Người mẹ nuôi con từ không có khả năng đọc, viết thành thiên tài
MỸ- Đằng sau hành trình đặc biệt trở thành thiên tài của cậu bé tự kỷ Jacob Barnett là sự định hướng đúng đắn từ gia đình và tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. Chàng trai được kỳ vọng sớm nhận giải Nobel Vật lý.
Đứa trẻ đặc biệt cần được giáo dục đặc biệt
Chàng trai Jacob Barnett sinh năm 1998 tại TP Indianapolis, bang Indiana (Mỹ). Ngay từ sớm, gia đình ông bà Michael Barnett đã nhận ra con trai mình khác biệt so với những đứa trẻ bình thường.
"Mỗi khi tôi bế Jacob, thằng bé sẽ cong lưng và quay đi. Jacob không thể giao tiếp bằng ánh mắt với tôi. Ngay từ lúc 1 tuổi, thằng bé thường hướng ra cửa sổ và nhìn chằm chằm vào bóng tối hoặc xoay quả bóng suốt nhiều giờ. Trong khi những đứa trẻ khác hiếu động và thiếu kiểm soát, con tôi lại rất rõ ràng và ngăn nắp", mẹ của Jacob, bà Kristine kể lại.
Năm 2 tuổi, Jacob được bác sĩ chẩn đoán tự kỷ và nói rằng cậu sẽ không bao giờ biết đọc, biết viết, thậm chí là làm những việc bình thường như buộc dây giày, theo Pacific Standard. Gia đình đã đưa con trai đi chữa trị và áp dụng hàng loạt chương trình giáo dục đặc biệt nhưng vô vọng. Cậu bé tự kỷ ngày càng sống khép kín hơn.
Tự kỷ thường đi kèm với những thế mạnh và tài năng đặc biệt. Giáo sư tâm lý học Joanne Ruthsatz tại ĐH Bang Ohio (Mỹ)- người đã có 15 năm nghiên cứu về các thần đồng, cho rằng có mối liên hệ giữa thiên tài và chứng tự kỷ. Đối với Jacob, điều này thể hiện ở năng khiếu vượt trội về các con số và kiểu mẫu.
Thay vì coi chứng tự kỷ là một hạn chế, gia đình đón nhận sự độc đáo của Jacob và tìm cách cung cấp một môi trường để tài năng của cậu có thể phát triển.
Hồi ký của mẹ cậu, "The Spark: A Mother's Story of Nurturing Genius" (Tạm dịch: Tia hy vọng: Câu chuyện nuôi dưỡng, thiên tài và bệnh tự kỷ của một người mẹ) kể lại việc bất chấp những thử thách ban đầu và sự thoái lui do chứng tự kỷ, cha mẹ của Jacob đã cung cấp cho cậu các liệu pháp và hỗ trợ giáo dục chuyên biệt.
IQ cao hơn Albert Einstein, kỳ vọng sớm đoạt Nobel
Nhận thấy những hạn chế của giáo dục truyền thống trong việc đáp ứng nhu cầu trí tuệ của Jacob, cha mẹ đã cho con học tại nhà. Lựa chọn này cho phép họ thiết kế một chương trình giảng dạy phù hợp với sở thích và khả năng của Jacob, đảm bảo cậu nhận được sự kích thích trí tuệ cần thiết cho sự phát triển của mình.
Khi mới 2 tuổi, Jacob đã bắt đầu say mê với những ý tưởng toán học cao cấp. Khả năng nắm bắt các khái niệm trừu tượng và trí tò mò khiến cậu trở nên khác biệt so với các bạn cùng lứa.
Cậu bé có chỉ số IQ 170, cao hơn Einstein. Jacob còn được dự đoán sẽ đạt giải Nobel ở độ tuổi rất trẻ. Đến năm 8 tuổi, cậu đã học toán và vật lý cấp đại học, vượt xa sự mong đợi của nền giáo dục truyền thống. Cùng năm, mẹ Kristine đưa con trai đến Đại học Indiana để diễn thuyết về toán học, thiên văn học và vật lý.
