Nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn với hành trình 'con đường tương lai'

Con đường tương lai là một công trình đặc biệt, bởi thông điệp quan trọng nhất của cuốn sách là khả năng dự báo và định hướng trong các lĩnh vực then chốt như phát triển xã hội, kinh tế, văn hóa; đồng thời cảnh báo về những hiểm họa, rủi ro tiềm ẩn và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững…

Cuốn sách Con đường tương lai của nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn là hành trình suy tưởng sâu sắc về vận mệnh dân tộc, đặt ra những nền tảng lý luận và thực tiễn để hướng tới một Việt Nam phát triển bền vững. Ông và các thành viên dự án đã đi thực tế ở nhiều địa phương trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới để nghiên cứu, tìm kiếm tri thức.

Việc tác giả tìm cách kết nối và “kể lại thế giới” theo một tuyến tính thời gian – từ quá khứ, hiện tại đến tương lai – mang tính tổng hợp và gợi mở. Con đường tương lai (tập 1), gồm 5 phần lớn trải dài từ tâm linh, triết lý nhân sinh, lý thuyết kinh tế, vấn đề phát triển bền vững, đến mô hình quản trị quốc gia.

Nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn (giữa) cùng các đại biểu khách mời chia sẻ về cuốn sách tại lễ ra mắt cuốn sách Con đường tương lai.

Nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn (giữa) cùng các đại biểu khách mời chia sẻ về cuốn sách tại lễ ra mắt cuốn sách Con đường tương lai.

Một số nhà văn đánh giá, về phần nội dung văn hóa, nhìn tổng thể là một chương trình kiến thiết lại bản thể văn hóa, từ nền tảng đạo lý cá nhân đến cấu trúc đạo đức xã hội. Và cuốn sách là một lời nhắn gửi: dân tộc Việt Nam không thiếu tiềm năng, không thiếu trí tuệ, nhưng cần một tầm nhìn đủ rộng, một đạo lý đủ mạnh, và một tinh thần hành động đủ kiên định để bước vào kỷ nguyên mới.

Điều đáng lưu ý, cách tiếp cận của Nguyễn Xuân Tuấn thiên về lối trình bày theo mạch tư duy cá nhân, đan xen giữa ghi chép, tổng thuật, kiến giải và đề xuất. Chính điều này tạo nên một phong cách trình bày hấp dẫn, trong đó các mảnh ghép lịch sử, những chiêm nghiệm cá nhân, và các ví dụ từ thực địa (trong nước và quốc tế) được đưa vào như những minh họa sống động cho hành trình đi đến tương lai.

Một trong những điểm mạnh của cuốn sách là sự dày công sưu tầm và tổng hợp một lượng lớn thông tin trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Việc dẫn dắt từ luật nhân quả, chu kỳ hưng - vong của các đế chế, đến các mô hình kinh tế xanh, tổ chức hành chính vùng, hay triết lý tiết dục trong quản trị cá nhân – tất cả cho thấy một khát vọng rõ ràng: xây dựng một khung khái niệm tích hợp để lý giải hiện tại và định hướng tương lai.

Tuy nhiên, chính điểm mạnh này cũng đồng thời đặt ra một giới hạn: sự đa dạng về nội dung không đi kèm với chiều sâu phân tích chuyên môn tương xứng. Nhiều luận điểm trong sách được đưa ra theo hướng khái quát nhanh, chưa thực sự truy đến căn nguyên lý luận, hoặc thiếu hệ thống trích dẫn học thuật rõ ràng để kiểm chứng. Độc giả dễ gặp cảm giác cuốn sách “bao trùm nhiều, nhưng đi sâu chưa đủ”, đặc biệt khi xét từ góc nhìn của các ngành khoa học chuyên biệt…

Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân - Viện Nhân học văn hóa chia sẻ, từ một cách nhìn khác, có thể cho rằng Con đường tương lai không nhằm mục tiêu xây dựng một lý thuyết học thuật đóng khung, mà là một nỗ lực đặt vấn đề. Cuốn sách mở ra một không gian đối thoại giữa cá nhân với xã hội, giữa truyền thống với hiện đại, giữa kinh nghiệm cá nhân với tri thức phổ quát. Và trong không gian ấy, lại trở thành giá trị khơi gợi. Khơi gợi để nhìn lại cách ta đang tư duy về phát triển, khơi gợi để đặt câu hỏi về vai trò của tri thức liên ngành, và khơi gợi cả sự cần thiết của một tư duy tích hợp trong bối cảnh quốc gia đang bước vào thời kỳ chuyển hóa mạnh mẽ.

Thuần Hưng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nha-van-nguyen-xuan-tuan-voi-hanh-trinh-con-duong-tuong-lai.699064.html