Nhiều nội dung của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được tiếp thu, chỉnh lý để trình tại Kỳ họp thứ 9

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 13/5, sau khi nghe Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hải Phòng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - Phan Văn Mãi báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - Phan Văn Mãi báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình tại kỳ họp này gồm có 8 Chương, 59 Điều, giảm 3 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, trong đó có nhiều quy định được tiếp thu, chỉnh lý.

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng: Dự thảo luật đã rà soát, bổ sung quy định để quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp từ dưới 50% vốn điều lệ là “Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên”.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, hoàn thiện quy định về người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống theo nguyên tắc ở đâu có vốn của nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp với mức độ phù hợp.

Thứ hai, về nguyên tắc quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định nội dung này trong dự thảo luật, với các lý do: (1) Luật Doanh nghiệp không quy định cụ thể tài sản góp vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp; (2) Nếu bổ sung nguyên tắc này có thể xung đột với khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp được quy định tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật; (3) đối tượng áp dụng của dự thảo Luật là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và dưới 50% vốn điều lệ do đó ngoài vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp còn có vốn của các thành viên góp vốn/cổ đông khác; (4) Các quy định trong dự thảo Luật đã bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp được chủ động, tự chủ trong việc sử dụng vốn và tài sản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phân cấp của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Thứ ba, về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Thể chế hóa chủ trương của Đảng và ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định phạm vi đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp là những lĩnh vực mà nhà nước cần đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn nhà nước, gồm: Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế.

Thứ tư, về chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp: Dự thảo luật được chỉnh lý Điều theo hướng, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định việc ban hành, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hàng năm, các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản được đại diện chủ sở hữu nhà nước giao; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Quy định tại dự thảo Luật đã phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hàng năm, tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ do chậm phê duyệt chiến lược và kế hoạch trong thời gian vừa qua.

Thứ năm, về huy động vốn, cho vay vốn: Dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp do doanh nghiệp thành lập hoặc đầu tư vốn tiếp cận được nguồn vốn hợp lý, tạo nguồn lực để doanh nghiệp phát triển; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Thứ sáu, về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp: Dự luật không quy định hạn chế đầu tư nhưng bổ sung quy định doanh nghiệp được quyền cho thuê, thuê mua, thế chấp, cầm cố tài sản của doanh nghiệp.

Thứ bảy, về chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng: Dự thảo Luật quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương của doanh nghiệp, bao gồm cả người đại diện chủ sở hữu trực tiếp và kiểm soát viên.

Thứ tám, về phân phối lợi nhuận sau thuế: Để xử lý những vấn đề thực tiễn phát sinh trước khi thực hiện trích lập Quỹ và nộp ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng lợi nhuận sau thuế sau khi chia lãi cho các thành viên góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có); bù đắp lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; xử lý các chi phí theo quy định của luật chuyên ngành; xử lý chi phí đầu tư thất bại tại các dự án đầu tư có tính đặc thù, rủi ro cao nhưng không được quy định tại Luật chuyên ngành, chi phí đổi mới sáng tạo, dự án đổi mới thất bại, chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Chính phủ. Phần còn lại được trích lập các quỹ và nộp ngân sách nhà nước. Đồng thời, chỉnh lý quy định tại khoản 4 Điều 25 dự thảo Luật “Lợi nhuận còn lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước, trừ trường hợp sử dụng để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án theo quy định của Chính phủ”.

Thứ chín, về bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp: Dự luật được chỉnh lý theo hướng kế thừa các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và hoàn thiện để bảo toàn và phát triển vốn thực chất hơn, phù hợp với chủ trương đánh giá doanh nghiệp theo tổng thể.

Phiên thảo luận sáng 13/5

Phiên thảo luận sáng 13/5

Ngoài ra, dự luật trình tại kỳ họp này còn được tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến đóng góp liên quan đến các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà; các hoạt động giám sát, kiểm tra việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp hiệu quả hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhieu-noi-dung-cua-du-thao-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-duoc-tiep-thu-chinh-ly-de-trinh-tai-ky-hop-thu-9-a195150.html