Nhập khẩu than từ Nam Phi tăng gần 3 lần sau một năm
Lượng than Việt Nam nhập khẩu từ Nam Phi đã tăng gấp 3 lần từ khoảng 2,6 triệu tấn vào năm 2020 lên khoảng 7,5 triệu tấn vào năm 2021. Đáng chú ý, trước đó, vào năm 2019, lượng than nhập khẩu từ thị trường này chỉ vào khoảng 126.000 tấn. Dự báo, lượng than nhập khẩu từ Nam Phi sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới do nguồn cung than cho sản xuất điện đang thiếu trầm trọng.
Trên tinh thần khẩn trương và tích cực tìm kiếm nguồn than nhập khẩu phục vụ sản xuất điện và sản xuất công nghiệp trong nước, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Durban (Nam Phi) tổ chức Diễn đàn giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu than Việt Nam và Nam Phi.
Số liệu thống kê của Cơ sở dữ liệu thống kê thương mại của Liên Hợp quốc (UN Comtrade) cho thấy, Việt Nam là một trong 5 đối tác nhập khẩu than lớn nhất của Nam Phi trong năm 2019 và 2020. Lượng than nhập khẩu từ Nam Phi tăng mạnh trong những năm gần đây: khoảng 126.000 tấn (trị giá 7,6 triệu USD) vào năm 2019; khoảng 2,6 triệu tấn vào năm 2020 (trị giá 123,4 triệu USD); khoảng 7,5 triệu tấn vào năm 2021 (trị giá 360 triệu USD).
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than tăng dần để phục vụ cho sản xuất điện và sản xuất công nghiệp trong nước trong thời gian tới, dự báo khoảng 46,5 triệu tấn than vào năm 2025, 123,7 triệu tấn vào năm 2045.
Trong khi đó, Nam Phi có trữ lượng than rất lớn, vào khoảng 50 tỷ tấn và là một trong 5 nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Than Nam Phi có các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản tương đương với than khai thác tại Việt Nam, phù hợp cho sản xuất điện và các ngành sản xuất của Việt Nam. Bộ Công Thương mong muốn hai bên sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác ổn định, lâu dài về thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ khai thác và chế biến than bền vững.
Bà Palesa Phili, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Durban cho biết tỉnh Durban với cảng Richards Bay là cửa ngõ lớn nhất chuyên phục vụ xuất khẩu than của Nam Phi. Các doanh nghiệp cung ứng và kinh doanh than Nam Phi đều đặt văn phòng, chi nhánh tại đây để thuận tiện giao dịch và xử lý các vấn đề liên quan tới xuất nhập khẩu. Bà Palesa Phili khẳng định sẽ ủng hộ và tích cực thúc đẩy việc kết nối, giới thiệu các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu than từ Nam Phi trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề thiếu than cho sản xuất điện và nhu cầu nhập khẩu than, vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong quý I/2022, việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện gặp khó khăn với lượng than được cung cấp thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Do đó, đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát; các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch là 1,365 tỷ kWh.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương cho biết đang tìm mọi giải pháp để đẩy nhanh nhập khẩu than trong thời gian tới.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu khoảng 18-25 triệu tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất điện và phân bón trong năm 2022.
Trong cuộc làm việc trực tuyến với bà Tania Constable, Tổng giám đốc Hội đồng Khoáng sản Australia và các doanh nghiệp xuất khẩu than, khoáng sản hàng đầu của nước này mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu than của Australia, đặc biệt là các hội viên của Hội đồng Khoáng sản Australia tăng lượng cung ứng cho doanh nghiệp Việt Nam ngay từ tháng 4/2022. Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 5% tổng lượng than xuất khẩu ra thế giới của Australia.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ Australia hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp của Australia với các Tổng công ty nhà nước của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, EVN để cung ứng mỗi năm khoảng 5 triệu tấn than cho sản xuất điện ở Việt Nam.
Bộ trưởng đề nghị Đại sứ hỗ trợ thúc đẩy để tổ chức ngay cuộc họp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên để sớm thống nhất các hợp đồng mua bán than, đưa các chuyến hàng than đá từ Australia về Việt Nam ngay trong tháng 4 này.
Bên cạnh việc cung cấp khối lượng than ổn định, chất lượng tốt, Bộ trưởng cũng lưu ý và đề nghị phía Australia xem xét, cung ứng than cho Việt Nam với giá hợp lý để có giá thành sản xuất điện ở mức phù hợp, đảm bảo mục tiêu đủ điện cho sản xuất và mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của Việt Nam.