Những cơ hội mở ra trong kỷ nguyên mới cho quan hệ Việt - Mỹ

Trong kỷ nguyên mới của Việt Nam, mối quan hệ Việt - Mỹ đứng trước nhiều cơ hội để phát huy nhiều tiềm năng hợp tác quan trọng, có giá trị cao.

Ba thập niên sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam (VN) và Mỹ đã từng bước tạo ra nhiều nền tảng vững chắc về lòng tin lẫn hợp tác, thúc đẩy các mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, hướng tới tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Từ niềm tin chiến lược đến trụ cột kinh tế song phương

Theo TS Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak - Singapore (ISEAS), một trong những yếu tố then chốt cho sự phát triển này là “sự hình thành và củng cố niềm tin chiến lược giữa hai nước”, đặc biệt từ năm 2003 khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đạt đỉnh cao mới vào năm 2023 với đối tác chiến lược toàn diện.

Niềm tin ấy, theo TS Giang, không đơn thuần là thiện chí chính trị mà còn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và nhận thức sâu sắc về các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh khu vực và đứt gãy chuỗi cung ứng.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với đoàn doanh nghiệp của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN năm 2023. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với đoàn doanh nghiệp của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN năm 2023. Ảnh: VGP

Theo TS Giang, VN và Mỹ có khả năng bổ trợ cho nhau trên nhiều phương diện. “VN là điểm đến đầu tư tiềm năng với lực lượng lao động trẻ và vị trí địa chiến lược thuận lợi, trong khi Mỹ là quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ hàng đầu thế giới. Chính sự bổ trợ này giúp tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ kinh tế song phương” - TS Giang nhận định.

Cũng nhìn lại quá trình này, GS David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc ĐH Tufts (Mỹ), cho rằng động lực ban đầu đến từ các bước đi ngoại giao chủ động của VN, đặc biệt làm việc với các thượng nghị sĩ Mỹ để tái thiết lập quan hệ. Sau khi quan hệ thương mại được bình thường hóa, VN nhanh chóng gia nhập các nhóm thương mại quốc tế, đến năm 2007 chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

“Tất cả điều đó sẽ không thể có nếu không có nỗ lực ngoại giao từ phía VN, không chỉ với Mỹ, dù Mỹ rất quan trọng, mà còn với nhiều nước khác. Chiến lược “ngoại giao cây tre” hiện nay của VN - cố gắng giữ quan hệ tốt với tất cả các bên - tôi cho là rất đúng đắn” - ông Dapice nhận định với báo Pháp Luật TP.HCM.

Hệ thống pháp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại xuất khẩu. GS Dapice nhận định rằng “cách đối xử với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở VN là một yếu tố quan trọng”, nhìn chung hệ thống hiện nay đang “có tính cạnh tranh ở khía cạnh này”.

Hợp tác trong lĩnh vực mới

Trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, VN và Mỹ đã cam kết đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch, chuyển đổi số, AI và bán dẫn. TS Giang đánh giá đây là “bước đi chiến lược của cả hai bên”. Theo ông, Mỹ tìm cách củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và đa dạng, còn VN có cơ hội “nâng cấp nền kinh tế, vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị”.

VN hiện sở hữu nhiều lợi thế để thúc đẩy hợp tác kinh tế - đầu tư, như nguồn nhân lực trẻ, nền tảng STEM (khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học) ngày càng được cải thiện, cùng tiềm năng trong một số lĩnh vực công nghiệp quan trọng…

TS Giang cũng lưu ý rằng việc duy trì quan hệ hợp tác bền vững đòi hỏi cả hai phía phải có những cơ chế phối hợp linh hoạt, ổn định và mang tầm nhìn dài hạn, nhất là trong bối cảnh môi trường quốc tế luôn tiềm ẩn thay đổi.

GS Dapice thì đưa ra góc nhìn cụ thể hơn về từng lĩnh vực hợp tác. Trong lĩnh vực công nghệ cao, ông cho rằng VN nên lựa chọn các khâu phù hợp trong chu trình sản xuất như thiết kế chip, kiểm thử và lắp ráp công nghệ cao. Ông Dapice đề xuất cần có “các đạo luật hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm và thu hút chuyên gia Việt kiều hồi hương” để thúc đẩy ngành công nghệ cao.

Song song đó, “doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng lợi nếu có thể tiếp cận tốt hơn với thông tin và nguồn vốn để nâng cấp sản phẩm”.

Trong lĩnh vực năng lượng xanh, Mỹ có thể hỗ trợ VN ở các mảng như “hiệu suất năng lượng, quản lý lưới điện hiện đại và sử dụng pin lưu trữ để ổn định hệ thống”. Mặc dù điện giá rẻ không phải yếu tố quyết định nhưng cung cấp điện ổn định và chất lượng cao sẽ thu hút FDI lớn.

Nhìn về dài hạn, TS Giang cho rằng để quan hệ kinh tế Việt - Mỹ tiến xa hơn, “cả hai nước cần chuyển từ lượng sang chất”.

“Trong giai đoạn tới, VN cần tập trung nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, đặc biệt về công nghệ, quản trị, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Cả hai bên cần một tư duy hợp tác mới - coi nhau như đối tác cùng phát triển dài hạn thay vì đơn thuần là bạn hàng thương mại” - TS Giang nhận định.

Trong khi đó, GS Dapice cho rằng suốt ba thập niên qua, kinh tế là chất keo bền vững trong quan hệ Việt - Mỹ. Trong kỷ nguyên mới, trụ cột này đang mở rộng theo chiều sâu với những lĩnh vực hợp tác giàu tiềm năng và chiến lược. Nhưng để vượt lên “bậc thang giá trị”, cả hai quốc gia đều cần sự chuyển mình thực chất, không chỉ về năng lực nội tại mà còn ở tư duy hợp tác. Niềm tin chiến lược và sự bổ trợ lẫn nhau, nếu được duy trì và mở rộng sẽ tiếp tục là nền tảng cho một chương mới trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ: Bền vững, cùng có lợi và thích ứng với một thế giới đang biến động.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-co-hoi-mo-ra-trong-ky-nguyen-moi-cho-quan-he-viet-my-post859554.html