguoi-giu-khung-det-cuoi-cung-o-lang-chieu-cam-ne-424768.html