Những đối tác mới ở châu Phi
Khi thảo luận về thương mại giữa châu Á và châu Phi, Trung Quốc thường được chú ý do ảnh hưởng kinh tế đáng kể của nước này ở khu vực. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Ấn Độ cũng âm thầm mở rộng quan hệ với châu Phi, mong muốn trở thành đối tác tiềm năng khác cho các nền kinh tế ở lục địa đen.
Hàn Quốc muốn tăng cường sức mạnh mềm ở lục địa đen
Theo trang Atlantic Council, năm 2022, thương mại song phương của Hàn Quốc với châu Phi đạt mức tăng trưởng đáng kể 29% so với cùng kỳ năm trước, lên tới hơn 20 tỷ USD. Sự gia tăng ấn tượng về khối lượng giao dịch đó cho thấy, cam kết của Hàn Quốc trong việc tăng cường quan hệ với châu lục này. Tầm nhìn của Tổng thống Yoon Suk-Yeol về việc biến Hàn Quốc thành “quốc gia then chốt toàn cầu” phù hợp với các mục tiêu của xứ sở kim chi nhằm tăng cường sức mạnh mềm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thiết lập sự hiện diện tại các thị trường mới nổi. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho đất nước kim chi bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thâm nhập thị trường mới, mà còn cung cấp cho các nước châu Phi nhiều lựa chọn hơn khi họ tìm kiếm cơ hội để đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng tăng của mình.
Để củng cố hơn nữa mối quan hệ với châu Phi, Hàn Quốc gần đây đã công bố sáng kiến K-Ricebelt trị giá 80 tỷ USD hôm 10.7, nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo ở 8 quốc gia châu Phi bao gồm Senegal, Gambia, Guinea, Ghana, Cameroon, Uganda, Kenya và Guinea-Bissau. Là một phần trong kế hoạch hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Seoul, dự án sẽ cung cấp giống lúa năng suất cao, xây dựng khu sản xuất hạt giống lúa với quy mô 50 - 100ha tại 8 nước, cung cấp thiết bị nông nghiệp, giúp châu Phi xây dựng hệ thống thủy lợi và các cơ sở hạ tầng nông nghiệp cần thiết khác, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ liên quan đến canh tác và quy hoạch cây trồng. Dự án cũng sẽ hỗ trợ các nước châu Phi về kỹ thuật quản lý sau thu hoạch và xây dựng cơ sở trữ thóc. Nó cho thấy, Hàn Quốc sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của lục địa đen, phù hợp với mục tiêu của châu Phi là đạt được an ninh lương thực và thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Theo giới chức Hàn Quốc, mục tiêu của sáng kiến là giúp các nước châu Phi có thể sản xuất được khoảng 2.000 tấn hạt giống được Hàn Quốc phát triển trong năm nay, và đến năm 2027 sẽ lên đến 10.000 tấn, cung cấp đủ lượng gạo cho 30 triệu người. Bộ trưởng Nông lâm Hàn Quốc Chung Hwang-keun thậm chí nhận định, chỉ cần đạt 70% mục tiêu này cũng có thể giải quyết phần lớn vấn đề nạn đói.
Trong tương lai gần, Tổng thống Yoon Suk-Yeol có kế hoạch tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc - châu Phi”, mời các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ châu Phi. Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong cam kết của Hàn Quốc với châu Phi, vì nó bổ sung sự tham gia của lãnh đạo cấp cao tại các hội nghị thượng đỉnh ngoài các cuộc họp cấp bộ trưởng hiện có như cuộc họp tham vấn chính sách Hàn Quốc - Liên minh châu Phi hay Đối thoại Seoul về châu Phi. Theo bước chân của Trung Quốc - nước đã tổ chức Diễn đàn cấp cao về hợp tác Trung - Phi từ năm 2000, Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành đối tác đáng tin cậy và chủ động trong khu vực.
Ấn Độ - nhân tố chủ lực mới ở châu Phi
Trong khi Trung Quốc có lịch sử thống trị thương mại Á - Phi, một sự thay đổi đáng chú ý đã diễn ra trong những năm gần đây. Hàn Quốc không phải là quốc gia châu Á duy nhất mở rộng thương mại với lục địa đen, mà Ấn Độ cũng nổi lên như nhân tố chủ chốt trong động lực này. Sự đa dạng hóa đối tác đó là bước phát triển tích cực cho các nền kinh tế châu Phi, giảm sự phụ thuộc vào một đối tác thương mại duy nhất và tạo ra các mối quan hệ thương mại cân bằng hơn.
Kể từ năm 2000, thương mại của Ấn Độ với châu Phi tăng hơn 20 lần, đạt hơn 97 tỷ USD về khối lượng thương mại song phương, vượt qua khối lượng thương mại với Mỹ. Sau Nam Á, châu Phi là khu vực nhận hỗ trợ nước ngoài lớn thứ hai của Ấn Độ với hạn mức tín dụng (LOC) trị giá gần 10 tỷ USD (42% trên tổng số) trải rộng trên 100 dự án ở 41 quốc gia. Mối quan hệ đôi bên đặc biệt được thúc đẩy mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Ấn Độ - châu Phi (IAFS) vào năm 2015.
Một khác biệt đáng kể giữa thương mại của châu Phi với Trung Quốc và các nước như Ấn Độ và Hàn Quốc là mức độ cân bằng trong mối quan hệ của họ. Trong khi Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thô, đặc biệt là nhiên liệu và hàng hóa, từ châu Phi và đổi lại xuất khẩu hàng hóa sản xuất, Ấn Độ và Hàn Quốc thể hiện mô hình thương mại cân bằng hơn. Thâm hụt thương mại với Ấn Độ và Hàn Quốc lần lượt ở mức 4,5 tỷ USD và 1,7 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với mức thâm hụt thương mại 47 tỷ USD của châu Phi với Trung Quốc vào năm 2022.
Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi về tổng khối lượng giao dịch, vẫn có ý kiến lo ngại rằng sự thống trị này có thể không được duy trì trong dài hạn. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 khá mong manh, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu của châu Phi giảm. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế chậm lại và tình trạng trì trệ về nhân khẩu học có thể làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa châu Phi. Hơn nữa, Trung Quốc đã giảm quy mô cho vay phát triển do gánh nặng nợ không bền vững ngày càng tăng ở châu Phi, dẫn đến ít dự án cơ sở hạ tầng hơn.
Hội chợ triển lãm thương mại và kinh tế Trung - Phi gần đây là bằng chứng về những cơn gió ngược mà Trung Quốc phải đối mặt. Các giao dịch trị giá 10,3 tỷ USD được ký kết tại triển lãm thấp hơn đáng kể so với khối lượng được ký kết vào năm 2021. Những diễn biến trên đặt ra câu hỏi về tính bền vững của vai trò là đối tác thương mại chính của Trung Quốc ở châu Phi.
Trước những thách thức đó, các quốc gia châu Á khác, đặc biệt là Hàn Quốc và Ấn Độ, sẵn sàng bước vào và lấp đầy khoảng trống. Các sáng kiến đầu tư và thương mại mở rộng của họ thể hiện cách tiếp cận chủ động để gắn kết với các nền kinh tế châu Phi. Bằng cách cung cấp nguồn tài chính thay thế và thúc đẩy các mối quan hệ thương mại cân bằng hơn, Hàn Quốc và Ấn Độ mang đến cho các nước châu Phi sự linh hoạt và nhiều cơ hội lựa chọn hơn trong quan hệ đối tác kinh tế của họ.