Những người 'thắp lửa' làng nghề

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng, để làng nghề vận hành hiệu quả và trở thành điểm nhấn du lịch, cần sự phối hợp liên ngành, đẩy mạnh quảng bá và hỗ trợ nghệ nhân nâng tầm sản phẩm.

Mô hình du lịch trải nghiệm thủ công độc đáo

Là hoạt động mở màn cho Tuần Du lịch Ninh Bình 2025, sự kiện “Không gian làng nghề Ninh Bình” đã chính thức khai mạc tại xã Ninh Hải (TP. Hoa Lư) như một nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa bàn tay nghệ nhân và trái tim người lữ khách. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Di sản dành cho cuộc sống”.

Không còn đơn thuần là trưng bày, “Không gian làng nghề” được tổ chức như một bảo tàng sống ngoài trời với 5 cụm nghệ thuật đặc trưng, đại diện cho năm làng nghề tiêu biểu của Ninh Bình: thêu ren Văn Lâm, đan cói Kim Sơn, gốm Bồ Bát, dệt lụa tơ tằm và chạm khắc đá Ninh Vân.

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm Gốm Bồ Bát Ninh Bình (Ảnh: Minh Đường).

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm Gốm Bồ Bát Ninh Bình (Ảnh: Minh Đường).

Tại không gian làng nghề truyền thống, du khách không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công tinh xảo mà còn được trực tiếp trải nghiệm, tự tay thực hiện các công đoạn chế tác dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân kỳ cựu – những người đã dành cả đời để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.

Nghệ nhân Thu Trang, người có hơn 40 năm gắn bó với nghề thêu ren Văn Lâm chia sẻ về hành trình của nghề thêu qua nhiều thăng trầm.

"Tôi đã chứng kiến những năm tháng thịnh vượng của nghề thêu, rồi cũng có lúc tưởng chừng như nghề này sẽ bị quên lãng", bà Trang tâm sự. "Hôm nay, với không gian này, được gặp gỡ du khách, chỉ dẫn họ từng đường kim mũi chỉ, tôi cảm thấy như nghề của mình đã được thắp lại ngọn lửa", bà Trang nói.

Mỗi ngày, bà Trang tiếp đón khoảng 30–40 lượt khách, có những ngày đông hơn, gần cả trăm người.

"Khách rất ngạc nhiên và thích thú khi tự tay thêu lên một tấm khăn nhỏ. Nhiều người nói đây là kỷ niệm đẹp nhất trong chuyến đi Ninh Bình của họ", bà xúc động. "Tôi chỉ mong rằng qua những trải nghiệm nhỏ như vậy, người trẻ sẽ hiểu và trân trọng cái đẹp của nghề và hy vọng sẽ có người yêu thích, gắn bó, kế tục nghề truyền thống của cha ông".

Tại Không gian Làng nghề, du khách có nhiều trải nghiệm thú vị (Ảnh: Minh Đường).

Tại Không gian Làng nghề, du khách có nhiều trải nghiệm thú vị (Ảnh: Minh Đường).

Với sự công nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làng nghề thêu ren Văn Lâm đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà Trang cũng chia sẻ rằng, thời gian qua chính quyền tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, điển hình là chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), giúp các sản phẩm thêu ren của làng có cơ hội trưng bày tại các lễ hội lớn và các sự kiện du lịch của tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm thêu ren Văn Lâm không chỉ được giới thiệu rộng rãi trong nước mà còn ra thế giới.

Không chỉ có nghề thêu, các làng nghề khác như đan cói Kim Sơn, gốm và chạm khắc đá cũng nhận được sự quan tâm lớn từ du khách. Tại khu trải nghiệm đan cói Kim Sơn, du khách từ những bước đầu lóng ngóng dần trở nên thành thạo, tạo ra những sản phẩm nhỏ xinh như lót ly, vòng đeo tay hay đơn giản là mang về một ký ức đậm đà hồn quê.

Nghệ nhân Đỗ Văn Tấn (xóm 2, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn) cho biết, năm nay ông mang đến các sản phẩm truyền thống từ cói như túi, đĩa, làn, mũ,... cùng nhiều sản phẩm mới như nón và quạt cói để giới thiệu tới khách du lịch.

Đặc biệt, những sản phẩm thủ công này sẽ được trưng bày, bày bán tại sự kiện.

“Chúng tôi còn thiết kế một khu trải nghiệm riêng để du khách có thể trực tiếp tìm hiểu quy trình làm cói, từ khâu sơ chế đến hoàn thiện sản phẩm. Mỗi sản phẩm không chỉ là vật dụng, mà còn là kết tinh của tình quê, hồn nghề mà chúng tôi muốn gửi gắm đến người xem”, ông Tấn chia sẻ.

Ông cho biết thêm, nhiều du khách sau khi trải nghiệm đã chọn mua sản phẩm mang về làm quà, xem đó như món lưu niệm đậm chất Ninh Bình.

