Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: 'Người hát rong' vì mọi người

Gắn bó cuộc đời với những thang âm điệu thức, dùng nốt nhạc để phản ánh những tâm tư, tình cảm, nghĩ suy, trăn trở với thời cuộc, với những sự kiện lịch sử…, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã tìm được nguồn vui và lẽ sống cho riêng mình.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn biểu diễn giao lưu trong chuyến Về nguồn tại tỉnh Vĩnh Long của Hội Âm nhạc TPHCM

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn biểu diễn giao lưu trong chuyến Về nguồn tại tỉnh Vĩnh Long của Hội Âm nhạc TPHCM

Người nhạc sĩ tài hoa

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn là người con của quê hương Bình Định, từng học Đại học Văn khoa Sài Gòn và tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Âm nhạc Nhạc viện TPHCM. Ông nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TPHCM.

Trần Long Ẩn là một trong những cánh chim đầu đàn của phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, một phong trào âm nhạc đấu tranh của sinh viên học sinh tại Sài Gòn và các đô thị miền Nam trước 1975. Tuổi trẻ nhiều hoài bão, cậu sinh viên Đại học Văn khoa năm ấy say mê sáng tác và hát trong những đêm không ngủ, hát trên đường phố, trong những cuộc biểu tình bị địch đàn áp. Hàng loạt ca khúc nổi tiếng từ trong đấu tranh chống áp bức ra đời, như: Người mẹ Bàn Cờ, Người cha bến tàu, Hoa lục bình, Hát trên đường tranh đấu, Hành khúc Thành phố, Tình đất đỏ miền Đông… đã cùng với những sáng tác của Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Xuân Tân, La Hữu Vang, Nguyễn Nam, Trần Xuân Tiến… tạo nên luồng gió âm nhạc mới, độc đáo, lan tỏa nhanh chóng trong công chúng, góp phần tạo nên một cục diện đấu tranh chính trị mới trong lòng địch.

Sau khi đất nước thống nhất, ca khúc Tình đất đỏ miền Đông của Trần Long Ẩn được xem là thành tựu âm nhạc xuất sắc đầu tiên đại diện cho phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe vang lên trong thời đại mới - thời đại xây dựng hòa bình. Tác phẩm là dấu mốc đầy ấn tượng, đã được Ngành Âm nhạc Giải phóng (thuộc Hội Văn nghệ Giải phóng) trao giải A vào năm 1976.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn luôn làm mới mình trong sáng tác. Ông đã vận dụng và thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ về thang âm điệu thức Nam bộ, các làn điệu dân ca Tây Nguyên, Trung bộ. Đặc biệt, ông đưa các tiết tấu mới theo phong cách nhạc rock trữ tình, nhẹ nhàng vào trong các sáng tác, tạo nên nhiều tác phẩm âm nhạc hay, như: Đi qua vùng cỏ non, Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa, Đêm thành phố đầy sao, Một đời người một rừng cây, Mừng tuổi mẹ, Xin làm người hát rong…

“Người hát rong” chân tình

Qua từng tác phẩm âm nhạc, khi nhìn lại cuộc đời mình, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã ước nguyện làm một người hát rong, miệt mài hát về những triết lý sống đẹp, “sống vì mọi người”. Ông còn là một trong số hiếm hoi những nhạc sĩ có tác phẩm không kén độ tuổi khán giả. Dẫu bao năm đi qua, vẫn luôn có nhiều người trẻ say mê các sáng tác của ông, bởi chất thanh xuân luôn hừng hực cháy trong các tác phẩm. Với khán giả cao tuổi, những ca khúc của ông thu hút bởi sự đồng điệu vì những triết lý và nhân sinh quan được đặt để khéo léo qua ca từ trong từng sáng tác. Các ca khúc không chỉ được yêu thích bởi giai điệu du dương, dễ nghe mà còn bởi ca từ sâu sắc, ý nghĩa, thể hiện được những tình cảm chân thành của tác giả đối với quê hương, đất nước và con người.

Nhận xét về con đường sáng tác của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, các nhạc sĩ lão thành, các bậc tiền bối, đều cho rằng, Trần Long Ẩn có một bản sắc riêng trong ngôn ngữ âm nhạc, giai điệu của ông thường gắn với chất liệu âm nhạc miền Nam nhưng có thêm nhiều sáng tạo độc đáo. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng phát biểu: “Nghe Trần Long Ẩn, là nghe tiếng hát đôn hậu về một cõi người không tẻ lạnh, anh muốn thể hiện mình như một cái bóng của hạnh phúc. Ngày nào hạnh phúc còn mờ nhạt thì cái bóng cũng mờ nhạt. Nhưng những ai biết đi đến với cuộc sống bằng tình yêu thì kẻ ấy sẽ gặp tình yêu. Tình yêu là cái bóng thầm lặng của từng mảnh đời được sẵn định…”.

Dành hết tâm huyết, niềm tin, sự chân thành cùng tinh thần làm nghệ thuật nghiêm túc, chỉn chu, cẩn trọng, các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn luôn gắn liền với vận mệnh đất nước, thúc đẩy mọi người vượt qua gian khó, tiến lên phía trước. Bên cạnh đó, ông còn tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới có chọn lọc, để cùng góp phần phát triển một nền ca khúc nhạc nhẹ Việt Nam vừa tiên tiến, vừa đậm đà phong vị dân gian dân tộc.

Tối 25-6, tại Nhà hát Thành phố, Sở VH-TT TPHCM, Hội Âm nhạc TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp tổ chức chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật giới thiệu chân dung âm nhạc nhạc sĩ Trần Long Ẩn, chủ đề Trần Long Ẩn - Tiếng hát từ mặt trời và ánh lửa. Chương trình do Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố và Ban Ca nhạc Đài Truyền hình TPHCM thực hiện.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhac-si-tran-long-an-nguoi-hat-rong-vi-moi-nguoi-post746116.html