Những bài học 'vỡ lòng'

Tôi đến với nghề báo khá tình cờ. Quả thực từ khi còn học phổ thông tôi đã thích sách báo, từng lên rừng đốn củi bán lấy tiền đặt báo tháng. Đến khi trở thành sinh viên đại học cũng tập tành viết tin, bài gửi đăng báo. Đồng bạc nhuận bút đầu tiên tôi không tiêu mà nâng niu ép vào sổ tay... Tôi tốt nghiệp đại học đúng lúc có lệnh tổng động viên. Đến lúc được ra quân, đang phân vân thì anh bạn thân bảo: 'Báo tỉnh đang tuyển phóng viên đấy, thử xem'. Thế là tôi ôm hồ sơ đến Báo Hà Sơn Bình.

Người tiếp và phỏng vấn tôi đầu tiên là nhà báo Phan Quảng - Trưởng ban Trị sự. Nhìn ông thương binh đã lớn tuổi, vẻ mặt khô khan, cách hỏi chuyện sát sạt như xoáy vào suy nghĩ của người khác, tôi thầm nghĩ: Ông này “hắc xì dầu” đây! Sau này tôi mới biết nhà báo Phan Quảng mất một chân khi đang tác nghiệp về trận đánh trả máy bay Mỹ trên bầu trời huyện Ba Vì, ông được tặng thưởng danh hiệu Nhà báo dũng cảm và Huy hiệu Bác Hồ. Ông không đọc hồ sơ mà hỏi tôi rất kỹ rồi ghi chép cẩn thận vào sổ tay. Kết thúc buổi phỏng vấn, ông hạ kính, giục tôi uống nước, nở nụ cười hồn hậu và nói một câu khiến tôi vừa mừng vừa cảm động, thay đổi ngay cách nghĩ về ông: “Em đã qua bộ đội, trưởng thành, thế là tốt rồi. Nhưng về làm báo ở đây vẫn xa vợ con, vất vả đấy, có ngại ngần gì không?”.

Người trực tiếp thử tay nghề tôi là Trưởng ban Biên tập Xuân Hưng (sau này là Phó Tổng Biên tập và Quyền Tổng Biên tập Báo Hà Tây). Anh giới thiệu tôi xuống Hợp tác xã Đa Sĩ (lúc đó thuộc thị xã Hà Đông) viết về cây khoai lang vụ đông. Nói tới Đa Sĩ, nhiều người biết đó là làng nghề rèn dao kéo nổi tiếng. Cũng vì có nghề phụ nên việc canh nông người dân chỉ làm tranh thủ là chính, nhất là vụ đông thì chẳng mấy ai mặn mà. Hôm sau, đọc bản thảo bài “Vì sao cây khoai lang đông ở Đa Sĩ giảm sút?” của tôi, anh Xuân Hưng trợn mắt hỏi:

- Hôm nọ ông có học Nghị quyết Trung ương chưa?

- Dạ học rồi! Chúng em chỉ tập trung vào vấn đề lực lượng vũ trang thôi.

Anh Xuân Hưng dịu giọng:

- Cũng phải!

Rồi anh tận tình chỉ dẫn:

- Nói về viết thì bài của ông ổn rồi. Bài đã chỉ ra nguyên nhân chính là người nông dân Đa Sĩ tham làm nghề phụ kiếm thêm thu nhập mà lơ là sản xuất lương thực. Nhưng Nghị quyết Trung ương vừa chỉ rõ là các địa phương cần “triệt để khai thác tiềm năng” để phát triển kinh tế, vậy tại sao không khuyến khích họ vừa phát triển thế mạnh nghề truyền thống, vừa tích cực sản xuất nông nghiệp phục vụ chiến lược lương thực của Nhà nước? Vấn đề là phương cách lãnh đạo, quản lý, cơ chế khuyến khích thế nào để người dân hưởng ứng mà thôi...