“Kể từ khi nghề đan cói Kim Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, làng nghề như được tiếp thêm sức sống. Người dân không chỉ có thêm thu nhập mà còn thấy tự hào hơn với nghề truyền thống của cha ông”, ông Tấn bày tỏ.

Đã đến lúc thay đổi tư duy du lịch

Dưới tác động mạnh mẽ của công nghiệp hóa, toàn cầu hóa và tình trạng thiếu hụt lực lượng kế cận, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một. Trong bối cảnh ấy, mô hình kết hợp giữa bảo tồn làng nghề và phát triển du lịch mà Ninh Bình đang triển khai được xem là một hướng đi tiềm năng, giàu tính bền vững.

Việc đưa sản phẩm thủ công vào chuỗi trải nghiệm du lịch không chỉ nâng tầm giá trị hành trình của du khách, mà còn mở ra cơ hội sinh kế cho người dân, khơi dậy niềm tự hào và giữ chân người trẻ gắn bó với nghề. Đây là cách tiếp cận mà văn hóa trở thành nền tảng, con người là trung tâm và cộng đồng đóng vai trò chủ thể.

Các đại biểu tham quan các gian trưng bày sản phẩm Làng nghề (Ảnh: Minh Đường).

Các đại biểu tham quan các gian trưng bày sản phẩm Làng nghề (Ảnh: Minh Đường).

Tuy tự hào khi Ninh Bình liên tục được các nền tảng quốc tế như Booking, Tripadvisor hay Travelers vinh danh là điểm đến hấp dẫn và thân thiện, ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình thẳng thắn nhìn nhận: “Thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách vẫn còn thấp, chủ yếu do thiếu sản phẩm du lịch mang chiều sâu văn hóa và chưa có chuỗi trải nghiệm liền mạch”.

Từ đó, vị Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, không gian làng nghề được xác định là một “giải pháp cấp thiết” – nơi kết hợp trình diễn, hướng dẫn, trải nghiệm và tiêu dùng tại chỗ.

“Đây là bước đi cụ thể của ngành du lịch trong hiện thực hóa định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, con người và sản phẩm sáng tạo.

Trong đó, làng nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc điểm đến, góp phần tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch giàu chiều sâu, đậm tính trải nghiệm và gắn kết với cộng đồng”, ông Mạnh nhấn mạnh.

Ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình.

Ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình.

Mặt khác, để không gian làng nghề vận hành hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành giữa chính quyền, doanh nghiệp lữ hành, nghệ nhân, nhà thiết kế và các đơn vị quản lý khu du lịch – điều vốn chưa từng có tiền lệ tại Ninh Bình.

Để giải bài toán này, ông Bùi Văn Mạnh đề xuất ba hướng đi then chốt đó là thành lập Ban quản trị và Tổ tự quản chuyên trách, gồm đại diện nghệ nhân, nhà thiết kế và Ban quản lý Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, hoạt động trên cơ sở một quy chế rõ ràng, minh bạch và được cam kết thực thi nghiêm túc.

Song song đó, cần phát huy vai trò chủ động của người dân, nghệ nhân và các cơ sở sản xuất trong việc xây dựng không gian làng nghề thành nơi vừa lưu giữ nghề truyền thống, vừa giới thiệu, kinh doanh sản phẩm thủ công, vừa là điểm đến lan tỏa cảm hứng văn hóa đến với du khách.

Đặc biệt, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành được kỳ vọng sẽ chủ động thiết kế các tour chuyên đề, đưa du khách đến trải nghiệm quy trình sản xuất, tương tác với nghệ nhân và mua sắm tại chỗ. Đây sẽ là mắt xích quan trọng, góp phần tạo ra dòng chảy văn hóa sống động trong chuỗi giá trị du lịch địa phương.

Về phần mình, Sở Du lịch Ninh Bình khẳng định sẽ đẩy mạnh quảng bá, kết nối tour tuyến, đồng thời huy động nguồn lực hỗ trợ nghệ nhân trong cải tiến mẫu mã, bảo hộ sở hữu trí tuệ và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa truyền thống đặc sắc và những sản phẩm linh hoạt, sáng tạo đã góp phần đưa Ninh Bình là điểm đến của du lịch xanh, bền vững và hiếu khách.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, Ninh Bình đón gần 5,61 triệu lượt khách, tăng 13,63% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch ước đạt gần 6.057 tỷ đồng, tăng 31,02%.

Kết quả này không chỉ cho thấy sức hấp dẫn của điểm đến Ninh Bình mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu đón trên 9,1 triệu lượt khách, doanh thu trên 10.000 tỷ đồng mà ngành đặt ra trong năm 2025.

Ma Thị Kim Thoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-nguoi-thap-lua-lang-nghe-204250503160611426.htm