Nhìn lại kiến trúc Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước
Quy hoạch không chỉ là công cụ để tổ chức không gian, mà còn là sự chuyển biến từ nhận thức tư duy đến hành động trước những thách thức thời đại như vấn đề đô thị hóa, biến đổi khí hậu, di sản văn hóa, phát triển bền vững... 50 năm là một chặng đường không quá dài trong lịch sử dân tộc, nhưng đủ để chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của sự nghiệp quy hoạch đô thị và nông thôn ở Việt Nam.
Tại hội thảo “Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đất nước thống nhất”, một hoạt động thiết thực trong chương trình tổng kết 50 năm nền Văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (1975 – 2025), diễn ra trước thềm Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024 – 2025 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhiều tham luận đã nhận định, lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn trong 50 năm qua đã có những bước tiến vượt bậc. Đây cũng là dịp để nhìn nhận những thành tựu đạt được và đề ra hướng thúc đẩy triển khai phát triển một cách bền vững, hiện đại, bản sắc và hội nhập.

Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam – 50 năm đất nước thống nhất” diễn ra sáng ngày 20.5 tại Hà Nội.
Tham luận tại hội thảo, ThS-KTS. Lã Thị Kim Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đã hệ thống một cách toàn diện về vấn đề quy hoạch, từ hành trình chuyển hóa không gian sống, tạo bước ngoặt lớn đến thay đổi nhận thức, pháp lý, tư duy trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn Việt Nam.
KTS. Lã Thị Kim Ngân cho rằng, chặng đường 50 năm (từ 1975-2025) trong lĩnh vực này là quá trình “chuyển hóa”: chuyển hóa từ hoang tàn sau chiến tranh sang kiến thiết; từ tập trung bao cấp sang thị trường năng động; từ nông thôn truyền thống sang nông thôn mới hiện đại.
Đó còn là sự "chuyển hóa" từ quy hoạch tổng thể theo mô hình và quan điểm tiếp cận của các nước xã hội chủ nghĩa sang quy hoạch tích hợp đa ngành; từ quy hoạch áp đặt có tính bao cấp từ trên xuống sang quy hoạch có sự tham gia cộng đồng; từ quy hoạch duy ý chí tiến đến quy hoạch có tính khoa học, công nghệ và nhân văn…

ThS-KTS. Lã Thị Kim Ngân với tham luận “Quy hoạch đô thị và nông thôn Việt nam: Nửa thế kỷ phát triển và đổi mới”.
Về những thành tựu trong quy hoạch đô thị và nông thôn Việt Nam, KTS. Lã Thị Kim Ngân chia sẻ: “Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào khi nhìn lại hành trình quy hoạch trong 50 năm qua. Có thể nhận thấy, diện mạo không gian đô thị và nông thôn trên toàn quốc có sự thay đổi mạnh mẽ”.
Minh chứng là từ một đất nước chủ yếu nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa thấp, theo thống kê của Cục Phát triển đô thị, tính đến ngày 14.3.2025 tổng số đô thị cả nước là 916, trong đó Hà Nội và TP.HCM là đô thị loại đặc biệt.
Nhiều mô hình quy hoạch tiêu biểu xuất hiện, phản ánh chuyển đổi tư duy từ quy hoạch tập trung theo phương pháp truyền thống sang quy hoạch tích hợp đa ngành, đơn cực chuyển sang đa cực, kết nối vùng. Từ độc quyền của một số viện trung ương, nay quy hoạch đô thị, nông thôn đã có sự tham gia của các viện địa phương, công ty tư vấn tư nhân, tổ chức quốc tế. Tư duy “quy hoạch là mệnh lệnh” đã dần nhường chỗ cho tư duy “quy hoạch là sự đồng thuận, là nền tảng của phát triển”.
Cùng với đó là những thay đổi sâu sắc trong quy hoạch nông thôn, đặc biệt từ sau khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (từ 2010 đến nay).

Lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn trong 50 năm qua đã có những bước tiến vượt bậc Trong ảnh: Một góc khu đô thị Vinhomes Ocean Park. Ảnh: Chủ đầu tư
KTS. Lã Thị Kim Ngân cũng chỉ ra một số tồn tại trong quy hoạch đô thị, nông thôn như: Nhiều đô thị vẫn đang phải gánh chịu hậu quả từ quy hoạch chắp vá, điều chỉnh liên tục và thiếu tính đồng bộ. Hay hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị, nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa – kiến trúc ở nông thôn ngày càng rõ rệt. Đặc biệt việc thực thi quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập…
Đi sâu phân tích, tổng kết, đánh giá sự phát triển của kiến trúc Hà Nội trong dòng chảy 50 năm quy hoạch xây dựng của Thủ đô hơn 1.000 năm tuổi và tác động quy hoạch kiến trúc của các công trình này đến tổng thể không gian đô thị, TS-KTS Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho biết kiến trúc Hà Nội qua từng giai đoạn lịch sử đều có các công trình có dấu ấn đáng trân trọng, phản ánh sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.

