Nhiều người Việt quá bận để tập thể dục, quá rảnh để hóng chuyện nhảm

Nhiều người Việt không thể thu xếp thời gian tập thể dục, trò chuyện với người nhà, nhưng luôn thừa rảnh rỗi để hóng hớt đủ chuyện xàm xí trên mạng, hóng đến nghiện.

Tôi cũng ngạc nhiên như tác giả bài “Phờ phạc vì cả đêm hóng drama, cãi vã chuyện tào lao trên mạng” khi nhìn thấy những dòng bình luận của bạn bè, đồng nghiệp hiện ra bên dưới các status lãng xẹt, bâng quơ của những người và về những việc không liên quan gì đến mình. Ban đầu, tôi bật cười to, kiểu thích thú khi “bắt quả tang” bạn bè, nhưng khi nhận ra nhiều người trong số họ xuất hiện rất thường xuyên trong các cuộc tám chuyện, tranh cãi vô bổ trên mạng thì cảm thấy không ổn.

Có những dòng trạng thái chỉ nêu bóng gió về một vụ scandal hay chuyện giật gân nào đó vừa diễn ra, bóng gió xa xôi đến mức chỉ những người bám lấy mạng xã hội suốt ngày đêm mới hiểu, vậy mà họ biết ngay đó là chuyện gì. Còn những khi bận việc chưa kịp cập nhật “có gì hot”, họ lập tức hỏi “500 anh em” rồi lao vào lùng sục ở các hội nhóm tìm thông tin. Không khó để hình dung công việc bị ảnh hưởng thế nào với tình trạng mất tập trung như vậy.

Đáng lo là những người như họ không thuộc về thiểu số ít ỏi, và ngày càng đông. Ai cũng cần giải trí, áp lực cuộc sống quá lớn khiến người ta có xu hướng tìm vui ở những trò đơn giản. Nếu sở thích hóng chuyện chỉ dừng lại ở vài câu bình luận bông đùa hay lướt mạng để biết về cuộc sống xung quanh thì chẳng nói làm gì, vấn đề là “dân hóng” mất rất nhiều thời gian để theo kịp dòng chảy trên mạng xã hội, để hiểu được những chuyện người ta đang bàn tán, tranh cãi.

(Minh họa: Pixabay)

(Minh họa: Pixabay)

Tôi từng thấy cô đồng nghiệp ngồi cạnh ới cả phòng để hỏi có ai biết status mới nhất của một KOL đang ám chỉ vụ gì, đang mỉa mai nhân vật nổi tiếng nào không, rồi vì không ai trả lời được nên cô lao vào lục lọi, tìm kiếm, hỏi han trên mạng. Sau khi biết ngôi sao đang thành “mồi nhậu” của cư dân mạng là ai, cô ấy lại cặm cụi tìm kiếm các thông tin liên quan, những phát ngôn, sự kiện quá khứ của nhân vật này để xâu chuỗi lại và đưa ra các phán đoán về lùm xùm hiện tại.

Chưa hết, sau khi đã có hiểu biết kha khá về “toàn cảnh”, cô ấy lại săm soi những tình tiết, hình ảnh, video mới rò rỉ rồi tự mình đặt ra các giả thiết, và hăng hái bàn luận, “chém gió” trên các diễn đàn.

Giá mà sự nghiên cứu tỉ mỉ, dày công và đầy đam mê đó được dành cho công việc hay học tập, nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ, kiến thức của bản thân, chắc chắn sự nghiệp của họ sẽ phát triển nhanh hơn rất nhiều.

Thực tế là hiện nay, rất nhiều người Việt tuy quá bận để học hỏi, để tập thể dục chăm sóc sức khỏe, để quan tâm đến bạn đời, hỏi han trò chuyện với con cái… nhưng luôn đủ rảnh rỗi để chạy theo tất cả các trào lưu trên mạng. Nhiều người không biết gì về những chính sách mới ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và cuộc sống chính mình, nhưng luôn nắm rõ ở phố nọ phường kia có vụ “chính thất chặn đường dạy dỗ tiểu tam”…

Thói tọc mạch, ngồi lê đôi mách khi chuyển từ thôn xóm, khu phố lên không gian mạng càng bùng lên, lan tỏa thành một mạng lưới buôn chuyện khổng lồ, khiến con người ngày càng tốn thời gian vào những chuyện vô bổ. Đây là sự lãng phí rất lớn về sức lao động, về chất xám, về cơ hội kích phát tiềm năng của con người để trở thành nhân tố tạo nên sự phồn vinh cho xã hội…

Chứng “nghiện” hóng chuyện nhảm, tranh luận tào lao trên mạng không dễ cai, nhưng sẽ làm được nếu ai đó biết giật mình khi nhận ra sự thật: Ngày nào cũng dành 3- 4 tiếng đồng hồ cho việc ấy nghĩa là hơn 10% cuộc đời đang bị vứt bỏ, và rất có thể đến lúc nào đó, người ta chỉ biết ước giá có thêm vài tháng, vài ngày để làm nốt việc mình khao khát trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Anh Thư

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhieu-nguoi-viet-qua-ban-de-tap-the-duc-qua-ranh-de-hong-chuyen-nham-ar875195.html