Nỗ lực tôn vinh văn hóa, con người Hà Tĩnh

Bằng sự nghiên cứu, sáng tạo, nhiều văn nghệ sỹ, chuyên gia nổi tiếng cả nước đã dành nhiều tâm huyết để lan tỏa, nhân lên những giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh tới bạn bè muôn phương.

NSND Nguyễn An Ninh (Nghệ An): Trăn trở đêm ngày để viết sử thi nghệ thuật về các nhân vật lịch sử.

Hà Tĩnh quê mình lạ lắm, một mảnh đất nhỏ bé mà sản sinh ra biết bao danh nhân, hiền tài, những anh hùng kiệt xuất trong lịch sử như đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; Anh hùng liệt sĩ Lý Tự Trọng - người thanh niên cộng sản đầu tiên. Chính vì vậy, tôi luôn khao khát, trăn trở để làm sao, bằng nghệ thuật tái hiện được cuộc đời chiến đấu, hy sinh của họ, nhất là những giây phút gác lại một bên tình cảm gia đình, sẵn sàng đón nhận cái chết để có ngày đất nước sạch bóng quân thù. Đó là sự hy sinh cao cả, tinh thần dũng cảm vô song khiến muôn đời sau biết ơn và ngưỡng mộ.

 Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh.

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh.

Tôi đã từng dùng các làn điệu ví, giặm để viết các sử thi nghệ thuật về các nhân vật lịch sử như: Mai Thúc Loan, Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp, Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng năm 2024, khi nhận lời viết kịch bản dân ca về đồng chí Trần Phú nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư, tôi trăn trở rất nhiều. Viết sử thi bằng dân ca về một nhân vật lịch sử mà dấu ấn lớn nhất là những trang Luận cương, làm sao chuyển tải được nội dung này để vừa toát lên tính tư tưởng, vừa lay động lòng người, ngày đêm tôi phải suy nghĩ. Tôi đã dành cả 1 đoạn hát dân ca 7-8 phút gồm cả ví, giặm, tứ hoa để tả chuyện Tổng Bí thư Trần Phú viết Luận cương, nơi gặp gỡ của đồng chí Trần Phú với Bác Hồ ở Trung Quốc. Tôi dùng những câu từ và hình ảnh ngọn đèn phía trời xa để diễn tả việc đồng chí Trần Phú đi tìm gặp Bác Hồ. Có thể nói kịch bản dân ca ví, giặm về Tổng Bí thư Trần Phú là một kịch bản tương đối đầy đủ, vừa có “chí khí chiến đấu” vừa tình cảm, sâu lắng. Với sự đạo diễn và biên đạo múa của các nghệ sĩ ưu tú: Duy Hải, Tuyết Minh và dàn diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, vở diễn đã thành công, góp phần lan tỏa tư tưởng, phẩm chất cao đẹp của đồng chí Trần Phú tới khán thính giả cả nước.

 Chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” do NSND Nguyễn An Ninh viết kịch bản, tại lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2024).

Chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” do NSND Nguyễn An Ninh viết kịch bản, tại lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2024).

Khi viết kịch bản và đạo diễn sân khấu vở sử thi nghệ thuật “Lý Tự Trọng, người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên” nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh anh Lý Tự Trọng, để toát lên tấm lòng yêu nước, lý tưởng chiến đấu, tinh thần cách mạng, ý chí bất khuất trước kẻ thù của người anh hùng trẻ tuổi, tôi chọn phân cảnh Lý Tự Trọng chia tay mẹ cha ở bản Mạy (Thái Lan) và phân cảnh Lý Tự Trọng trong tù (ở Sài Gòn) nhớ mẹ cha, ngâm Kiều giữa xà lim của kẻ địch, bất chấp đòn roi tra tấn. Đây là 2 phân cảnh làm người xem rơi nước mắt vì xúc động, cảm phục, biết ơn sâu sắc…

Sự kết hợp giữa tốp hát, múa, các phân cảnh kịch nói và dân ca làm cho chương trình nghệ thuật lay động người xem, chuyển tải đầy đủ, sâu sắc nội dung cuộc đời chiến đấu, hy sinh của Anh hùng Lý Tự Trọng. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, quyết tâm vượt gian khổ, khó khăn, xả thân vì nghĩa lớn.

