Nhiều khó khăn trong tuyển dụng giáo viên ở huyện Mường Lát
Tình trạng thiếu giáo viên gây ra những khó khăn nhất định trong việc tổ chức quản lý, triển khai nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học trên các địa bàn, đặc biệt là đối với huyện vùng biên như Mường Lát. Để kịp thời bổ sung nguồn giáo viên cho năm học mới, huyện đã có kế hoạch tuyển dụng tối đa nguồn biên chế được giao, tuy nhiên nguồn đăng ký hồ sơ dự tuyển lại không như kỳ vọng, thậm chí có ngành không có hồ sơ dự tuyển.
Các cháu Trường Mầm non Mường Lý trong giờ ra chơi.
Chỉ còn ít ngày nữa là kỳ khai giảng năm học mới bắt đầu, song với Ban Giám hiệu Trường Mầm non xã Mường Lý vẫn đang loay hoay trong việc phân công, bố trí giáo viên sẵn sàng cho năm học. Thiếu giáo viên, khiến nhà trường rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc xây dựng, đề ra các mục tiêu cho năm học. Bà Lê Thị Thư, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Lý cho biết: Năm học 2023-2024, nhà trường có 17 nhóm lớp với tổng số 216 cháu, trong khi chỉ có 10 cán bộ, giáo viên. Nếu theo chỉ tiêu giao, nhà trường thiếu 12 cán bộ, giáo viên (trong đó, cán bộ quản lý 2 người, giáo viên 8 người, kế toán 1 người, nhân viên 1 người).
Thiếu giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn là “rào cản” cho những mục tiêu năm học mới. Cụ thể, theo bà Thư, dự kiến học kỳ 2 năm học 2023-2024 nhà trường sẽ tổ chức ăn bán trú cho 3 nhóm lớp tại điểm trường chính. Để thực hiện được mục tiêu này, nhà trường không chỉ thiếu về cơ sở vật chất như bếp ăn, nguồn nước mà còn thiếu cả con người. “Nhà trường đang trông chờ vào nguồn cán bộ, giáo viên bổ sung từ huyện trong đợt tuyển dụng tới đây” - bà Thư chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, khẳng định: Việc thiếu giáo viên gây ra rất nhiều khó khăn đối với huyện, nhất là các môn đặc thù và môn học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong khi khối các trường mầm non, tiểu học, hiện còn nhiều điểm lẻ, khoảng cách xa, rất khó để sắp xếp, bố trí giáo viên sao cho phù hợp.
Nói về những khó khăn do tình trạng thiếu giáo viên, ông Lê Quang Nghị, Trưởng Phòng Nội vụ, huyện Mường Lát cho rằng: Huyện Mường Lát thiếu số lượng giáo viên, nhất là giáo viên dạy chuyên ngành: âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh... Qua rà soát, so với quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (gọi tắt là Thông tư 16) và Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 23-8-2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc quy định định mức bình quân học sinh/lớp học và định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính của các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quyết định 3185) thì các cấp học trên địa bàn huyện Mường Lát đang thiếu, gồm: Bậc mầm non, theo Thông tư 16 thiếu 136 giáo viên, theo Quyết định 3185 thiếu 39 giáo viên. Bậc tiểu học, theo Thông tư 16 thiếu 87 giáo viên, theo Quyết định 3185 thiếu 64 giáo viên. Bậc THCS, theo Thông tư 16 thiếu 74 giáo viên, theo Quyết định 3185 thiếu 44 giáo viên.
Theo quyết định giao biên chế thì Mường Lát còn thiếu 28 chỉ tiêu giáo viên cho tất cả các cấp học. Để kịp thời bổ sung số lượng được giao, mới đây UBND huyện Mường Lát đã có Thông báo số 49/TB-UBND, ngày 20-7-2023 về tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo huyện Mường Lát. Mặc dù nhu cầu là thế, tuy nhiên qua rà soát hồ sơ từ Phòng Nội vụ, số hồ sơ dự tuyển rất thấp, trong đó chủ yếu là hồ sơ bậc mầm non, một số chuyên ngành khác thậm chí không có hồ sơ như giáo viên tiếng Anh, Vật lý...
Qua 2 đợt tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo huyện Mường Lát gần đây nhất cho thấy, thiếu nguồn tuyển đang là một trong những trở ngại lớn nhất của huyện. Nếu như năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của huyện Mường Lát là 106 chỉ tiêu thì chỉ tuyển được có 50 chỉ tiêu. Để tuyển được số chỉ tiêu này, huyện phải kèm theo những ràng buộc cam kết gắn bó công tác tại huyện 10 năm. Trong khi đợt tuyển dụng năm 2022, nhu cầu tuyển là 91 chỉ tiêu, tuyển được 69 chỉ tiêu, nhưng có tới 60 chỉ tiêu ưu tiên dành cho đối tượng người đã được hợp đồng lao động theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, ngày 26-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015, tức số tuyển mới chỉ có 9 chỉ tiêu.
“Dù có chỉ tiêu biên chế nhưng lại không có giáo viên để tuyển dụng. Có nhiều lý do giải thích cho điều này, ví như tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng cao hơn so với trình độ của giáo viên đang dạy hợp đồng tại địa bàn. Bên cạnh đó, nguồn tuyển dụng là con em địa phương còn chưa thể đáp ứng, thì xu hướng thí sinh sau khi tốt nghiệp ra trường ngại lên miền núi công tác giảng dạy đã, đang là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn để tuyển dụng” - ông Nghị chia sẻ thêm.