Nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%
Chiều 5-2, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2025, liên quan đến các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, vừa qua, Trung ương đã quyết nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, bù đắp lại tăng trưởng thấp của năm trước, đáp ứng yêu cầu về đích trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
“Đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề, thách thức nhưng cũng phù hợp với mục tiêu chúng ta hướng tới trong kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, trở thành nước có thu nhập cao. Để đạt mục tiêu như vậy, việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian dài là cấp thiết và cần thiết”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Đi vào các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ yêu cầu, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các giải pháp tổng thể đã được nêu trong Nghị quyết 01, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện ở mức độ cao hơn, “thậm chí là gấp đôi, có thể hiểu một cách đơn giản là mỗi người làm việc bằng hai thì mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra”.
Với giải pháp cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Thủ tướng là “thể chế là nguồn lực cho phát triển, coi đó là đột phá của đột phá”, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện thể chế pháp luật, gắn với tháo gỡ các điểm nghẽn về mặt thể chế đối với các dự án đầu tư, để sớm khơi thông các nguồn lực đang bị tắc nghẽn, đưa vào nền kinh tế.
Về phía cầu, phải tăng cường đầu tư, đầu tiên là đầu tư công, tiếp tục sử dụng linh hoạt nguồn lực này. Thủ tướng đã chỉ đạo tiết kiệm chi thường xuyên, giảm các khoản chi không cần thiết, phấn đấu tỷ trọng chi thường xuyên dưới 60% ngân sách nhà nước để dành vốn cho đầu tư. Bên cạnh đó, có thể triển khai sớm các dự án quan trọng như tuyến đường sắt kết nối quốc tế: tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn… để thúc đẩy thêm đầu tư công.
Tiếp đến là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 18, doanh nghiệp nhà nước sắp tới sẽ được sắp xếp tạo không gian, cơ hội phát triển, từ đó thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt cần chủ động thực hiện những dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Nhóm thứ ba trong đầu tư là đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong năm 2025, cần trong đó tập trung vào hai điểm nhấn quan trọng để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài: Một là, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về thể chế và pháp luật, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi hơn để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Hai là, triển khai ngay một số chính sách quan trọng mà Quốc hội đã thông qua, đặc biệt là chính sách "luồng xanh" nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Cùng với đó thu hút đầu tư từ khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trong năm 2025, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh để gia tăng số lượng doanh nghiệp mới, cần đồng thời triển khai các giải pháp mang tính vĩ mô, giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Các giải pháp khác được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là động lực tăng trưởng từ xuất khẩu, theo dõi sát diễn biến thị trường, tiến hành phân tích kỹ lưỡng để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực từ những biến động của thương mại thế giới; tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời đẩy mạnh việc khai thác các hiệp định thương mại mới, trong đó, đáng chú ý là các hiệp định với khu vực Trung Đông, cùng một số FTA khác đang trong quá trình đàm phán.
Về tiêu dùng trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, nhấn mạnh việc thúc đẩy tổng cầu và nâng cao sức mua của thị trường nội địa. Các giải pháp được đề ra cũng đã tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm đảm bảo thị trường trong nước tiếp tục phát triển ổn định, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, các nhóm động lực chính cần tập trung thúc đẩy là sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài việc thu hút đầu tư vào các dự án mới, cần có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để các dự án hiện hành mở rộng sản xuất – kinh doanh, qua đó gia tăng mức độ tăng trưởng của khu vực này. Đồng thời, khu vực nông nghiệp và xây dựng cũng cần được quan tâm đặc biệt để đảm bảo động lực tăng trưởng bền vững.
Khu vực dịch vụ, trong đó du lịch được xác định là một trong những lĩnh vực trọng điểm. Thủ tướng chỉ đạo cần đẩy mạnh cải tiến sản phẩm du lịch, đồng thời nghiên cứu và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để thu hút khách du lịch quốc tế. Một trong những biện pháp quan trọng là cải thiện chính sách visa, trong đó xem xét miễn thị thực có thời hạn cho một số nhóm du khách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để khuyến khích khách quốc tế đến Việt Nam và lưu trú dài ngày hơn.
Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Hiện nay Việt Nam đang có vị thế rất tốt trên bản đồ công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực AI và các công nghệ cao khác. Đây là lợi thế và cơ hội quan trọng để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, tạo nên những động lực tăng trưởng mới.
Từ phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, để có được mức tăng trưởng 8% đòi hỏi nhiều chính sách vĩ mô, giải pháp đồng bộ các lĩnh vực. Ngân hàng Nhà nước xác định đây là nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề. Để có được 1% tăng trưởng GDP thì tăng trưởng tín dụng phải đạt hơn 2%. Mức tăng trưởng tín dụng năm 2025 Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 16%.
Trong điều hành chính sách tiền tệ, quan điểm vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục điều hành linh hoạt chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác. Có chính sách lãi suất hợp lý để thu hút vốn huy động, sử dụng công cụ tái cấp vốn phù hợp, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhieu-giai-phap-de-dat-muc-tieu-tang-truong-8-post308263.html