Nhận lại đồ cung tiến nữ tướng Lê Chân bằng vàng

Theo đại diện Bảo tàng Hải Phòng cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận nhóm hiện vật bằng vàng gắn liền tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, tín ngưỡng của nhân dân đất Cảng từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP. Hải Phòng.

Đây là những di vật, cổ vật do nhân dân cung tiến từ xa xưa, gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Chân công chúa (Nữ tướng Lê Chân). Trên các hiện vật có chạm các mỹ tự: Trung Thiên Thánh Mẫu, Trang Huy Thượng Đẳng Thần, Dực Bảo Trung Hưng, Cam Nhuận Chi gắn liền với những sắc phong của các triều đại đối với công lao và ơn đức của Nữ tướng với nhân dân, với đất nước.

Cặp kim bài có chữ "Dực Bảo Trung Hưng" - "Trang Huy Thượng Đẳng Thần".

Cặp kim bài có chữ "Dực Bảo Trung Hưng" - "Trang Huy Thượng Đẳng Thần".

Hiện vật gồm, đôi vòng, một thẻ, một lá, bộ lá trầu - 3 quả cau, chuỗi vòng 999 hạt, quạt, thẻ kim khánh, hai thẻ kim bài, hai hộp đựng sáp môi và ba đôi hoa tai. Các hiện vật được chế tác tinh xảo, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng thờ mẫu của Việt Nam.

Căn cứ những chữ trên, các nhà nghiên cứu tạm thời nhận định nhóm cổ vật này có từ thời nhà Nguyễn (khoảng năm 1920-1927), được một người tên Phan Trần Trúc cung tiến đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân.

Theo tài liệu lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng, năm 1959 nhận nhiệm vụ trông coi đền Nghè, ông Phạm Bá Hùng gửi bộ cổ vật này vào Ngân hàng Quốc gia Việt Nam theo quy định thời bấy giờ. Năm 1976, số vàng này tiếp tục được gửi ở Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Hải Phòng.

Bộ lá trầu - 3 quả cau bằng vàng.

Bộ lá trầu - 3 quả cau bằng vàng.

Nhận thấy việc để các hiện vật quá lâu trong ngân hàng không phát huy được giá trị văn hóa lịch sử, đầu năm 2024 Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng có văn bản đề nghị ngân hàng bàn giao cho bảo tàng.

Theo kế hoạch, nhóm hiện vật trên lần đầu tiên được trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng trong dịp tháng 5 để chào mừng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 với chủ đề "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản".

Nữ tướng Lê Chân được người dân suy tôn Thành mẫu - Thành hoàng của TP. Hải Phòng. Bà sinh ra tại Quảng Ninh và là nữ tướng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, giữ chức Chưởng quân binh quyền nội bộ, trọng trách trấn giữ miền Hải Tần. Bà đã lập ra làng An Biên xưa và đặt nền móng cho TP. Hải Phòng ngày nay.

Năm 2011, TP. Hải Phòng khôi phục Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội diễn ra từ ngày 7 đến 9 tháng 2 âm lịch, tại tượng đài nữ tướng Lê Chân, đền Nghè và đình An Biên.

Đức Tùy

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhan-lai-do-cung-tien-nu-tuong-le-chan-bang-vang-172240314204717453.htm