Lúc 9 tuổi, Jacob bắt đầu nghiên cứu một lý thuyết độc đáo về vật lý thiên văn mà các chuyên gia tin rằng một ngày nào đó có thể đưa cậu vào danh sách nhận giải Nobel.
Năm 12 tuổi, Jacob bắt đầu một cột mốc quan trọng khác trên hành trình của mình- theo học Đại học Indiana-Đại học Purdue Indianapolis (IUPUI). Cậu cũng trở thành nhà nghiên cứu trẻ nhất được trả lương về vật lý lượng tử.
Năm 14 tuổi, Jacob trở thành sinh viên trẻ nhất từng được nhận vào chương trình Học giả Perimeter Quốc tế (PSI) tại Viện Vật lý Lý thuyết Perimeter danh tiếng ở thành phố Waterloo, bang Ontario (Canada). Chương trình này, nổi tiếng với chương trình giảng dạy nghiêm ngặt về vật lý lý thuyết, đã chào đón Jacob gia nhập một cộng đồng gồm các học giả và nhà nghiên cứu “lão làng”.
Thời gian của Jacob tại PSI cho phép cậu tìm hiểu sâu hơn về niềm đam mê vật lý và vũ trụ học. Chàng trai đắm mình trong những lý thuyết phức tạp, khám phá những nghiên cứu tiên tiến và tham gia thảo luận với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.
Những ý tưởng của cậu cho vật lý lý thuyết, đặc biệt trong các lĩnh vực như lực hấp dẫn lượng tử vòng và lý thuyết trường lượng tử, đã nhận được sự ghi nhận trong cộng đồng khoa học.
Cha mẹ phải tin tưởng, hiểu điều con mình muốn
Trọng tâm thành công của Jacob là sự hỗ trợ và động viên không ngừng mà cậu nhận được từ gia đình. Cha mẹ đã tạo ra một môi trường nơi con trai cảm thấy được trao quyền để theo đuổi đam mê và ước mơ lớn của mình.
Niềm tin vào khả năng của con đã truyền niềm tin cho Jacob, thúc đẩy cậu vượt qua ranh giới của những gì được cho là có thể hay rào cản của chứng tự kỷ.
Mặc cho những chuyên gia và cả giáo viên đều nói Jacob bị tự kỷ nặng và hầu như không còn hy vọng để học tập và phát triển như những đứa trẻ bình thường nhưng mẹ của cậu bé vẫn không hề mất niềm tin ở con.
Bà từng nói: "Là một người mẹ, bằng tất cả trái tim mình, tôi biết điều con mình muốn và chúng tôi tin tưởng nhiều hơn nữa vào điều đó. Thậm chỉ cả khi nó đi ngược với những gì người khác nói".
Hiện nay, Jacob là nhà vật lý lý thuyết đầy triển vọng tại Viện Perimeter ở TP Waterloo, bang Ontario, Canada, theo Yahoo.
Jacob và mẹ Kristine cũng đang điều hành Jacob's Place, một tổ chức phi lợi nhuận dành cho trẻ tự kỷ, mang lại niềm vui và hỗ trợ cho khoảng 200 trẻ em. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào điểm mạnh của trẻ tự kỷ và thay đổi nhận thức theo hướng hiểu biết tích cực về khả năng và quan điểm độc đáo của chúng.
Câu chuyện của Jacob Barnett đã khơi dậy sự kính phục và ngưỡng mộ, nhấn mạnh hành trình của cậu bé thiên tài, đồng thời nêu bật vai trò then chốt của gia đình trong việc nuôi dưỡng tài năng của cậu.
Bà Kristine nhắn nhủ đến tất cả những bậc làm cha, làm mẹ, đặc biệt là những người có con bị tự kỷ. "Trong mỗi đứa trẻ luôn có một tia sáng".
"Tôi rất vui khi được mắc chứng tự kỷ. Đó là nhờ chứng tự kỷ của tôi mà tôi có thể làm những gì tôi làm tốt nhất. Tôi tự coi mình là một người bình thường và rất tận tâm với môn học của mình. Tôi coi mọi thứ như một thử thách. Chỉ vì nó khó hơn không có nghĩa là bạn không thể làm được”, chia sẻ của chàng trai tại buổi Ted Talk nổi tiếng.