Nguy hiểm thói quen tự chữa bệnh

Bất chấp nhiều cảnh báo được đưa ra, vẫn có không ít trường hợp bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì tự điều trị bằng các phương pháp, các loại thuốc không có chỉ định của bác sĩ.

Chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC.

Chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân B.T.H. (nam, 50 tuổi) nhập viện. Trước khi vào viện khoảng 1 giờ, người bệnh đột ngột đau đầu, nôn vọt, nói khó, liệt nửa người trái, đo huyết áp 200/120 mmHg.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, sau khi xuất hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân và gia đình tự đánh giá rằng bệnh nhân bị đột quỵ não, tự uống thuốc tên là An cung ngưu hoàng hoàn có xuất xứ ở nước ngoài. Thế nhưng sau khi uống thuốc các triệu chứng không cải thiện, thậm chí còn có biểu hiện nặng hơn.

Người bệnh vào Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) chụp cắt lớp vi tính sọ não dựng hình mạch máu não (CTA), kết quả cho thấy hình ảnh xuất huyết não vùng nhân xám trung ương phải, không có bất thường mạch máu não. Bệnh nhân được cấp cứu và xử trí ban đầu theo phác đồ chảy máu não tại Khoa Cấp cứu, sau đó chuyển lên Khoa Đột quỵ não điều trị tiếp, tới nay tình trạng đã ổn định. Các bác sĩ cho hay, đây là trường hợp điển hình cảnh báo nghiêm trọng về việc tự ý dùng thuốc không theo chỉ định.

Theo thống kê trên thế giới, đột quỵ não là nguyên nhân tử vong thứ hai và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tàn tật. Chính sự nguy hiểm này đã gây lên tâm lí hoang mang, lo sợ bị đột quỵ trong đại bộ phận nhân dân, tìm cách phòng ngừa và điều trị sớm nhất có thể. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ kiến thức, sự hiểu biết trong việc phòng và điều trị đột quỵ, do đó đã có không ít trường hợp tự ý dùng thuốc hoặc các biện pháp dân gian để tự điều trị đột quỵ.

BS Phạm Duy Hoàng – Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) nêu thực trạng: Mặc dù đã được cảnh báo không ít lần trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm qua, chúng tôi vẫn gặp rất nhiều trường hợp sau khi có biểu hiện của đột quỵ não, đã tự uống An cung ngưu hoàng hoàn mà không có chỉ định của thầy thuốc.

Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện thuốc có tên An cung ngưu hoàng hoàn lưu hành trên thị trường Việt Nam có nhiều nguồn gốc từ nước ngoài... được nhập khẩu vào Việt Nam. Cơ quan này quy định rõ thuốc được chỉ được dùng theo đơn, đúng chỉ định và dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền hoặc thầy thuốc đông y. Đặc biệt, thuốc có chống chỉ định trong trường hợp đột quỵ thể nhồi máu não diện rộng hoặc thể chảy máu não, vì ảnh hưởng tới quá trình đông, cầm máu trên bệnh nhân, khi dùng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc chảy máu khó cầm, bệnh sẽ trầm trọng hơn.

Người không có chuyên môn sẽ không thể phân biệt được thể bệnh đột quỵ, do đó việc tự ý mua thuốc An cung ngưu hoàng hoàn nhằm mục đích dự phòng hoặc tự điều trị đột quỵ não là việc làm cần tuyệt đối tránh.

Cũng liên quan đến thói quen sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương cũng đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhi 1 tuổi (ở Bắc Ninh), nhập viện do bị bỏng nước canh tại nhà. Tuy nhiên, sau khi trẻ bị bỏng, gia đình đã đưa trẻ đến gặp thầy lang gần nhà để điều trị và được bôi mỡ trăn lên vết thương. Hậu quả là tình trạng bỏng của trẻ càng nặng hơn.

Ngày thứ hai sau bỏng, trẻ bị sốt, được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương để thăm khám. Trẻ được chẩn đoán bỏng nước canh độ II, III (10%) ở vùng đầu, vai và cánh tay phải. Sau khi được điều trị, thay băng vết thương hàng ngày, hiện sức khỏe của trẻ đã ổn định.

Theo BS Phùng Công Sáng - Phó trưởng Khoa Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi trung ương), bỏng nước canh cũng tương tự như bỏng nước sôi, nhưng nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cao hơn. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, những vết bỏng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Mức độ nguy hiểm của vết thương do bỏng nước canh phụ thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ, khoảng thời gian da tiếp xúc, diện tích vết thương bị bỏng, vị trí của vết bỏng… Nếu không được xử trí nhanh và đúng cách ngay khi bị bỏng, vùng da bị tổn thương có nguy cơ bỏng sâu thêm và nhiễm trùng.

“Đối với trường hợp bệnh nhi trên, khi bôi mỡ trăn lên vết bỏng, trẻ sẽ có cảm giác dễ chịu hơn ở vùng bỏng nông. Nhưng đối với vùng bỏng sâu, việc bôi mỡ trăn không có tác dụng cho điều trị giai đoạn sớm mà còn có thể gây nhiễm trùng, tăng độ sâu của bỏng, làm tình trạng của trẻ nặng lên” – BS Sáng cho hay.

Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh và người nhà người bệnh cần tỉnh táo trước những phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Những biện pháp này không chỉ khiến làm trì hoãn quá trình cấp cứu, dẫn đến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn mà còn có thể gây khó khăn cho điều trị, thậm chí khiến bệnh nhân gặp thêm những nguy cơ khác cho tính mạng. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, cách tốt nhất là đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng cách theo phác đồ điều trị.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguy-hiem-thoi-quen-tu-chua-benh-10288518.html