Đạo diễn, biên kịch Nguyễn Vũ Hải (Hà Nội): Nguồn tài nguyên lớn khơi cảm hứng sáng tạo.

Tôi đã xây dựng hàng trăm chương trình nghệ thuật, vở kịch cho các sự kiện của hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Mỗi chương trình ở mỗi miền quê, tôi luôn dành thời gian để tìm hiểu kỹ về văn hóa, con người, danh nhân ở đó. Ở Hà Tĩnh, tôi đã từng thực hiện hàng chục chương trình lớn như: lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du; 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh; 245 năm ngày sinh và 165 năm ngày mất của Nguyễn Công Trứ; vở ca kịch Lời Bác dặn trước lúc đi xa…

 Đạo diễn, biên kịch Vũ Hải.

Đạo diễn, biên kịch Vũ Hải.

Tuy vậy, mỗi lần nhận lời mời thực hiện chương trình nghệ thuật về con người, văn hóa quê hương núi Hồng - sông La, tôi lại tràn đầy cảm hứng sáng tạo. Bởi, đối với tôi, Hà Tĩnh là vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa. Đây cũng là quê hương của danh nhân và di sản - điều khiến tôi luôn ngưỡng mộ, trân trọng. Trong 7 danh nhân được UNESCO vinh danh của cả nước, Hà Tĩnh có 2 người; Hà Tĩnh còn sở hữu 5 di sản văn hóa phi vật thể, tư liệu được thế giới ghi danh như: Dân ca ví, giặm; ca trù; Hoàng Hoa sứ trình đồ; Mộc bản Trường học Phúc Giang; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu. Về yếu tố chuyên môn trong công việc, có thể nói dân ca ví, giặm - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà Hà Tĩnh đang sở hữu - là chất liệu tuyệt vời để tôi sáng tạo trong các chương trình, vở diễn.

Dân ca ví, giặm không chỉ độc đáo về giai điệu, mang âm sắc đặc trưng của người Nghệ Tĩnh mà còn có thể chuyển tải một cách sâu sắc, gần gũi, chân thật và đi vào lòng người nhất khi phản ánh đời sống của con người nơi đây. Đó cũng là chất liệu góp phần giúp tôi nghệ thuật hóa các hình tượng về danh nhân. Nhờ ví, giặm, việc khắc họa những nét nổi bật về nhân cách, tài năng của các danh nhân như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Bác Hồ… trở nên xúc động, dễ lan tỏa trong các chương trình nghệ thuật.

 Chương trình nghệ thuật "Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông" do Nhà viết kịch Vũ Hải đạo diễn.

Chương trình nghệ thuật "Trăm năm ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông" do Nhà viết kịch Vũ Hải đạo diễn.

Năm 2024, tôi may mắn khi một lần nữa được thực hiện chương trình nghệ thuật nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Từ kịch bản văn học của nhà văn Đức Ban, tôi đã triển khai thành kịch bản sân khấu với màu sắc chủ đạo là ca kịch, kết hợp giữa kịch hát dân ca ví, giặm, vũ đạo và yếu tố hát chèo Bắc Bộ để làm nổi bật tài năng, nhân cách của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Trong đó, thể hiện sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa - vùng đất địa linh nhân kiệt Hưng Yên (quê nội) và vùng đất văn hóa, hiếu học Hà Tĩnh (quê ngoại) - đồng thời là nơi Lê Hữu Trác có gần 40 năm phát triển sự nghiệp y thuật, chữa bệnh cứu người.

Theo tôi, văn hóa, con người là nguồn tài nguyên lớn giúp Hà Tĩnh phát triển nền công nghiệp văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm nghệ thuật, du lịch hấp dẫn.

Ông Dương Minh Bình - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CBT Travel (TP Hồ Chí Minh): Nét văn hóa độc đáo là lợi thế phát triển du lịch cộng đồng.

