Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm gần đây có nguyên nhân do vi sinh vật
Điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột dẫn tới các vụ ngộ độc.
Tại Hội nghị toàn quốc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm, do Bộ Y tế tổ chức ngày 21/5, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Trong số các vụ ngộ độc thực phẩm từ đầu năm đến nay, có 11 vụ có liên quan đến vi sinh vật. Đặc biệt, nguyên nhân gây ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn thời gian gần đây được xác định do vi sinh vật Salmonella, vi khuẩn Bacillus Cereus.
Thời tiết nắng nóng thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, đã dẫn tới các vụ ngộ độc. Trong khi đó, một số địa phương lại thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác an toàn thực phẩm. Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận, nên sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn cho các bữa ăn.
Cùng với đó, nhận thức và ý thức của một số người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm hiện cũng chưa tốt. Một số cơ quan, cơ sở còn buông lỏng quản lý, đặc biệt là đối với hoạt động giám sát nguyên liệu đầu vào.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định: “Qua công tác kiểm tra sau các vụ ngộ độc thực phẩm cho thấy, dù có quy định về việc lưu mẫu thực phẩm, kiểm thực 3 bước và kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm nhưng nhiều nơi không thực hiện. Có nơi thậm chí còn không có giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm… nhưng cơ quan chức năng địa phương không kiểm tra, giám sát”.
Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho rằng, hiện nay, các quy định của pháp luật về công tác quản lý an toàn thực phẩm khá đầy đủ, nhưng việc thực hiện chưa tốt.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm; tập trung từ quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng, xử lý nghiêm vi phạm… Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, không đánh đổi sức khỏe để lấy kinh tế.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, địa phương cần quan tâm công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, tăng cường bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, kinh phí. Đồng thời, nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn. Đồng thời, cũng cần tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản. Đặc biệt, với các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy phép kinh doanh, thì kiên quyết không được cung cấp thực phẩm trên thị trường.
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm; tuy giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2023, nhưng số người bị ngộ độc lại tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, đã có 6 người tử vong.
Trong 36 vụ ngộ độc thực phẩm có 11 vụ do vi sinh vật và độc tố vi sinh vật; 2 vụ do hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên và 17 vụ không xác định được nguyên nhân.