TS-KTS. Nguyễn Văn Hải với tham luận “Hà Nội, dòng chảy 50 năm quy hoạch xây dựng của một Thủ đô hơn ngàn năm tuổi”.
Từ giai đoạn phục hồi hậu chiến và kiến trúc bao cấp (1975 – 1986), với các công trình như: Khu chung cư Giảng Võ, Khách sạn Thắng Lợi, và Cung Thiếu nhi Hà Nội… Hà Nội đã định hình bản sắc đô thị thông qua các mô hình tiểu khu và phong cách hiện đại bản địa, chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Xô Viết và quốc tế.
Giai đoạn chuyển đổi thị trường (1986 – 2000) chứng kiến sự đa dạng hóa kiến trúc, với Khu nhà ở Vạn Phúc, Ðài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, và Trung tâm Âm thanh Ðài Tiếng nói Việt Nam, phản ánh sự giao thoa giữa tư duy bao cấp và kinh tế thị trường, đồng thời đặt nền móng cho các khu đô thị mới.
Giai đoạn hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (2000 – 2025) mang đến các công trình biểu tượng như: Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Tòa nhà Viettel, Bảo tàng Lịch sử Quân sự… thể hiện phong cách hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, và xu hướng bền vững, nhưng cũng làm nổi bật sự phân hóa không gian giữa khu vực cao cấp và khu vực cũ.
KTS. Nguyễn Văn Hải nhận định: “Các công trình tiêu biểu này không chỉ đóng vai trò là ‘điểm nhấn’ (Landmarks) trong cảnh quan đô thị, mà còn lưu giữ ký ức lịch sử và văn hóa của Hà Nội, từ tinh thần tập thể hậu chiến đến tham vọng hội nhập toàn cầu”.
Tuy nhiên, theo ông Hải, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và xu hướng hậu hiện đại đôi khi đã làm mờ đi tính bản địa trong một số công trình, đặt ra câu hỏi về bản sắc đô thị Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Cung thiếu nhi Hà Nội là một thiết chế văn hóa quan trọng, mỗi công trình đánh dấu một thời kỳ lịch sử của Hà Nội – thời kỳ hiện đại Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Để tránh nguy cơ tụt hậu trong việc phát triển quy hoạch đô thị và nông thôn, GS-TS-KTS. Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, gợi mở cần xây dựng Chiến lược phát triển đô thị và nông thôn với tầm nhìn dài hạn, làm cơ sở để hoàn thiện chính sách phát triển đô thị, nông thôn cũng như để xây dựng hệ thống đô thị quốc gia theo hướng bền vững và có bản sắc.
Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác quy hoạch theo hướng tích hợp nhằm tạo lập môi trường sống bền vững, thân thiện, có khả năng chống chịu trước những ảnh hưởng tiêu cực của thiên nhiên, khí hậu, đồng thời có bản sắc riêng. Trong đó, chú trọng điều chỉnh quy trình lập đồ án và quy định về hồ sơ quy hoạch các cấp theo hướng khả thi và hiệu quả.

GS-TS-KTS. Nguyễn Quốc Thông phát biểu tham luận tại hội thảo.
Để thực hiện được những yêu cầu đổi mới nêu trên, theo GS-TS-KTS. Nguyễn Quốc Thông, cần giải pháp nâng cao năng lực quy hoạch đô thị và nông thôn thông qua các chương trình đào tạo liên tục và hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực quy hoạch của các chuyên gia. Bên cạnh đó chú trọng học tập kinh nghiệm quốc tế trong triển khai đồ án quy hoạch trên thực tế ở nước ta.

TS-KTS. Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phát biểu tổng kết hội thảo.
Về thực hiện nội dung kiến trúc trong quy hoạch đô thị và nông thôn, TS-KTS. Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhấn mạnh giới kiến trúc sư cần chủ động phát huy trong tâm thế chủ trì hoặc tham gia để có đóng góp sâu kỹ và hiệu quả hơn nữa.
Cần đi tiên phong trong triển khai thực hiện đồ án quy hoạch với tinh thần tiếp cận mô hình tiên tiến, khoa học của thế giới; ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số; tích hợp đầy đủ các yếu tố tự nhiên - văn hóa - xã hội - môi trường - khoa học công nghệ - kinh tế trong thiết lập và quản lý quy hoạch theo hướng xanh, bền vững hiện đại và giàu bản sắc, như đường lối chủ trương của Ðảng, Nhà nước đã đặt ra. Tránh quy hoạch phi nhân tính, không bám sát thực tiễn, không gắn kết cộng đồng, không tương thích tương lai, lãng phí tài nguyên đất đai.
Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các kiến trúc sư và giới chuyên môn với nhiều chủ đề phong phú, đa dạng, góp phần đánh giá khách quan, khoa học và toàn diện quá trình phát triển của kiến trúc nước nhà. Đặc biệt, các vấn đề của kiến trúc Việt Nam trong 50 năm qua đã được xâu chuỗi thành hệ thống theo chiều dọc thời gian và chiều ngang tích hợp các nhánh, thành “dòng chảy” đầy đủ và súc tích. Đồng thời, chỉ ra những ưu điểm và tồn tại, thách thức trong thực tiễn phát triển của ngành giữa bối cảnh kỷ nguyên mới.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Minh