Người trẻ quảng bá văn hóa trên nền tảng số
Với mong muốn gìn giữ và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với cộng đồng, nhiều người trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo ra những hình ảnh, video độc đáo đăng tải trên nền tảng số.
Đưa thổ cẩm vươn xa
Với sự mạnh dạn và tư duy đổi mới, năm 2022, chị Y Jưng (35 tuổi), dân tộc Ba Na) ở làng Plei Đôn, phường Kon Tum đã đưa sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình lên sàn thương mại điện tử, tạo ra một kênh tiêu thụ mới đầy triển vọng.
Bên cạnh đó, để kết nối sản phẩm với người tiêu dùng, chị đã chủ động quảng bá và bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội như: TikTok, Facebook. Nhờ đó, các sản phẩm thổ cẩm không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh yêu thích mà còn nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ khách hàng ở các tỉnh, thành khác và cả nước ngoài.

Chị Y Jưng đang live stream giới thiệu sản phẩm thổ cẩm trên mạng xã hội Tik Tok.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, chị Y Jưng đã nghiên cứu và lựa chọn chất liệu vải co giãn, đồng thời, cách tân các trang phục thổ cẩm với những họa tiết, hoa văn sáng tạo, tôn vinh vẻ đẹp của người mặc. Mặc dù có sự đổi mới trong thiết kế nhưng trang phục thổ cẩm vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, kết hợp hài hòa giữa nét đẹp cổ điển và hiện đại. Đến nay chị đã sản xuất, thiết kế nhiều sản phẩm thổ cẩm đa dạng như: Áo, váy truyền thống, sơ mi nam, váy cưới, đầm dạ hội, cà vạt.
Những video về trang phục thổ cẩm được chị Y Jưng đăng tải trên mạng xã hội TikTok, Facebook thu hút hàng nghìn lượt thích và hàng trăm lượt bình luận. Nội dung các video xoay quanh về quy trình sản xuất và các công đoạn tạo ra sản phẩm thổ cẩm thủ công; giới thiệu chất liệu vải, mẫu mã sản phẩm; hay là video về những cô gái, chàng trai Ba Na diện trang phục thổ cẩm tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng ở phường Kon Tum. Qua các video, mang đến cho khách hàng cái nhìn chân thực nhất về sự đa dạng của sản phẩm thổ cẩm.

Chị Y Jưng quay video giới thiệu chất liệu vải, mẫu mã sản phẩm thổ cẩm để đăng lên các nền tảng số.
“Từ khi bán hàng trên các nền tảng số, doanh thu đã tăng lên, với hơn 1.500 trang phục thổ cẩm được bán mỗi năm. Các đơn đặt hàng chủ yếu từ các tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Điều này không chỉ giúp quảng bá trang phục truyền thống, bảo tồn văn hóa dân tộc mà còn tạo việc làm cho chị em phụ nữ ở làng. Nếu ai làm siêng, dệt đẹp thì bình quân mỗi tháng cũng kiếm được 4 - 5 triệu đồng”, chị Y Jưng chia sẻ.
Khát vọng quảng bá văn hóa dân tộc
Sinh ra và lớn lên ở Làng Du lịch cộng đồng Đăk Răng, xã Dục Nông, nơi giàu bản sắc văn hóa, con người thân thiện, chàng trai Bloong Muôn (34 tuổi) dân tộc Gié - Triêng đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch từ văn hóa bản địa. Năm 2021, anh cùng với ông Brôl Vẻ - nghệ nhân ưu tú ở làng đã xây dựng những sản phẩm du lịch, các điểm check-in đầy sắc màu trẻ trung, tươi mới mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống, đặc trưng của cộng đồng người Gié - Triêng.

Anh Bloong Muôn sáng tạo video giới thiệu về văn hóa dân tộc mình cho cộng đồng mạng.
Với mong muốn những điều độc, lạ, đẹp của làng được nhiều du khách biết đến, anh Muôn đã xây dựng hành trình khám phá và check-in vào tất cả các thời khắc đẹp trong ngày. Rồi tự mày mò, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng để chụp ảnh, làm video về văn hóa, con người làng Đăk Răng đưa lên mạng xã hội Facebook, TikTok. Thông qua những hoạt động quảng bá văn hóa, anh mong muốn đưa hình ảnh một ngôi làng bình yên, nhiều bản sắc và hạnh phúc đến gần hơn với du khách trong nước và thế giới.
Trang Fanpage “Muôn Vlog” của anh Muôn thành lập từ năm 2021, đến nay đã có hơn 12 nghìn người theo dõi. Hơn 4 năm qua, anh đã sáng tạo trên 300 video, hình ảnh phản ánh về các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Gié - Triêng tại làng Đăk Răng, gồm những làn điệu dân ca, nghề truyền thống, diễn tấu nhạc cụ dân tộc hay những cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ của cộng đồng.
“Là một người trẻ, có điều kiện tiếp cận với công nghệ và mong muốn gìn giữ, quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tôi đã tìm gặp các nghệ nhân tại làng để ghi lại hình ảnh về những văn hóa đặc trưng. Sau đó chia sẻ lên mạng xã hội và ngày càng được nhiều người quan tâm, yêu thích. Đây là động lực để tôi tiếp tục sáng tạo thêm những nội dung phong phú, hấp dẫn để quảng bá rộng rãi văn hóa dân tộc”, anh Muôn cho hay.

Nhờ quảng bá trên mạng xã hội mà nhiều du khách nước ngoài tìm đến làng trải nghiệm văn hóa.
Theo anh Muôn, cách quảng bá văn hóa trên mạng xã hội rất hiệu quả, tạo sự tiếp cận tới du khách rất nhanh chóng, độ phủ sóng rộng rãi. Từ đó, lượng khách tới du lịch làng Đăk Răng thời gian gần đây đông hơn, nhất là trong dịp đầu năm khi mà nơi đây nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa đặc sắc.
Ông Trần Cao Bảo Việt, Chủ tịch UBND xã Dục Nông cho biết, những người trẻ như anh Bloong Muôn đang là cầu nối, đưa văn hóa dân tộc đến gần với nhiều người thông qua hình ảnh, video sống động, mới lạ. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để mở các lớp tập huấn về kỹ năng xây dựng, sáng tạo nội dung, quảng bá văn hóa du lịch địa phương; mời nghệ nhân dân gian tham gia truyền dạy văn hóa cho các thế hệ trẻ; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp từ văn hóa bản địa.
Bài, ảnh: NAY SĂT
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/nguoi-tre-quang-ba-van-hoa-tren-nen-tang-so-54512.htm