Nguồn thu lớn từ tín chỉ carbon
Thương mại tín chỉ carbon rừng sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường.
Thị trường carbon (CO2) bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Tiềm năng của Việt Nam rất lớn
Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng hiện đạt 42,02%. Tổ chức Lương - Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đánh giá trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.
Nói về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết tháng 10-2020, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển cho WB 10,3 triệu tấn, với giá 5 USD/tấn và khoảng 95% lượng này sẽ được tính đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đến nay, các thủ tục về pháp lý, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và WB đã chuyển cho Việt Nam 80% tổng kinh phí, tương đương 41,2 triệu USD. "Đây là thỏa thuận đầu tiên về giảm phát thải được triển khai thành công ở nước ta, mang về nguồn tài chính lớn, đồng thời góp phần tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này" - ông Bảo cho biết.
Tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Giám đốc Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp Emergent, cơ quan quản lý hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF), đã ký Ý định thư về giảm phát thải. Đây là căn cứ để hai bên đàm phán, ký kết và thực hiện thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng cho 11 tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo Ý định thư này, Việt Nam dự kiến sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn carbon giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022-2026 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn carbon. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF sẽ được tính vào cam kết đóng góp giảm phát thải của Việt Nam.
"Thỏa thuận mua bán kết quả giảm phát thải chính thức được các bên ký kết, các chủ rừng ở Tây nguyên, Nam Trung Bộ sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện sinh kế. Các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để tái đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ rừng" - ông Bảo nói.
Hoàn thiện khoảng trống pháp lý
Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh thông qua việc bán tín chỉ carbon rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và ký Ý định thư về giảm phát thải các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, cho thấy tiềm năng rừng của Việt Nam không chỉ mang lại giá trị về gỗ, lâm sản, nước, mà còn tiềm năng dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon rừng là rất lớn. Theo tính toán, mỗi năm rừng Việt Nam có thể hấp thụ gần 70 triệu tấn carbon và phát thải của lĩnh vực lâm nghiệp (bao gồm khai thác, trồng rừng, thậm chí kể cả cháy rừng, phá rừng…) là khoảng 30 triệu tấn carbon. Ông Trị nhấn mạnh: "Như vậy, mỗi năm còn thu ròng khoảng 40 triệu tấn tín chỉ carbon. Nếu bán với giá carbon tự nguyện là 5 USD/tấn, chúng ta có thể thu được khoảng 200 triệu USD/năm. Đây là con số lớn để giúp mang lại nguồn thu đáng kể cho chủ rừng".
Nguồn thu này sẽ được huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Đến nay, ước tính có khoảng 25 triệu người với trên 12 triệu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng hằng ngày thực hiện hoạt động hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng.
Luật Lâm nghiệp 2017 (điều 61, 63) quy định dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là 1 trong 5 loại hình dịch vụ môi trường rừng nhưng đến nay chưa có quy định cụ thể để triển khai. Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết thị trường carbon đã được đề cập tại một số văn bản, tuy nhiên vẫn thiếu những quy định cụ thể. Do đó, ưu tiên cấp thiết hiện nay là cần nhận diện những "khoảng trống" pháp lý, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách tương ứng, phù hợp để hình thành, vận hành thị trường carbon.
Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon là văn bản pháp lý đầu tiên có những quy định lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước được xây dựng, thí điểm, tăng cường năng lực từ nay đến hết năm 2027 và sẽ tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028. Hiện tại, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án phát triển thị trường carbon trong nước để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Quy đổi tín chỉ carbon
Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí carbon. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn carbon, gọi chung là 1 tấn carbon (viết tắt là CO2).
Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng carbon hoặc CO2 được tạo ra từ hoạt động REDD+. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí carbon, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Bảo, hiện Cục Lâm nghiệp đang xây dựng thông tư hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sử dụng đất và lâm nghiệp; được Bộ NN-PTNT giao xây dựng đề án đàm phán thỏa thuận mua bán giảm phát thải khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trình Thủ tướng để tiến hành thương mại tín chỉ carbon rừng với Tổ chức Tăng cường Tài chính Lâm nghiệp.
Cục Lâm nghiệp đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 156/2018/NĐ-CP, trong đó đề xuất bổ sung nội dung về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh (điều 72a). "Đây là cơ sở pháp lý đầy đủ việc giao dịch tín chỉ carbon rừng để Việt Nam có thể bán tín chỉ carbon rừng - điều mà nhiều địa phương, các nhà đầu tư đang rất mong đợi" - ông Bảo thông tin.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguon-thu-lon-tu-tin-chi-carbon-19624020610471397.htm