Những điều 'rất đặc biệt' trong quá trình đào tạo, cấp bằng tiến sĩ của Thượng tọa Thích Chân Quang

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải làm sáng rõ những điểm 'bất thường' xung quanh câu chuyện đào tạo, cấp bằng tiến sĩ cho Thượng tọa Thích Chân Quang.

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến quá trình tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng Tiến sĩ luật cho nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (sinh năm 1959, tức Thượng tọa Thích Chân Quang) tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Bởi, quá trình đào tạo, công nhận, cấp bằng tiến sĩ “thần tốc” của ông Vương Tấn Việt chỉ mất hơn 2 năm, chưa đầy 4 tháng (chưa tròn 28 tháng). Đây là điều “rất đặc biệt” về quá trình đào tạo, cấp bằng tiến sĩ của Thượng tọa Thích Chân Quang.

Cụ thể, ngày 15/1/2019, Thượng tọa Thích Chân Quang được công nhận tốt nghiệp và được cấp bằng Cử nhân ngành Luật, Văn bằng thứ 2 – vừa làm vừa học (tương đương hệ tại chức), xếp hạng tốt nghiệp loại Giỏi do Trường Đại học Luật Hà Nội cấp (lớp được mở tại trường Cao đẳng Bách Việt, TP. Hồ Chí Minh).

 Ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) nhận bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) nhận bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

Sau đó khoảng hơn 10 tháng, tức ngày 26/11/2019, ông Vương Tấn Việt trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019- 2023) theo Quyết định 4567/QĐ-ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội. Đến ngày 26/12/2019, ông Việt được công nhận nghiên cứu sinh theo Quyết định 5114/QĐ-ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội, ngành Luật Hiến pháp - Hành chính. Tức là để hoàn thành quá trình đào tạo, cấp bằng tiến sĩ này, cũng giống học viên khác, ông Thích Chân Quang phải mất 4 năm.

Tuy nhiên, ngày 9/12/2021, nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp trường tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Ngày 17/3/2022, ông Vương Tấn Việt được cấp bằng Tiến sĩ luật ngành luật Hiến pháp – Hành chính theo Quyết định số 1141/QĐ- ĐHLHN của Trường Đại học Luật Hà Nội. Đây là trường hợp hiếm gặp.

Theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối tượng học lên tiến sĩ bao gồm cử nhân, thạc sĩ. Trong đó, đối tượng cử nhân phải tốt nghiệp từ loại giỏi trở lên được học thẳng lên tiến sĩ.

Theo quy định về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội ban hành tháng 1/2019, thời gian đào tạo đối với người có bằng thạc sĩ là 3 năm tập trung; đối với người có bằng đại học là 4 năm tập trung liên tục.

Thực tế, đến ngày 2/4/2022, tức chỉ mất chưa đầy 28 tháng, ông Vương Tấn Việt đã được Trường Đại học Hà Nội cấp bằng tốt nghiệp Tiến sĩ ngành luật Hiến pháp – Hành chính. Một học viên được đào tạo, cấp bằng tiến sĩ “thần tốc” hiếm có ở Việt Nam (!?). Vì sao có điều đặc biệt như vậy?

Xin được dẫn dắt câu chuyện “đặc biệt” tiếp theo liên quan đến quá trình đào tạo tiến sĩ của Thượng tọa Thích Chân Quang thế này, ngày 7/6/2019, Trường Đại học Luật Hà Nội ra Thông báo tuyển sinh số 2190/TBTS-ĐHLHN về việc tuyển sinh nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019.

Theo đó: “Người dự xét tuyển nghiên cứu sinh phải đáp ứng các điều kiện sau: 1. Có một trong các văn bằng sau đây:

a) Bằng thạc sĩ luật học đúng ngành hoặc khác ngành đăng ký dự tuyển. Trường hợp thí sinh có bằng thạc sĩ luật học khác ngành đăng ký dự tuyển thì sau khi trúng tuyển, thí sinh phải học bổ sung kiến thức ở trình độ thạc sĩ của ngành đào tạo tiến sĩ đã trúng tuyển.

b) Bằng cử nhân luật hệ chính quy loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước (được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân ngành luật, luật kinh tế, luật quốc tế, luật thương mại quốc tế) cấp....”. Đây là những điều kiện đầu vào đầu tiên được xét đến đối với mọi nghiên cứu sinh tiến sĩ mà trường Đại học Luật Hà Nội áp dụng bấy lâu nay.

Song đến ngày ngày 30/9/2019, Trường Đại học Luật Hà Nội có Thông báo về việc đính chính thông tin về điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh trong Thông báo tuyển sinh nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019 để phù hợp với Quyết định số 261/QĐ-ĐHLHN.

Theo đó, đính chính thông tin về “điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh” trong Điểm b Mục 3 thông báo tuyển sinh số 2190/TBTS-ĐHLHN như sau: “3. Điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh: Có một trong các văn bằng sau đây: b) Bằng cử nhân luật loại giỏi trở lên do các trường đại học trong nước (được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân ngành luật, luật kinh tế, luật quốc tế, luật thương mại quốc tế) cấp”.

Như vậy, cũng nhờ việc đính chính thông tin về “điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh”, ông Vương Tấn Việt đã vượt qua “khe cửa hẹp” để đủ điều kiện học tiến sĩ mà không cần quan tâm đến điều kiện có “Bằng cử nhân luật hệ chính quy loại giỏi trở lên” như thông báo tuyển sinh ban đầu trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra (vì ông học hệ vừa làm vừa học). Đây cũng là điều vô cùng “đặc biệt” và may mắn với chính cá ông Vương Tấn Việt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo quá trình tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang)

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo quá trình tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang)

Nhìn lại bối cảnh lịch sử, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2022 – đúng thời điểm ông Vương Tấn Việt học tập, đào tạo, nghiên cứu và được cấp bằng tiến sĩ, khi ấy cả thế giới đang gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, tại Việt Nam cũng thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội. Thế nhưng, Thượng tọa Thích Chân Quang vẫn hoàn thiện mọi giáo trình đào tạo và hoàn thành xuất sắc Luận án tiến sĩ trước hạn hơn 1 năm. Đây chẳng là điều “rất đặc biệt” nữa với ông Vương Tấn Việt sao?

Xung quang sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hỏa tốc gửi Trường Đại học Luật Hà Nội yêu cầu báo về quá trình tuyển sinh đào tạo đối với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang). Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị trường Đại học Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo cụ thể về quá trình tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ (bao gồm cả việc nộp hồ sơ, phản biện, bảo vệ luận án...) và có minh chứng kèm theo đối với hồ sơ của ông Vương Tấn Việt; báo cáo gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong ngày 26/6 để tổng hợp.

Hải Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhung-dieu-rat-dac-biet-trong-qua-trinh-dao-tao-cap-bang-tien-si-cua-thuong-toa-thich-chan-quang-328274.html