Nhân mùa Phật đản 2024: Bụt là… lòng

Dâm bụt còn có tên là mộc cận. Cây không cao, cành nhỏ, nhìn không có nét dịu dàng, vì nó được sinh ra nơi 'đồng chua nước mặn'.

Ở nhà quê, dâm bụt thường trồng làm hàng rào, nếu chịu khó cắt tỉa, dâm bụt cho ta một hàng rào vừa đẹp lại vừa có hoa, mà là thứ hoa nở quanh năm. Hoa dâm bụt là hoa “nhà quê”, vì ở quê nhà nào cũng có, nó mọc bất cứ ở nơi đâu. Một thứ hoa dễ trồng, chỉ cần chặt cành găm xuống đất là sống khỏe, bất chấp thời tiết và không cần người tưới nước, và là một thứ hoa không sợ… mất trộm!

Ảnh minh họa.

Trong Quốc âm Thi tập, có đăng bài cây “Mộc cận” của nhà văn hóa Nguyễn Trãi, mà dân gian thường gọi tên là hoa “dâm bụt”:

“Ánh nước hoa in một đóa hồng

Vết nhơ chẳng bén, bụt là lòng

Chiều mai nở chiều hôm rụng

Sự lạ cho hay tuyệt sắc không”.

Qua bài thơ, ta thấy cụ Nguyễn Trãi rất yêu hoa dâm bụt, dù loài hoa này không quý phái như hoa hồng, không thanh cao như hoa sen, không thuần khiết như lan huệ cúc… Nhưng ông mượn dâm bụt để nói đến Phật tâm, cho dù đời hoa “Chiều mai nở, chiều hôm rụng” và trong cái “nở, tàn” ấy là biểu hiện sắc sắc không không theo quan niệm của nhà Phật.

Nhắc đến hoa dâm bụt, tôi nhớ hàng rào dâm bụt của ông bạn hàng xóm. Cho dù thời tiết bất thường, trời chợt mưa chợt nắng nhưng vẫn đâm hoa xanh lá. Dâm bụt trổ hoa bốn mùa, màu đỏ pha chút hồng phai, dù không “bắt mắt” như lan, mai, đào cúc, hồng, hồ điệp… nhưng nó là một loài hoa đặc trưng của làng quê - một làng quê đích thực ở thời kỳ chưa đô thị hóa - và gần như thời ấy nhà nào cũng có.

Những năm 50, ở nhà quê, thường thì nhà có đất rộng, vườn to, nghĩa là nhà của điền chủ, nhà phú hộ, nhà ông Trùm, ông Hương, ông Lý, còn nhà nghèo thì tệ lắm cũng có một vài sào đất để nuôi con vịt con gà… họ thường rào sân nhà bằng những hàng cây dâm bụt, còn bần nông thì chẳng có gì để mất, nên họ chỉ trồng vài cây trước nhà để nhìn cho có chút niềm vui mà sống với làng quê!

Những hàng rào dâm bụt thẳng tắp, trồng đan xen khít với nhau, con gà không chui qua được, con chó cũng chịu thua, ăn trộm cũng khó vào… Ngày ấy, bên hàng dâm bụt có những câu chuyện tình đẹp như hoa dâm bụt. Trai gái nói chuyện với nhau bên này bên kia hàng rào dâm bụt trước khi ra đồng, khi mặt trời vừa lú, trâu vừa ra chuồng nghé ngọ. Họ tản mát làm lụng, chiều lững thững về nhà, nhưng còn nán lại bên hàng rào dâm bụt để chào nhau khi hoàng hôn sắp tắt. Họ cho nhau những hình ảnh đầy lãng mạn của những năm chiến tranh, nhưng rất thanh bình. Những cặp tình nhân ấy dù không biết “sắc sắc, không không”, nhưng họ tỏ tình bên hàng dâm bụt bao giờ cũng son sắc vì “Bụt là… lòng” mà!

Cây dâm bụt cắt cành, trồng xuống không phân, không nước, không cần người chăm bón, nhưng nó vẫn sống khỏe sống tốt, sống dẻo dai, bất chấp mưa nắng gió táp bão bùng… Dâm bụt cho hoa bốn mùa, màu hồng đỏ, không chói chan, không kiêu sa, có điều, hoa dâm bụt chỉ để ngắm, (giống như cuộc đời này có những thứ chỉ để ngắm, đôi khi cấm sờ vào hiện vật!), đặc biệt loài hoa này không thể cắt rời khỏi cành để cắm vào lọ. Lìa cành là hoa sẽ chết, chứng tỏ rằng hoa dâm bụt không thể sống thiếu cành, thiếu quần thể và thiếu… đất, nó mang tính chất của những người nông dân sống theo thôn xóm làng xã và cũng không thể sống… thiếu đất!

Ông bạn hàng xóm đã có lần nói với tôi:

- Con cháu nó bảo mình chặt bỏ hàng rào này để xây tường rào cho “bằng chị bằng em”, nhưng mình phản đối, mình không thích “cao tường kín cổng”, vả lại, cái hàng rào này do ông bà để lại, cho mình nhiều kỷ niệm từ lúc tụi nó chưa ra đời.

Ông buồn rầu tiếp:

- Làng quê mình bây giờ nhìn đâu cũng thấy dây điện, cột ăng ten, hàng quán xanh đỏ… chỉ có hàng dâm bụt này, hàng ngày ra vào nhìn nó mới thấy lòng mình thanh thản ông ạ ! Và nếu phải xa nhà, xa quê, mình nhớ nhà, nhớ quê thì ít, mà nhớ hàng dâm bụt thì nhiều, cho dù bụt “chiều mai nở, chiều hôm rụng!”.

Nghe ông bạn nói, tôi thấy chạnh lòng, một người biết giữ một nét đẹp văn hóa dù rất nhỏ: Hàng dâm bụt!

Làng quê bây giờ tìm đỏ con mắt không thấy hàng rào dâm bụt, nếu có ai đó biết có giữ lại, chắc nó cũng cảm thấy cô đơn trước những bức tường rào bằng gạch đá tua tủa những dây kẽm gai nhìn là thấy nhức con mắt.

Làng quê bây giờ mất nhiều thứ quá, dù những thứ ấy nó nhỏ thôi nhưng lâu ngày không thấy lại nhớ, như buồng chuối sau hè, cây cau đầu ngõ, chiều xuống thấy những con chim vội vàng tìm chỗ ngủ, và đêm về nghe một thứ âm thanh đồng quê khó mà đoán được xa gần, ở đâu, có đôi khi chỉ là tiếng kêu của một con nhái nằm gần lu nước sau hè… Tất cả những thứ quê mùa ấy, đã thấm trong máu trong thịt của những người sinh ra và lớn lên bên bờ tre góc ruộng, nhưng nay vì một hoàn cảnh nào đó phải xa quê!

Có lẽ ông bạn hàng xóm tôi có lý khi giữ lại hàng rào dâm bụt này, ngoài những kỷ niệm ra, chắc ông cũng không thể bỏ hàng rào dâm bụt chỉ vì “Bụt là… lòng” phải không?

Nếu quả thật thế, thì tôi xin cảm ơn ông bạn, cảm ơn những con người có tấm lòng còn lại trong cuộc đời này!

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhan-mua-phat-dan-2024-but-la-long-119135.html