Người trẻ ngỡ ngàng khi huyết áp cao chót vót

Tăng huyết áp được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng. Hiện nay, 25% số người trưởng thành Việt Nam bị bệnh này và đang có xu hướng tăng cao đến mức báo động đỏ.

Ngỡ ngàng khi huyết áp ở mức nguy hiểm

Anh N.N.N (31 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vào bệnh viện khám vì triệu chứng giảm thính lực. Anh N. kể cách đây mấy tháng, anh thường xuyên thấy mắt mờ hơn nên đi ra cửa hàng kính để đo và cắt kính. Ngoài ra, anh N. thấy phù ở mắt, cổ chân. Ban đầu, người thân cho rằng anh tăng cân.

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ phát hiện nam bệnh nhân tăng huyết áp, chỉ số huyết áp tâm thu lên tới 180 mmHg. Qua các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán anh N. tăng huyết áp đã biến chứng vào thận, võng mạc.

Anh H.M (41 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện chỉ số huyết áp lên tới 200 mmHg. Bác sĩ đo lại liên tục trong 3 lần, anh M. đều có huyết áp ở mức vượt ngưỡng nguy hiểm. Sau khi nhỏ thuốc hạ huyết áp khẩn cấp, chỉ số mới hạ xuống 160 mmHg.

Nam bệnh nhân này cho biết, anh không có dấu hiệu khác thường nên chủ quan. Sau khi thực hiện nhiều lần đo tránh trường hợp “huyết áp áo choàng trắng” (do gặp bác sĩ), bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc và giới thiệu về cơ sở y tế quận để khám và nhận thuốc điều trị bệnh mạn tính.

Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, nam bệnh nhân 31 tuổi vào viện vì hôn mê. Các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản và huyết áp liên tục tăng cao 180/100 mmHg. Nam bệnh nhân này chủ quan, biết mình bị tăng huyết áp nhưng bỏ dùng thuốc khi thấy chỉ số ổn định.

Bệnh nhân trẻ cấp cứu vì tăng huyết áp tại BV Bạch Mai. Ảnh: Nguyên Hà.

Bệnh nhân trẻ cấp cứu vì tăng huyết áp tại BV Bạch Mai. Ảnh: Nguyên Hà.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, cho biết, tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80-85% số ca chảy máu não. Người trẻ thường chủ quan, ít khi theo dõi chỉ số huyết áp, ít tập luyện, chế độ ăn uống thừa cân, béo phì và không đi khám sức khỏe định kỳ. Chỉ đến khi có bệnh phải nhập viện, họ mới “ngã ngửa” về tình trạng huyết áp của mình.

8 dấu hiệu cần lưu ý

Phó giáo sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện Trưởng Viện Tim Mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, số người trưởng thành tăng huyết áp ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa rõ rệt. Theo ước tính, cứ 10 người trưởng thành có 3 ca bị tăng huyết áp, rất nhiều người không rõ bệnh của mình. Bệnh hầu như không có triệu chứng rõ ràng nên họ không hay biết. Vì vậy, tăng huyết áp được coi như sát thủ thầm lặng.

Tăng huyết áp là chỉ số cao hơn 140/90 mmHg. Một số người có biểu hiện như:

1. Đau đầu: Thường vào buổi sáng, vùng chẩm hoặc trán.

2. Chóng mặt, hoa mắt: Cảm giác mất thăng bằng, choáng váng.

3. Ù tai, giảm thính lực: Có thể đi kèm với cảm giác nặng đầu.

4. Đánh trống ngực, hồi hộp: Tim đập nhanh, cảm giác bồn chồn.

5. Khó thở: Nhất là khi gắng sức hoặc nằm ngủ.

6. Đỏ mặt, nóng bừng: Đặc biệt khi căng thẳng hoặc uống rượu.

7. Chảy máu cam: Tuy hiếm nhưng có thể gặp.

8. Mờ mắt, giảm thị lực.

Huyết áp cao không được điều trị theo dõi gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, phù phổi, lóc tách động mạch chủ, phình, giãn động mạch chủ. Tăng huyết áp gây ra biến chứng ở não nguy hiểm như đột quỵ, phình mạch máu não. Ở thận, bệnh lý này gây tổn thương thận cấp, cầu thận và suy thận mạn tính.

Huyết áp cao biến đổi mạch máu ở đáy mắt gây xuất huyết, phù nề mạch máu võng mạc, giảm hoặc mất thị lực.

Tăng huyết áp cũng có thể xuất hiện cấp tính diễn biến rất nhanh trong cơn tăng gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời như: Suy tim cấp, phù phổi cấp, lóc tách động mạch chủ.

Để xác định có bị tăng huyết áp hay không, người bệnh cần được ở trong điều kiện yên tĩnh và thư giãn và dùng máy đo. Trong một số trường hợp đặc biệt, để chẩn đoán bệnh cần sử dụng đến các thiết bị theo dõi huyết áp liên tục trong 24 giờ.

Người bệnh tăng huyết áp cần điều trị thuốc suốt đời, không được bỏ thuốc dù huyết áp đã ổn định. Việc tái khám cần duy trì theo chỉ định của bác sĩ.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-tre-nga-ngua-khi-huyet-ap-cao-chot-vot-2370365.html