Nhận diện những lực đẩy để kinh tế Việt Nam vượt mức 6,5% năm 2024
Theo giới chuyên gia, Việt Nam đã có những thay đổi về chính sách, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, dẫn đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn 6,5% có thể không còn quá khó khăn
Mục tiêu GDP tăng 6,5% "không quá khó khăn"
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm Việt Nam đạt 6,42%, tiếp tục duy trì đà phục hồi quý sau cao hơn quý trước. Khép lại 6 tháng đầu năm trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi yếu, bất ổn địa chính trị gia tăng, lạm phát giảm chậm buộc hầu hết các nước tiếp tục thực hiện thắt chặt tiền tệ, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng lạc quan.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, sức bật cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ vào 2 yếu tố chính.
Thứ nhất, các yếu tố bên ngoài là hoạt động xuất nhập khẩu sôi động được phản ánh qua chỉ số Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) tăng mạnh, thể hiện đơn hàng tăng, nhu cầu mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng.
Thứ hai, môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi nhờ lạm phát giữ mức ổn định 4%, chính sách tiền tệ hỗ trợ hoạt động đầu tư kinh doanh và cán cân thanh toán thuận lợi. Tuy nhiên, theo ADB, nhu cầu trong nước vẫn còn yếu, do vậy cần có sự hỗ trợ phù hợp của các biện pháp tiền tệ và tài khóa.
"Ngân hàng Nhà nước đang làm tốt trong việc duy trì chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt cân bằng giữa việc vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát. Nhưng ở thời điểm hiện tại thì không còn nhiều dư địa, vì vậy chính sách tài khóa phải thể hiện vai trò kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng trưởng tín dụng, phải thấy được tác động của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cùng song hành và tác động lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng," Giám đốc quốc gia ADB nhận định.
Nhìn về triển vọng 6 tháng cuối năm 2024, chuyên gia ADB phân tích, kinh tế thế giới về cơ bản sẽ tiếp tục khó khăn trong nửa cuối năm, kinh tế khu vực đã có chuyển biến tích cực nhưng chỉ ở mức độ nhỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng của Việt Nam những tháng tới do Việt Nam là nước phụ thuộc tương đối nhiều vào xuất khẩu.
Song song với đó, nền kinh tế nội địa còn nhiều khó khăn như giải ngân đầu tư công vẫn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp hơn đáng kể so với kế hoạch, tăng trưởng tín dụng chậm. Tốc độ bình thường hóa lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác sẽ gia tăng áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Cũng theo Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 thông qua phục hồi thương mại trong lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu, dòng vốn FDI và kiều hối tích cực, đồng thời nỗ lực hơn nữa để phục hồi tăng trưởng ở các ngành dịch vụ, sản xuất nông nghiệp ổn định và phục hồi tiêu dùng nội địa.
"Việc thực hiện hiệu quả các biện pháp tài chính và đầu tư công cũng sẽ là những giải pháp chính sách then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024," chuyên gia ADB nhấn mạnh.
Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 6,5-6,7%
Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV đánh giá, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng bất chấp kinh tế thế giới còn phục hồi chậm và không đồng đều.
Trong bối cảnh tăng trưởng khả quan, môi trường pháp lý ngày càng được hoàn thiện, động lực tăng trưởng được khai thác, phát huy hiệu quả cao hơn, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3-6,8% và cả năm có thể đạt 6,3-6,5% trong kịch bản cơ sở.
Thậm chí, Khả quan hơn, chuyên gia dự báo kinh tế có thể tăng trưởng khoảng 6,5-6,7% năm 2024.
Dẫu vậy, theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu, kinh tế Việt Nam vẫn cần thận trọng với nhiều rủi ro trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, một số thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu như khủng hoảng địa chính trị dai dẳng; lạm phát và lãi suất dù giảm song còn cao; rủi ro tài khóa và nợ ở mức cao khiến kinh tế thế giới phục hồi còn chậm,...
Một số động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững. Chẳng hạn, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) tăng 5,7% chỉ bằng khoảng 66% mức tăng trung bình của cùng kỳ giai đoạn trước dịch 2018-2019. Đầu tư tư nhân tăng 6,7%,cao hơn mức 2,1% cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 17% cùng kỳ giai đoạn trước dịch 2018-2019.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại nền kinh tế, gồm cả các doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu.Việc cơ cấu lại, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu do quy trình, thủ tục phức tạp, khó khăn trong định giá tài sản và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp.
Hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn dù đã có dấu hiệu khởi sắc. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt gần120 nghìn doanh nghiệp, tuy nhiên số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 18,6% so với cùng kỳ do các vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời; áp lực tài chính và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.
Ngoài ra, môi trường đầu tư kinh doanh chậm cải thiện, một số đầu tàu kinh tế tăng trưởng thấp hơn tiềm năng. Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia thấp. Một số đầu tàu có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp so với bình quân cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024 và dưới tiềm năng như GRDP Hà Nội tăng 6%, Cần Thơ tăng 5,73%, Đà Nẵng tăng 5%, TP HCM 6,46%,... thấp hơn hoặc tương đương mức tăng của cả nước là 6,42%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cần quyết liệt ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế Giá trị gia tăng, tiếp cận vốn, phát triển nhà ở xã hội...
Kịp thời ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, cũng như các đạo luật vừa được Quốc hội thông qua nhằm bảo đảm nhất quán, đồng bộ và hiệu lực thực thi.
Triển khai có hiệu quả Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cũng như cần sớm ban hành khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng như cơ chế thí điểm, đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, danh mục phân loại xanh, Quy hoạch điện VIII, cơ chế mua - bán điện trực tiếp DDPA, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu kiến nghị.
Kiều Chinh