Người 'thổi hồn' vào đất thành những món đồ chơi Trung thu độc đáo

GiadinhNet – Ở tuổi ngoài thất thập, ông Giáp vẫn miệt mài 'thổi hồn' vào đất để tạo lên những món đồ chơi dân gian không thể thiếu trong mâm cỗ 'trông trăng' mùa Thu độc đáo.

Ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng là phát tích ra dòng tranh Đông hồ. Thế nhưng ít tai biết nơi đây cũng là bắt nguồn của Phỗng Đất, một trò chơi dân gian không thể thiếu trong những mâm cỗ "trông trăng" của nhiều thế hệ trẻ ngày xưa.

Qua thời gian loại đồ chơi dân gian này dần mai một khi thị hiếu của người dân thay đổi. Hiện nay cả xã chỉ còn mình ông Phùng Đình Giáp là nghệ nhân cuối cùng còn làm phỗng đất tại Việt Nam với mong muốn lưu giữ từng giá trị hòa cổ, lưu giữ cho đời sau.

Bước qua tuổi 70, ông Giáp vẫn hàng ngày miệt mài "thổi hồn" vào đất thành những món đồ chơi Trung thu độc đáo. Tận mắt chứng kiến đôi bàn tay khéo léo, đầy tài hoa của nghệ nhân Phùng Đình Giáp miệt mài dạy các em nhỏ trải nghiệm làm Phỗng Đất ở buổi "VỀ LÀNG - Vui Trung Thu tại NALA", chúng tôi càng khâm phục. Chỉ ít phút từ những nắm đất vô chi đã nhanh chóng biến thành những món đồ chơi đầy thú vị với đủ hình thù.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp dạy các em nhỏ trải nghiệm làm phỗng đất. Ảnh TG

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp dạy các em nhỏ trải nghiệm làm phỗng đất. Ảnh TG

Sau ít phút, đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân đã tạo hình thành những con vật từ nắm đất vô chi

Sau ít phút, đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân đã tạo hình thành những con vật từ nắm đất vô chi

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm phỗng đất, ông Giáp kể, ông chỉ biết được ông nội và cha truyền dạy khi mới 6 tuổi.

"Lần đầu tiên tôi biết mình làm phỗng cũng đẹp đó là lần học cấp 1, cô giao giao bài tập thủ công cắt xé giấy thành con vật, tôi lại nặn phỗng đất để nộp. Không làm theo yêu cầu của cô lúc ấy cũng sợ. Nhưng sau khi nộp bài cô chấm đã cho tôi 10 điểm và cộng thêm cho 10 điểm vì sáng tạo, tôi đã rất vui. Sau đó tôi đam mê với loại đồ chơi này".

Hơn 60 năm qua vào mỗi dịp Trung thu, ông lại đi tìm đất làm nguyên liệu tạo phỗng đất. Loại đất để làm phỗng đất vô cùng đặc biệt. Đây là loại đất thó được lấy ở độ sâu 2 - 3m dưới lòng đất và chỉ có khoảng 20-25 cm. Đất lấy về cần phơi nắng sau đập thật nhuyễn, sàng thật mịn. Khi thu được bột đất sẽ đem trộn với giấy được ngâm khoảng tuần mới tạo thành loại đất dẻo mang ra nặn.

Loại đất đặc biệt này kết hợp với các vật dụng thô sơ như que tăm, vài thanh sắt hay chỉ đơn giản là chiếc bút hết mực, nghệ nhân Phùng Đình Giáp đã biến cục đất đơn điệu thành những hình thù đặc biệt. Khi là con vật như con vịt, con chim, con gà…, khi lại là tượng Phật mang giá trị giáo dục rất cao.

Mâm cỗ trung thu xưa không thể thiếu bộ phỗng đất

Mâm cỗ trung thu xưa không thể thiếu bộ phỗng đất

Theo ông Giáp, mâm cỗ Trung thu xưa ngoài mâm ngũ quả, bánh kẹo… thường không thể thiếu đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy và một bộ phỗng đất. Mâm cỗ sau khi được bày ở sân nhà, dưới ánh trăng sáng vằng vặc để chờ trẻ con đi rước đèn trong xóm về sẽ tập trung bên mâm cỗ trông trăng rồi cùng nghe người lớn giảng về ý nghĩa bộ phỗng đất.

Một bộ phỗng đất Trung Thu gồm 5 nhân vật với những biểu tượng khác nhau. Ở vị trí trung tâm của bộ 5 tượng phỗng chính là phỗng hình Phật nhắc nhở con cháu sống cần có lương tâm, đúng mực, đức độ thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh. Con chim thể hiện cho khát vọng hòa bình, tự do; con rùa tượng trưng cho sức sống mãnh liệt giữa biển lớn và sự tích thần Kim Quy; tượng phỗng người già và em bé như một sự nối tiếp truyền thống. Chính vì ý nghĩa giáo dục đặc biệt của bộ phỗng mà được các cụ truyền dạy, ông Giáp càng tâm huyết cố gắng lưu giữ.

Phỗng đất làng Hồ dần lấy lại được thị hiếu của khách

Phỗng đất làng Hồ dần lấy lại được thị hiếu của khách

Để tạo ra một phỗng đất rất mất thời gian và nhiều công đoạn. Giá mỗi phỗng khoảng 20 nghìn đồng không cao so với đồ hiện đại. Nhưng ông Giáp bảo ông thấy vui khi mấy năm gần đây người dân đã quan tâm trở lại nhiều hơn với đồ chơi dân gian. Hơn tháng nay chuẩn bị, những bộ phỗng sặc sỡ nhiều màu được trưng bày trên các sạp hàng và nhiều người đặt mua.

Ngoài những phỗng đất dân gian với các hình tượng quen thuộc, để phù hợp với thị hiếu của khách hàng và mẫu mã bắt mắt hơn, ông Giáp đã sáng tạo thêm những hình tượng mới. Với nghệ nhân Phùng Đình Giáp, phỗng đất không chỉ là món đồ chơi con trẻ ngày xưa mà nó còn gửi gắm những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Trải qua nhiều năm thăng trầm khi thu nhập của nghề không đủ sống nhưng chưa bao giờ, ông Giáp có ý định bỏ nghề. Ông luôn cố gắng giữ nghề truyền thống và truyền dạy cho con cháu của mình cách làm phỗng, ý nghĩa của từng hình tượng. Giờ đây cháu của ông cũng có thể nặn thành thạo phỗng để lưu giữ truyền thống gia đình. Và để lan tỏa những kiến thức về làm phỗng đất, chính cháu nội của ông Giáp cũng đã lập lên 1 fanpage trên mạng xã hội với mong muốn lưu giữ loại đồ chơi truyền thống đầy ý nghĩa này.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nguoi-thoi-hon-vao-dat-thanh-nhung-mon-do-choi-trung-thu-doc-dao-17222082916174434.htm