Nguy cơ nhiễm giun sán khi ăn rau cần sống

Rau cần thường bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn. Khi ăn sống rau cần có nhiễm ấu trùng sán, nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Cẩn trọng mầm bệnh trong rau

Rau xanh là thực phẩm luôn được các bác sĩ, chuyên gia khuyến cáo, người dân cần tăng cường trong khẩu phần ăn. Tuy nhiên, việc ăn rau xanh, rau sống, điển hình là rau cần cũng có thể nhiễm các loại giun sán.

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), rau cần thường bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn và nhiều loại giun sán khác. Khi ăn sống rau cần có nhiễm ấu trùng sán, nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Khi ăn sống rau cần có nhiễm ấu trùng sán, nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Khi ăn sống rau cần có nhiễm ấu trùng sán, nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Trong môi trường tự nhiên, ấu trùng đuôi và nang trùng sán lá gan lớn có thể bám vào rau thủy sinh. Do đó, người dân thường xuyên ăn các loại rau thủy sinh chưa nấu chín kỹ như rau cần, rau ngổ, rau muống nước, ngó sen hay ăn ốc chưa nấu chín kỹ có thể khiến đưa sán lá gan lớn vào người.

“Nếu ăn rau cần chưa nấu chín nhiễm sán, thông qua đường tiêu hóa, ấu trùng sán lá gan lớn vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở mô gan nhưng trong giai đoạn xâm nhập, sán có thể di chuyển lạc chỗ và gây tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng” - bác sĩ Thiệu lý giải.

Theo chuyên gia, sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan 2 - 3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật, trưởng thành và đẻ trứng. Tại đây, sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị.

Tại đường mật, sán có thể gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, thậm chí có thể gây ung thư biểu mô đường mật.

Hình ảnh sán lá gan.

Hình ảnh sán lá gan.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, số lượng các ca nhiễm giun sán, ký sinh trùng có xu hướng giảm so với trước đây nhờ vào việc hạn chế sử dụng mô hình canh tác vườn ao chuồng nhưng mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh vẫn ở mức đáng báo động.

Phòng ngừa bệnh giun sán, ký sinh trùng

Theo báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, những năm gần đây, bệnh sán lá gan lớn gặp ở 53/60 tỉnh/TP trong cả nước, ghi nhận khoảng 10.000 - 15.000 ca bệnh/năm.

PGS.TS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư cho biết, sán lá gan lớn thường ký sinh ở các loại rau trồng dưới nước như rau cần, rau ngổ, rau muống nước, cải xoong, ngó sen... Sán lá gan lớn nếu đun sôi một vài phút sẽ chết, nhưng khi ăn các thực phẩm này chưa được nấu chín, nguy cơ nhiễm sán rất cao.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khám cho bệnh nhân nhiễm ổ sán lá gan lớn.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khám cho bệnh nhân nhiễm ổ sán lá gan lớn.

Khi người dân ăn phải trứng của sán dây lợn qua thức ăn sẽ bị nhiễm ấu trùng sán lợn. Ấu trùng sán lợn đi vào cơ thể sẽ ký sinh ở những bộ phận thích hợp và có thể lạc chỗ tới não, phổi, gan, thận, cơ vân… rất nguy hiểm.

Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Đề - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cảnh báo, nhiều bệnh ký sinh trùng truyền qua thực phẩm gây nên các thể bệnh hết sức nặng nề như bệnh giun xoắn có thể tử vong và gây thành dịch, bệnh ấu trùng sán lợn gây động kinh, co giật, liệt, mù mắt, bệnh sán lá gan nhỏ gây xơ gan, ung thư gan, sán lá gan lớn gây u gan...

Các chuyên gia y tế nhận định, nếu người dân ăn rau sống, đặc biệt là rau cần sống không đảm bảo trong quá trình nuôi trồng, sử dụng phân tươi hay dùng nguồn nước ô nhiễm để phun tưới hoặc không được chế biến cẩn thận, thì món ăn này có thể là nguy cơ lây nhiễm nhiều loại ký sinh trùng như giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn.

Để phòng ngừa các bệnh do giun sán, ký sinh trùng, việc tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh và an toàn thực phẩm rất quan trọng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc ăn chín, uống sôi, chỉ nên ăn rau cần và các loại rau thủy sinh sau khi đã được nấu chín kỹ. Đặc biệt, với rau cần trồng dưới nước thường chứa nhiều giun sán hơn loại cần trồng trên cạn. Khi người dân ăn lẩu, phải rửa thật sạch, ngâm nước muối và để chín kỹ mới ăn.

Ngoài ra, người dân nên uống thuốc tẩy giun định kỳ mỗi năm 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 tháng (liều lượng tùy vào độ tuổi theo chỉ định của bác sĩ).

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguy-co-nhiem-giun-san-khi-an-rau-can-song.html