Những người thắp lửa văn hóa truyền thống
Trong không khí tươi mới của ngày xuân, những làn điệu dân ca lại được dịp ngân vang, các làn điệu dân vũ, múa sư tử mèo rộn ràng, sôi nổi trên khắp các làng, bản trong các lễ hội xuân của Lạng Sơn, góp phần gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa những giá trị bản sắc văn hóa độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Lạng Sơn không thể không nhắc tới những nghệ nhân dân gian.
Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong đó, cộng đồng, đặc biệt là các nghệ nhân đóng vai trò chủ thể trong "nắm giữ" giá trị quý báu của các di sản văn hóa. Di sản văn hóa phi vật thể chủ yếu được lưu truyền cho đời sau bằng hình thức truyền khẩu, vì thế nghệ nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển các di sản văn hóa.
Trong chương trình Gặp mặt văn nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Lạng Sơn diễn ra vào ngày 23/11/2024 vừa qua, chúng tôi có dịp gặp lại gương mặt quen thuộc trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, đó là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Vi Thị Liên (huyện Văn Quan). Những năm qua, bà đã tham mưu lãnh đạo huyện tổ chức liên hoan hát dân ca các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ cấp huyện hằng năm. Bà cũng tham gia nhiều hội thảo về tìm hiểu, nghiên cứu tri thức văn hóa bản địa và tham gia xây dựng nhiều chương trình, tiết mục phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của tỉnh, huyện.
Với những đóng góp của bà, trong chương trình gặp mặt, bà vinh dự được nhận giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho các cá nhân có thành tích trong hoạt động văn hóa nghệ thuật và bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nhân dịp kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) năm 2024. Bà Liên cho biết: Việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian và trực tiếp tham gia truyền dạy các di sản quý giá của dân tộc trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ luôn được tôi xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Bởi xã hội hiện đại với những luồng văn hóa mới dễ khiến người ta quên đi những giá trị văn hóa truyền thống. Từ năm 2015 đến nay, tôi đã truyền dạy các làn điệu dân ca (đặc biệt là hát lượn) cho hơn 500 học viên.
Cũng như bà Liên, NNƯT Hoàng Thị Thúy (huyện Văn Lãng) cũng dành trọn tình yêu, tâm huyết của mình với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát then, đàn tính, điệu múa chầu. Từ năm 2017 đến nay, đều đặn hằng tuần không quản ngày đêm, mưa nắng, bà đến các trường học, thôn, bản trên địa bàn huyện truyền dạy được trên 30 lớp cho hơn 400 người biết hát then, đàn tính, múa chầu. Bên cạnh đó, bà còn sáng tác gần 20 bài then lời mới ca ngợi vẻ đẹp, nét đặc trưng riêng của quê hương Văn Lãng dựa trên các làn điệu then truyền thống.
Em Lăng Thùy Linh, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng chia sẻ: Khi còn là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT huyện, em đã được NNƯT Hoàng Thị Thúy truyền dạy những ngón đàn đầu tiên, những câu hát then "Lạng Sơn quê noọng". Em càng học, càng thêm say mê và yêu làn điệu dân ca của dân tộc mình. Hiện nay, em đang là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đàn tính cùng làn điệu then luôn được em biểu diễn trong các hoạt động của lớp, của trường với tất cả niềm tự hào của người con dân tộc Tày.
Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đang ngày đêm âm thầm, nỗ lực gìn giữ và “tiếp lửa” tình yêu di sản văn hóa truyền thống. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.500 nghệ nhân dân gian nắm giữ các loại hình di sản văn hóa phi thể như: tiếng nói và chữ viết, tập quán xã hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017 đến nay, các nghệ nhân đã tổ chức, phối hợp tổ chức và trực tiếp tham gia truyền dạy trên 500 lớp về di sản văn hóa phi vật thể cho hàng nghìn học viên trên địa bàn tỉnh.
Với sự nỗ lực của các nghệ nhân, số lượng các CLB, đội văn nghệ truyền thống trong toàn tỉnh những năm qua tăng lên đáng kể. Từ năm 2022 đến nay, có gần 100 đội, CLB văn hóa truyền thống được thành lập mới, nâng tổng số lên gần 300 đội, CLB văn hóa truyền thống trong toàn tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 9 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản văn hóa phi vật thể nhân loại được công nhận.
Quan tâm “dưỡng nguồn" di sản văn hóa
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám Đốc Sở VHTT&DL cho biết: Chăm lo tới các nghệ nhân là việc làm quan trọng giúp duy trì và phát triển di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, thời gian qua, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp như: vinh danh khen thưởng các nghệ nhân; tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa với vai trò hạt nhân của các nghệ nhân; mời các nghệ nhân tham gia truyền dạy di sản văn hóa cho thế hệ trẻ; hỗ trợ, mời các nghệ nhân trình diễn, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa du lịch trong và ngoài tỉnh…
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm, ngành VHTT&DL tổ chức từ 3 đến 5 đoàn nghệ nhân tham gia các hoạt động giao lưu tại một số sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh. Tại các sự kiện lớn của tỉnh, ngành đã tham mưu tổ chức nhiều hoạt động trình diễn di sản có sự tham gia của các nghệ nhân như: hát dân ca, múa sư tử mèo, trình diễn nghề dệt vải, nhuộm chàm, đan lát, làm bánh, quay vịt, quay lợn…
Đặc biệt, năm 2020, ngành VHTT&DL tổ chức thành công liên hoan dân ca cấp tỉnh lần thứ nhất, thu hút khoảng 400 lượt nghệ nhân tham gia; năm 2022 và năm 2024 tổ chức hội thi múa sư tử mèo. Cùng với ngành chuyên môn, các hội: bảo tồn dân ca, di sản văn hóa tỉnh những năm qua đã thực hiện tốt vai trò tập hợp, tạo điều kiện phát huy tinh thần, nhiệt huyết, niềm đam mê của các nghệ nhân đối với di sản.
Qua các hoạt động trên, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đã được các cấp, ngành quan tâm, hướng dẫn các thủ tục để được công nhận danh hiệu. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, ngành VHTT&DL đã triển khai việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Qua 3 lần tổ chức xét tặng, tỉnh đã gửi 46/50 hồ sơ đủ điều kiện để triển khai thực hiện các quy trình, thủ tục xét tặng theo quy định. Hiện nay Lạng Sơn có 34 nghệ nhân được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu, trong đó có 5 nghệ nhân nhân dân và 29 NNƯT.
Đặc biệt trong năm 2024 vừa qua, để động viên và khích lệ đội ngũ nghệ nhân tiếp tục cống hiến cho công tác bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, ngành VHTT&DL đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng chính sách và hỗ trợ 26 nghệ nhân người dân tộc thiểu số.
NNƯT Ninh Xuân Nhật, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Những năm qua, tôi nỗ lực truyền dạy các làn điệu dân ca, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình cho người dân và học sinh trên địa bàn. Vừa qua, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành về cơ sở vật chất và kinh phí tổ chức các lớp truyền dạy, tôi có thêm điều kiện để lan tỏa việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan. Tôi hy vọng rằng, thông qua những lớp học này, di sản văn hóa dân tộc sẽ sống mãi với thời gian.
Sự động viên kịp thời cho các nghệ nhân đã góp phần tạo động lực, củng cố, nâng cao hoạt động bảo tồn, giữ gìn các di sản văn hóa trong cộng đồng. Một năm mới nữa đã đến, với nhiệt huyết và những cố gắng không ngừng nghỉ của các nghệ nhân, tỉnh Lạng Sơn đã và đang góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mãi trường tồn và phát triển hơn nữa trong thời gian tới.