Tôi như người thấm rượu bị giội nước, tỉnh ra. Vốn là lính quanh quẩn ở rừng U Minh, các vấn đề xã hội bên ngoài còn rất ngu ngơ, làm sao có được khả năng suy nghĩ thấu đáo như thế chứ. Bài học đầu tiên của một nhà báo bậc thầy lúc đó về kỹ năng tư duy, phát hiện và đề xuất vấn đề ấy đã cho tôi một cú hích về phương pháp công tác trong suốt mấy chục năm làm báo sau này. Nhất là cho tôi sự say mê với đề tài đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Nếu như nhà báo Xuân Hưng bỗ bã, thẳng thừng nhưng cũng rất tận tình giúp tôi thử việc thì Tổng Biên tập Đắc Hữu lại rất nhẹ nhàng, tinh tế trong cách làm việc. Ông gợi ý tôi viết về cây lúa ở Văn Phú (thuộc thị xã Hà Đông). Đọc bản thảo bài viết của tôi rất kỹ nhưng ông không nhận xét gì mà cầm tấm ảnh tôi chụp một lão nông Văn Phú đang phun thuốc trừ sâu cho lúa, nhỏ nhẹ:

- Tác giả chụp được ảnh ở hiện trường thế này là rất tốt. Nhưng tấm ảnh này không dùng được, sai sự thật!

Tôi hoang mang quá, cố khẳng định mình chụp tấm ảnh ở giữa cánh đồng Văn Phú. Nhà báo Đắc Hữu vẫn nhẹ nhàng:

- Thứ nhất, không ai phun thuốc bảo vệ thực vật giữa trưa hè nắng gay gắt. Thứ hai, sao lại để cho mấy ông lớn tuổi gầy gò thế này tiếp xúc với thuốc trừ sâu?

Tôi ớ người, cố vớt vát:

- Dạ thưa Tổng Biên tập, em đề nghị Chủ nhiệm Hợp tác xã cử Đội thanh niên bảo vệ thực vật ra đồng nhưng Chủ nhiệm chỉ điều cho mấy bác lớn tuổi ra, thành thử...

Lúc này, nhà báo Đắc Hữu mỉm cười, chậm rãi giảng giải mà như tâm sự:

- Văn Phú là điển hình về thâm canh lúa của tỉnh, đã tổng kết, giới thiệu rộng rãi cho các nơi học tập. Báo chí đã viết khá nhiều về nhân tố này rồi. Tôi cử anh xuống là có ý xem anh có phát hiện gì mới không. Với một người đang thử viết báo như anh, tiếp cận trúng vấn đề và thể hiện bài viết như vậy là được. Duy có bức ảnh, đồng ý là anh bố trí chụp tại hiện trường, nhưng dấu hiệu sắp xếp rất rõ rệt và phạm nhiều sai sót cả về kỹ thuật lẫn tính nhân văn. Đây là điều tối kỵ trong báo chí. Chúng ta chỉ có quyền làm cho sự thật rõ hơn chứ không được phép thông tin sai sự thật.

Rồi ông lấy ra một bức ảnh đưa cho tôi xem và bảo:

- Có rất nhiều cách để chuyển tải thông tin bằng ảnh, chẳng hạn như bức này, kỹ thuật chụp rất tốt mà thông tin chứa đựng trong đó cũng rất sâu sắc.

Tấm ảnh thể hiện một cô gái trẻ mặc áo nâu, quần vải đen xắn đến đầu gối, cổ quấn khăn rằn rất duyên, đang đưa hai tay vòng ra sau lưng làm động tác xốc chiếc bình phun thuốc trừ sâu trên lưng lên. Dáng người cô gái như đang vươn về phía trước một cách khỏe khoắn, miệng cười tươi tắn... Phải nói đó là một tấm ảnh đẹp cả về nội dung, bố cục lẫn kỹ thuật nhiếp ảnh. Ở một tầng nghĩa sâu hơn, người ta có thể liên tưởng tới một thông điệp: Tuổi trẻ xốc vác, luôn vươn tới phía trước!

Mới chỉ "chạm chân vào cửa" cơ quan báo thôi chứ chưa chính thức trở thành nhà báo mà tôi đã may mắn nhận được nhiều bài học quý giá về nghề, về tình người, về lương tâm, trách nhiệm và sự dấn thân của người làm báo như thế đấy.

Đã suýt soát bốn mươi năm trôi qua mà những kỷ niệm ấy với tôi vẫn như vừa mới hôm qua... Ngần ấy thời gian, và chắc chắn còn mãi về sau này nữa, tôi luôn nhớ ơn và trân trọng những nhà báo kỳ cựu, những người thầy đầu tiên kể trên và tất cả những nhà báo đàn anh khác ở Báo Hà Sơn Bình, Báo Hà Tây đã cho tôi tâm thế vào nghề, giúp tôi đi hết hành trình của một người làm báo.

Thái Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1045190/nhung-bai-hoc-vo-long