Nhiều hoạt động mang đậm không khí Tết cổ truyền tại Hà Nội

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày (từ ngày 25/1 đến hết ngày 2/2/2025), TP Hà Nội dự kiến thu hút đông người dân và du khách. Thành phố đã chuẩn bị nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, chất lượng... là những sự kiện sôi động, hấp dẫn nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Sở Du lịch Hà Nội đã công bố loạt sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Theo đó, ngay từ đêm 30 Tết, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi nổi, hấp dẫn sẽ diễn ra như: Chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long 2025” tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình và khu vực Đường đua F1 (quận Nam Từ Liêm); chương trình biểu diễn “Chào năm mới 2025” diễn ra tại các địa điểm: Đền Ngọc Sơn, sân khấu phía trước tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” (khu vực đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm), Vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), hồ Văn Quán (quận Hà Đông); Lễ hội “Khu vườn trên mây” tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn…

Tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Tại Hoàng thành Thăng Long, trong những ngày Tết, du khách có thể tham dự triển lãm "Hà Nội những mùa hoa", nơi tái hiện vẻ đẹp đa sắc của Thủ đô qua từng mùa, với các loài hoa làm biểu tượng cho nhịp sống và văn hóa Hà Nội.

Tại đây còn có không gian trưng bày "Nghi lễ Tết cung đình ngày xuân" với các lễ cúng Táo quân, tiến lịch, tiến xuân ngưu, trừ tịch, tế tổ tiên, chính đán, chúc thọ nhà vua, khai hạ, khai ấn... Nếu đến đây bạn diện những bộ trang phục cổ phục Việt kết hợp với khung cảnh Hoàng Thành Thăng Long sẽ tạo ra những bức ảnh đầy tính nghệ thuật.

Lễ thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Lễ thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Đăc biệt, các buổi trình diễn múa rối nước truyền thống sẽ diễn ra từ ngày 30/1 (mùng 2 Tết) đến 2/2 (mùng 4 Tết) trong các khung giờ 9h30, 10h30, 11h30, 15h và 16h tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Vé vào cửa miễn phí.

Tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra Hội chữ Xuân Ất Tỵ được tổ chức bài bản, quy mô tại khu vực hồ Văn và trưng bày “Bia đá kể chuyện 2”.

Ở ngoại thành, các khu, điểm du lịch cũng đã giới thiệu đa dạng chương trình vui Xuân, đón Tết. Tại Không gian đình làng Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) diễn ra chương trình “Tết làng Việt năm 2025”. Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây) diễn ra hoạt động chủ đề “Xuân về trên bản làng”. Huyện Hoài Đức tổ chức Lễ hội đường hoa “Home Hanoi Xuan 2025” với chủ đề "Bản hòa ca Tết Việt" diễn ra từ ngày 16/1 đến 3/2 (tức từ 17 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ)…

Hội Gò Đống Đa là lễ hội đầu tiên, mở màn cho mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 của Hà Nội.

Hội Gò Đống Đa là lễ hội đầu tiên, mở màn cho mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 của Hà Nội.

Ngoài ra, các địa phương cũng chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tổ chức những lễ hội lớn vào đầu năm mới phục vụ người dân du xuân như: Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng); Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Gióng đền Sóc, Lễ hội Cổ Loa, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (mùng 6 tháng Giêng)…

PV

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhieu-hoat-dong-mang-dam-khong-khi-tet-co-truyen-tai-ha-noi-723683.html