Người về từ trại VII

Men theo con đường bê tông cặp bờ sông từ chùa Ông Bổn đi về hướng Tắc Thủ một quãng ngắn, rồi rẽ vào con hẻm nhỏ sâu hút vừa đủ chiếc xe hai bánh qua, tôi đến nhà ông Trương Văn Liền, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu tù Chính trị TP Cà Mau. Căn nhà vừa được sửa chữa, tường vôi màu xanh nhạt, nền lát gạch sáng bóng, chừng như ông lo trước cho ngày kết cục của mình nên chừa một khoảng sân khá rộng, mấy ngọn gió chui vào lắt lay khóm trúc kiểng, người cùng hẻm khen ông có số hưởng được lộc trời.

Biểu tượng bầu trời hòa bình tái hiện trong Bảo tàng Côn Ðảo. Ảnh: MINH TẤN

Biểu tượng bầu trời hòa bình tái hiện trong Bảo tàng Côn Ðảo. Ảnh: MINH TẤN

Dù mới gặp lần đầu, nhưng bên tách trà tôi với ông nhanh chóng trò chuyện thân tình, như là những người bạn với nhau trong những năm đánh giặc. Cũng phải, chỉ cần nói tôi là lính, mọi khoảng cách đều san phẳng. Từng khúc, từng đoạn hơi dài hơi ngắn, ông kể tôi nghe về khoảng thời gian16 năm 4 tháng bị địch giam cầm qua 7 nhà tù, mà điểm cuối là trại VII, phòng 36 nhà tù Côn Ðảo.

Ông kể, con tàu đưa ông rời bến trong đêm 30/11/1959, không tên lính áp giải nào hé miệng, nhưng ông biết chắc mình đang bị đày ra Côn Ðảo. Ðoàn tù bị cùm xích chung nhau như xâu ếch. Những tiếng quát tháo, hăm he của những tên lính áp giải, sự chồng chềnh của con tàu khi lướt sóng càng làm cho tâm trạng đoàn tù thêm nặng nề. Ðối với ông, và có lẽ hầu hết anh em đều trải qua hai, ba nhà tù trong đất liền, từng nếm trải đủ các loại cực hình, tra tấn, hành hạ, chiêu dụ thì cũng không có gì ghê gớm, tuyệt vọng. Biết đâu, Côn Ðảo sẽ là điểm cuối để mình được xổ lồng, tự do trở về với anh em, đồng đội.

Cũng như những lần chuyển trại trước, ông được đón tiếp bằng những trận đòn phủ đầu dằn mặt, bằng những cặp mắt đỏ ngầu, những cánh tay không đánh đập là miệng ăn không ngon của những tên đồ tể được đào tạo bài bản về kỹ năng hành hạ tù nhân.

Không biết may hay rủi, đầu tiên ông được tống vào trại I, qua sàng lọc đến trại IV, và cuối cùng là trại VII, phòng 36. Xây dựng theo mẫu của Mỹ, đây là nơi giam giữ những tù nhân mà chúng coi là chống đối, nguy hiểm. Chếch bên kia là khu H, nơi chúng giam đồng chí Trần Trọng Tân, sau này trong những ngày Côn Ðảo tự giải phóng, đồng chí là Phó bí thư Ðảng ủy nhà tù, sau đó được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Ðương nhiên, là tù chính trị nên tụi cai ngục cũng đối xử đặc biệt lắm, ông Liền kể, mắt ông nhìn ra khoảng sân ngập nắng. Ký ức trở về đầy trong mắt. Chiêu trò chống Cộng, tố Cộng được Mỹ Diệm thực hiện từ cuối tháng 3/1957 đến những năm tháng đó vẫn chưa từng giảm cường độ, mà mỗi ngày mỗi tinh vi, dày đặc, thâm độc hơn. Trong mục tiêu, chúng không bao giờ muốn tù chính trị chết mà chưa có lời ly khai cộng sản, chưa nói xấu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên Bảy Nhiên, mật vụ của ty y tế, mỗi lần chích thuốc cho anh em đều hỏi có chịu ly khai không, ai lắc đầu là nó bơm bỏ thuốc xuống đất. Anh Trần Kim Long ở Vàm Ðình (Phú Mỹ) cùng mười một bạn tù bị kiết lỵ nằm ở phòng riêng, bọn gác ngục thấy khó sống nên khiêng ra ngoài rồi ra điều kiện ly khai. Và anh kiên quyết lắc đầu, giữ vững khí tiết người cộng sản cho tới giây phút cuối cùng.

