Nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Cuba
Với hơn 11 triệu dân, trên 80% hàng hóa là hàng nhập khẩu, Cuba hiện có nhu cầu cao đối với các mặt hàng tiêu dùng, giày dép, lương thực thực phẩm… vốn là thế mạnh của Việt Nam. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư kinh doanh sang quốc đảo này.
Sáng 4.10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tổng công ty Vilgacera tổ chức hội thảo "Xúc tiến đầu tư vào thị trường Cuba".
Theo VCCI, Việt Nam hiện là đối tác thương mại châu Á lớn thứ 2 của Cuba. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 250 - 350 triệu USD. Ngoài 200.000 tấn gạo nhập khẩu theo Hợp đồng Chính phủ, hằng năm Cuba có nhu cầu lớn với các mặt hàng tiêu dùng, nông nghiệp, thực phẩm, vật liệu xây dựng….
Về hợp tác đầu tư, Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực châu Á tại Cuba với 5 dự án đã triển khai, trong đó đáng chú ý có dự án nhượng địa đầu tiên của Cuba cho một doanh nghiệp Việt Nam là Tổng công ty Viglacera (khu kinh tế ViMariel, thuộc đặc khu phát triển Mariel).
Theo bà Nguyễn Thị Trang, Vụ Châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương, các mặt hàng Cuba có nhu cầu cao là hàng tiêu dùng, giày dép, lương thực, thực phẩm, các loại ngũ cốc, các loại đồ uống và thuốc lá, nguyên liệu thô để phục vụ ngành sản xuất (da, hạt giống, cao su, gỗ, các loại sợi), hóa chất, máy móc và phương tiện vận tải… Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại Việt Nam – Cuba chính thức có hiệu lực năm 2020 với nhiều chính sách ưu đãi thuế quan được áp dụng sẽ càng tạo cơ hội để thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới. Theo đó, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Cuba dành cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam áp dụng cho giai đoạn 2022 - - 2027 gồm 794 dòng thuế, trong đó có 478 dòng thuế được xó bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, 296 dòng thuế được xóa bỏ sau 5 năm… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp 2 nước tận dụng các ưu đãi thuế quan nhằm phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 triệu USD trong 5 năm tới.
Bà Irmina Perojo, Tham tán thương mại Cuba tại Việt Nam bổ sung, những năm gần đây, Chính phủ Cuba đã tiến hành nhiều cải cách kinh tế nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính phủ cũng dành cho nhà đầu tư những sự bảo đảm được quy định trong luật, có chế độ thuế quan đặc biệt cho các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong đặc khu phát triển Mariel.
Cụ thể, các doanh nghiệp FDI đầu tư trong Mariel sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 10 năm đầu sau đó chịu thuế 12%; miễn thuế bán hàng và dịch vụ; không phải trả thuế đối với vật tư, vật liệu và thiết bị nhập khẩu trong quá trình đầu tư…
Cùng với đó, đặc khu Mariel còn sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, có cảng nước sâu hiện đại nhất khu vực; trong đó khu kinh tế ViMariel có vị trí thuận lợi khi nằm ngay ở khu A – khu trung tâm công nghiệp, logistics của đặc khu Mariel, nằm sát cảng biển nước sâu, có dịch vụ trọn gói theo nhu cầu của nhà đầu tư. Đây là những lợi thế rất lớn để thu hút các các doanh nghiệp đầu tư vào Cuba.
Với vị trí chiến lược ở trung tâm của vùng biển Caribe, có nền chính trị, kinh tế, pháp luật và xã hội ổn định, lại có hơn 80% hàng hóa là hàng nhập khẩu, chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, máy móc, lương thực, thực phẩm, Cuba được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc đầu tư vào Cuba, đặc biệt là tại đặc khu Mariel cũng như khu kinh tế ViMariel sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng cánh cửa ra thị trường khu vực Mỹ Latinh và Caribe, các đại biểu tham dự hội thảo tin tưởng.