Những điểm đáng chú ý trong thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Anh
Ngày 8/5, Tổng thống Donald Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại quan trọng giữa Mỹ và Anh, đánh dấu thỏa thuận đầu tiên kể từ khi ông áp đặt mức thuế cao đối với cả đồng minh và đối thủ hôm 2/4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington DC., ngày 27/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo trang CNA, thỏa thuận này sẽ giúp giảm thuế đối với ô tô hạng sang của Anh và dỡ bỏ hoàn toàn thuế đối với thép và nhôm, mặc dù mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa từ Anh vẫn giữ nguyên.
Khi công bố thỏa thuận trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Keir Starmer tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump cho biết, đổi lại, Anh sẽ mở cửa thị trường cho thịt bò và các sản phẩm nông sản khác của Mỹ.
Tuy nhiên, mặc dù thỏa thuận đã được công bố, các chi tiết cụ thể vẫn chưa hoàn tất, và ông Trump coi đây là mô hình để đàm phán với các quốc gia khác, như Trung Quốc, sau khi áp dụng thuế “Ngày giải phóng” hồi tháng 4.
Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng bày tỏ hài lòng với thỏa thuận này, gọi đây là một “ngày tuyệt vời và mang tính lịch sử”.
Tăng cường tiếp cận thị trường
Mặc dù mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa từ các quốc gia đối tác vẫn có hiệu lực, thỏa thuận giữa Mỹ và Anh sẽ tạo cơ hội lớn hơn cho các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ. Theo Nhà Trắng, thỏa thuận này dự kiến sẽ mang lại thêm 6 tỷ USD cho ngân sách của Mỹ nhờ vào các khoản thu từ thuế quan mới.
Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ phải trải qua một quá trình xem xét kỹ lưỡng trước thời hạn đàm phán vào tháng 7. Một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận này có thể không dễ dàng được áp dụng cho các quốc gia khác, vì tình hình của Anh có những yếu tố đặc thù.
Ông Josh Lipsky, người phụ trách kinh tế quốc tế tại Hội đồng Đại Tây Dương, chia sẻ: “Đây là cơ hội dễ dàng nhất mà chính quyền có thể tận dụng. Thỏa thuận này gửi đi một thông điệp rằng các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ trở nên phức tạp hơn, bởi vì tình hình của Vương quốc Anh có những yếu tố đặc thù và sẽ khó có thể áp dụng tương tự cho các quốc gia khác”.
Ngành công nghiệp ô tô của Anh

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Liverpool, Anh. Ảnh: THX/TTXVN
Ngành ô tô Anh là bên hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận này. Trước đây, ô tô xuất khẩu từ Anh sang Mỹ bị áp thuế 27,5%. Tuy nhiên, theo thỏa thuận mới, thuế xuất khẩu sẽ giảm xuống còn 10% đối với 100.000 ô tô đầu tiên. Sau mức này, các lô hàng bổ sung sẽ phải chịu thuế 25%. Số lượng 100.000 xe gần như bằng tổng số ô tô mà Anh đã xuất khẩu sang Mỹ trong năm trước.
Thép và nhôm
Một trong những điểm quan trọng trong thỏa thuận này là việc Mỹ dỡ bỏ thuế 25% đối với thép và nhôm xuất khẩu từ Anh. Đây là con số tương đối nhỏ về mặt thương mại nói chung, chỉ bao gồm khoảng 925 triệu USD/năm.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết thỏa thuận này nhằm thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia chung giữa hai quốc gia và tạo dựng một liên minh mới trong lĩnh vực thép và nhôm. Tuy nhiên, mức thuế 0% đối với thép và nhôm vẫn chưa được xác nhận một cách chính thức.
Nông sản
Thỏa thuận này cũng mang lại cơ hội mới trị giá 5 tỷ USD cho các nông dân và nhà sản xuất nông sản của Mỹ, trong đó có 700 triệu USD từ xuất khẩu ethanol và 250 triệu USD từ các sản phẩm nông sản khác, đặc biệt là thịt bò.
Mặc dù trước đây, việc xuất khẩu thịt bò từ Mỹ sang Anh đã gặp phải nhiều tranh cãi, đặc biệt là về các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, thỏa thuận mới này đảm bảo rằng thịt bò Mỹ có thể được xuất khẩu sang Anh mà không vi phạm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hiện hành. Đồng thời, Anh cũng được miễn thuế đối với 13.000 tấn thịt bò.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, ông Brooke Rollins, cho biết thỏa thuận này sẽ “tạo ra sự gia tăng mạnh mẽ trong lượng thịt bò xuất khẩu của chúng tôi.”
Mặc dù Mỹ sẽ tiếp cận thị trường Anh theo cách mới và rộng mở hơn, nhưng Phố Downing khẳng định rằng “tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Anh sẽ không bị ảnh hưởng”.
Những lĩnh vực không có trong thỏa thuận

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Liverpool, Anh. Ảnh: THX/TTXVN
Các mối đe dọa về việc áp thuế đối với dược phẩm không được đề cập trong thỏa thuận này. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã cam kết sẽ tạo ra một “chuỗi cung ứng an toàn” cho các sản phẩm dược phẩm giữa hai quốc gia.
Ông Lipsky, từ Hội đồng Đại Tây Dương, chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng điều này cho thấy trong các cuộc đàm phán, những gì được đưa ra mới thực sự là những gì sẽ được thực hiện, chứ không phải chỉ là những lời đe dọa”.
Thỏa thuận này cũng không đề cập đến vấn đề thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Anh đã áp dụng đối với các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google và Meta. Thay vào đó, hai quốc gia đã đồng ý hợp tác để phát triển một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số nhằm giảm bớt thủ tục giấy tờ đối với các công ty Anh muốn xuất khẩu sang Mỹ.
Ngành công nghiệp phim ảnh Anh, cũng đã bày tỏ lo ngại về lời đe dọa của Tổng thống Trump đối với các bộ phim sản xuất ở nước ngoài. Mặc dù đây chỉ là một tuyên bố từ Tổng thống trên các phương tiện truyền thông, nhưng nếu thực sự được áp dụng, điều này có thể gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp phim ảnh trị giá hàng tỷ USD của Anh.
Có thể thấy dù được công bố nhanh chóng, nhưng thỏa thuận này vẫn còn thiếu nhiều chi tiết quan trọng và chưa hoàn toàn được xác nhận. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây không phải là một thỏa thuận hoàn chỉnh như ban đầu được mô tả, và nhiều vấn đề quan trọng vẫn cần được giải quyết.
Ông Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế trưởng của Capital Economics tại Bắc Mỹ, đã viết trong một lưu ý gửi cho khách hàng rằng: “Thỏa thuận thương mại ‘toàn diện và đầy đủ’ giữa Mỹ và Vương quốc Anh, mà Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Keir Starmer công bố vội vã hôm nay, thực tế lại không hoàn chỉnh như vậy”.
Ông cũng nhấn mạnh, như ông Trump đã thừa nhận trong cuộc họp báo, rằng “các chi tiết cuối cùng” vẫn cần phải được “hoàn thiện trong những tuần tới”