Anh Nguyễn Văn Tâm bị đánh đập đến phát điên, hễ thấy mặt bọn cai ngục là anh hô “đả đảo Ngô Ðình Diệm”, gặp bạn tù chính trị nào anh cũng nói “tao chưa phải đảng viên, nhưng tao chiến đấu cho lý tưởng cộng sản, đứa nào ly khai tao bắn, nói xấu Hồ Chủ tịch tao bắn...”. Nói rồi anh bắn súng miệng pằng pằng pằng cho đến khi giọng nhỏ dần và lịm hẳn.

- Và ảnh mất mới ngoài hai mươi, tuổi đó không có chiến tranh là tuổi đầy sức sống, yêu đời - ông Liền bồi hồi.

Câu chuyện những người bạn tù kiên trung làm buổi trưa chùng xuống. Tôi là người ngoài cuộc mà cảm thấy đau lòng, nói chi người cựu tù Côn Ðảo đang ngồi trước mặt tôi đây, chuyện như thể mới hôm qua. Ngày 1/5/1973, địch đàn áp trại VII dữ dội, có phòng phải chịu hơn 30 trái lựu đạn cay, vì tù nhân không chịu chuyển trại. Bên trại VI, khu A và B, có hai tù chính trị chết tại chỗ.

Ông nói giữa sống và chết ai mà không toan tính. Ðiều đáng sợ nhất trong cuộc chiến chống ly khai là sự biệt lập, xa rời tập thể lớn. Nhưng những ngày ông và người bạn tù Nguyễn Trí Tuệ (quê Quảng Ngãi) bị giam ở chuồng cọp biệt lập, ông gợi ý thăm dò thái độ bạn, nói hay là ta chấp nhận ly khai để khi được thả ra mình lập công chuộc lại lỗi lầm, thì bị Tuệ mắng thẳng mặt: “Ð. m, không ly khai gì hết, mày không sợ nhục hả, ly khai thì mặt mũi mình để đâu? Lòng tự trọng của con người đâu?”.

Trong tập hồ sơ “Tù nhân Côn Ðảo với Bác Hồ” cho biết, chỉ ở trại I có trên 1.000 quần chúng cách mạng tham gia phong trào chống ly khai cộng sản, nhiều người chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh. Có lần, trong đợt khủng bố cao điểm, ông Liền đánh liều trả lời viên cai ngục: “Trước đây, tôi không phải cộng sản nhưng giờ tôi chấp nhận là cộng sản”.

- Vậy mà may, mấy ngày sau việc tra tấn hành hạ tôi thưa dần - Ông Liền cười, như thể đòn roi đã quen rồi.

Mạch chuyện có lúc chậm lại, dường như ông cần thời gian chắp nối, tìm trong hồi ức, không để bỏ lỡ chuyện gì, tôi cũng không vội nên chỉ uống trà và chờ đợi. Trong những khoảng dừng nghỉ, tôi nhìn thẳng vào đôi mắt như vẫn còn ẩn chứa phẫn uất khi hồi nhớ những năm bị tù đày. Một cụ già 78 tuổi, coi như là quá thọ nếu đã từng trải qua bao đòn tra tấn ngày đó, mái tóc bạc trắng, nước da ngăm, hàm răng còn khá tốt. Trong từng động tác nhỏ, tôi đoán ông vẫn đang vật lộn với những hệ quả của đòn roi, cái đau thể xác không biết có đeo bám theo vào giấc mơ ông không.

Với tôi, suốt 20 năm đánh Mỹ, không bị bắt lần nào, thương tích không đáng kể, nên trước mặt người cựu tù Côn Ðảo, tôi tự hỏi mình, nếu trong trường hợp như ông, tôi sẽ ra sao, có đủ dũng khí để ngẩng cao đầu, hay phải xấu hổ trở về trong vòng tay Nhân dân.

Ông dường như không để ý suy nghĩ của tôi, chậm rãi đưa chuyện về nơi khởi nguồn đời tù gần 60 năm trước.

