Người giữ nghề dệt chiếu Kim Bồng
Với ước mơ khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống của quê hương, chị Phạm Thị Công bắt đầu cải tạo ngôi nhà của bố mẹ thành không gian dệt chiếu để du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Sinh ra và lớn lên tại làng dệt chiếu Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, chứng kiến nghề thủ công truyền thống của quê hương ngày càng mai một, chị Phạm Thị Công không khỏi xót xa. Với ước mơ khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống của quê hương, chị bắt đầu cải tạo ngôi nhà của bố mẹ thành không gian dệt chiếu để du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Năm 2021, cơ sở lấy tên là Cói Kim Bồng KIBICO. Với những kiến thức, kinh nghiệm cùng mối quan hệ tạo dựng trong những năm làm thông dịch viên, hướng dẫn viên du lịch, chị Công kết nối với các tour lữ hành đưa du khách về làng mình. Tới đây, được tận mắt chứng kiến quá trình dệt chiếu, tự tay thực hành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, du khách quốc tế bày tỏ sự ấn tượng, thích thú.
Mô hình gìn giữ làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch mà cơ sở đang thực hiện cũng chính là định hướng mà địa phương đang hướng tới. Năm 2023 và 2024, chính quyền địa phương xã Cẩm Kim cùng với cơ sở Cói Kim Bồng KIBOCO đã mở lớp truyền nghề đan lát từ sợi cói và nhận được sự ủng hộ, tham gia rất nhiều từ phụ nữ tại địa phương. Hiện nay, cơ sở là đầu mối kết nối tiêu thụ sản phẩm, bước đầu tạo thêm một phần sinh kế cho nhân dân. Không những thế, cơ sở còn là nơi để các bạn học sinh, sinh viên tới tham quan, học tập trong chương trình của du lịch học tập cộng đồng Kim Bồng.
Khôi phục, gìn giữ làng nghề vì sự phát triển bền vững chính là mục tiêu hướng đến của cơ sở KIBICO - Cói Kim Bồng cũng như của chị Phạm Thị Công, chủ cơ sở. Làng nghề được khôi phục, bà con nhân dân địa phương có cơ hội quay lại với nghề, được làm công việc yêu thích, tạo được sinh kế từ nghề truyền thống của ông cha.
Cũng theo chị Công, để làm nên một chiếc chiếu bền và đẹp, nguồn nguyên liệu cói rất quan trọng. Vì vậy, gia đình chị tự trồng cói, mỗi năm khai thác 2 vụ. Cói sau khi về, chẻ nhỏ thành sợi và phơi khô, mang nhuộm màu rồi mới dệt chiếu. Trong quá trình dệt, đòi hỏi người dệt phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết để các sợi cói không trùng màu với nhau.
Hiện, mỗi ngày chị Công có thể làm ra được 2 - 3 chiếc chiếu lớn, nhỏ. Để tăng tính đa dạng, đổi mới cho sản phẩm và phù hợp với xu hướng của thị trường, chị Công còn làm ra nhiều sản phẩm cách tân từ sợi cói khá bắt mắt, tinh xảo như túi xách, đế lót ly, chén, thảm ngồi...
Hàng tháng, chị Công cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm lớn, nhỏ, với giá bán dao động từ 60 - 230 nghìn đồng/sản phẩm. Doanh thu đem lại cho gia đình khoảng 30 triệu đồng/tháng. Sản phẩm làm ra bán khá chạy vì độ bền, thân thiện với môi trường nên được nhiều khách hàng khắp cả nước ưa chuộng.
Đến nay, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghề Cói Kim Bồng của chị đã đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố (năm 2022, 2023), cấp tỉnh năm 2023. Năm 2024, sản phẩm túi cói Kim Bồng của cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Chị Công cho biết sắp tới chị sẽ mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng để sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước. "Tôi cũng dự định mở lớp dạy nghề cho những người trẻ, cùng chí hướng để khôi phục nghề dệt chiếu và giúp họ có thu nhập ổn định, có động lực gắn bó với nghề", chị chia sẻ.
Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/nguoi-giu-nghe-det-chieu-kim-bong-131329.htm