Ngày 30/11/1957, trong khi đi công tác, ông bị địch bắt ở ấp Tân Ðức, xã Phú Hưng. Khi đó ông mới 20 tuổi, là Phân đoàn trưởng năng nổ, thời kỳ mới tập tành làm cách mạng, chưa có lý tưởng hay lập trường giai cấp. Ðịch không chứng cứ, ông cố chịu đựng tra tấn không khai báo điều gì, nghĩ địch sớm thả ra. Nhưng không ngờ hết khám Lò Heo, Cà Mau, đến nhà tù Phú Lợi, Chí Hòa, Tân Hiệp, rồi Côn Ðảo, địch biến ông thành người cách mạng thật sự. Trong hồ sơ chắc chúng biết ông có người anh tập kết nên gắn cho cái tội hoạt động cách mạng, chống đối chính thể quốc gia. Cũng đúng, hồi đó Phân đoàn trưởng phụ trách 2, 3 ấp, làm thay luôn đảng viên, không có việc gì mà đoàn viên không làm được, nhất là những công việc mang tính mạo hiểm như ngụy trang giáo phái, dán cảnh cáo trước cửa nhà những tên trưởng ấp, phong trào quốc gia ngấp nghé phản động; treo băng cờ đấu tranh đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ thống nhất đất nước.

Trong các nhà tù, bài bản tra tấn và cực hình nói chung là giống nhau, nhưng cũng có “sáng tạo” riêng của từng tên cai ngục. Ở Tân Hiệp có cách còng hai chân hai tay chung một chỗ, người khum lại mà tù nhân hay gọi là “còng cuộc”, tức như đạp xe cuộc cúi người. Kiểu còng này không chết ngay nhưng khó thở, thân thể rã ra. Ở nơi khác có kiểu cột tay ngoặt ra sau lưng, rồi treo lơ lửng như tàu bay. Tất cả những cực hình đó như một dấu búa đóng vào tim ông.

- Nhiều khi tôi nghĩ, bị hành hạ đánh đập như vậy mà còn sống, trời thương.

Ông nói, ông còn nhớ tên Hai Ròng, trưởng trại VII, khi ra trình diện trước Ủy ban Quân quản Côn Ðảo, gặp anh Hai Tân mặt hắn xanh như tàu lá, bởi mới chiều 28/4, hắn gọi anh ra văn phòng trại, chỉ vào mặt anh, nạt: “Tôi biết ông lãnh đạo trại VII, nói cho ông biết, nếu ngày 1/5 tới đây tù có la lối gì, tôi tính sổ ông đó”. Vậy mà chỉ ít ngày sau, y không ngại quỳ trước mặt anh xin tha tội. Những người tù chính trị chống ly khai và những tên đồ tể tay sai khác nhau chỗ đó.

Kim đồng hồ chùng chình như sợ câu chuyện của chúng tôi kết thúc. Hơn 16 năm bị địch giam cầm, chỉ nửa ngày sao nói hết. Và ở tuổi 78, thương tật đầy mình, biết đâu những dịp kể cạn dần. Chuyện đã qua, không kể ra lớp trẻ không bao giờ biết, để đổi được tự do, bao nhiêu máu, nước mắt đã thấm ngập đất này.

Nửa đêm ngày 30/4/1975, đại úy Kiều Văn Dậu, trưởng ban 3 (hành quân - tác chiến) vào trại VII báo tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn được giải phóng. Ðến 1 giờ sáng 1/5, cả khu trại VII đã dùng chìa khóa bẻ song, đập cửa, phá tường để tự giải phóng. Cũng chuyến tàu đêm, nhiều năm trước ra Côn Ðảo với thân phận người tù, thì bây giờ trở về với tư thế người chiến thắng. Vẫn sao trời này, gió này, trùng dương mênh mông này. Thật khó nói hết những cảm xúc dâng trào, cuộc đời đổi thay kỳ diệu, như vẫn còn mơ hồ hư thực.

Kể từ năm 1862, khi tên thực dân Pháp lập ra nhà tù Côn Ðảo, đến ngày 1/5/1975, Côn Ðảo hoàn toàn được giải phóng. 113 năm ấy, ông Trương Văn Liền gởi thanh xuân của mình ở xứ sở ngục tù đó 16 năm 4 tháng. Trong ông, Côn Ðảo là địa ngục trần gian, không có gì phải luyến tiếc, nhưng thâm tâm ông sẽ không bao giờ quên mình đã lớn lên, trui rèn ý chí cách mạng như thế nào, để được trở về trong đoàn quân chiến thắng./.

Nguyễn Thái Thuận

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nguoi-ve-tu-trai-vii-a39149.html