Từng đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để hỗ trợ xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, tôi có nhiều cơ hội khám phá cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của nhiều vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, khi đến Hà Tĩnh, tôi khám phá ra vùng đất này có những nét văn hóa độc đáo khác lạ, có đặc trưng riêng, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.

 Ông Dương Minh Bình.

Ông Dương Minh Bình.

Sở dĩ tôi nhấn mạnh và mong muốn Hà Tĩnh trước tiên hãy bắt đầu bằng du lịch cộng đồng là vì nền tảng du lịch chưa thực sự nổi bật so với nhiều địa phương khác. Đây chưa phải là địa phương có ngành du lịch phát triển so với những tỉnh, thành như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh… Đầu tư vào mô hình du lịch cộng đồng chưa yêu cầu nguồn lực lớn nhưng có cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế về bản sắc văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên mang tính đặc trưng của Hà Tĩnh.

Các nguồn tài nguyên văn hóa đầu tiên của Hà Tĩnh để phát triển du lịch đó chính là hệ thống di sản vật thể và phi vật thể. Hà Tĩnh có nhiều đình chùa, miếu mạo, thắng cảnh gắn với nhiều câu chuyện về các danh nhân, nhân vật truyền thuyết như: chùa Hương Tích, Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, chùa Chân Tiên, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc…; có dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều. Cùng đó là các làng quê thanh bình yên ả, cảnh đẹp đa dạng từ núi đến sông, hồ, biển. Gắn với đó là các nghề truyền thống như đánh bắt hải sản gần bờ, trồng chè, làm trầm hương…

 Ông Dương Bình Minh trao đổi với cộng sự (ảnh trái) và cán bộ quản lý du lịch Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh trong chuyến khảo sát xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở Hà Tĩnh dịp tháng 5/2024.

Ông Dương Bình Minh trao đổi với cộng sự (ảnh trái) và cán bộ quản lý du lịch Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh trong chuyến khảo sát xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở Hà Tĩnh dịp tháng 5/2024.

Tôi đã đến khảo sát các làng quê ở Thạch Hà, Hương Khê, Đức Thọ…, có thể nói là rất tuyệt vời để xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng. Ví dụ như: nét đặc biệt của đồi chè Hương Trà (Hương Khê) gắn với hồ nước rộng trong vắt bên những làng quê NTM kiểu mẫu, gần đó có làng sản xuất trầm hương từ cây dó trầm; các làng quê ven sông La ở Đức Thọ có thể hình thành nên chuỗi du lịch trải nghiệm hấp dẫn; làng Yên Điềm (xã Thịnh Lộc, Thạch Hà) với sự kết hợp của không gian biển, đồng bằng, rừng núi sẽ tạo ra mô hình du lịch cộng đồng hút khách. Tuy nhiên, theo tôi, cái quan trọng nhất trong phát huy lợi thế xây dựng các mô hình hấp dẫn ở Hà Tĩnh vẫn phải có sự đầu tư bài bản, tập trung cao nhất cho chất lượng dịch vụ. Ngoài lợi thế về nét văn hóa độc đáo, cảnh quan đẹp, cần chú trọng định hướng ngay từ đầu là chất lượng phục vụ. Trước hết phải làm mẫu 1 điểm, làm thật tốt, thu hút được khách rồi mới nhân rộng mô hình.

Tôi đang hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng điểm ở xã Thịnh Lộc. Công tác xây dựng đang được triển khai theo quan điểm đây sẽ là mô hình mẫu có chất lượng dịch vụ đạt 5 sao. Dù mới bắt đầu nhưng nhiều đơn vị lữ hành trong nước từng kết nối các điểm đến thành công ở nhiều tỉnh, thành đã ngỏ ý đặt tour đến trải nghiệm. Hy vọng có sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành và địa phương trong hỗ trợ chủ mô hình xây dựng, đây sẽ là điểm đến thu hút du khách, mở ra một mô hình mẫu về du lịch cộng đồng cho các địa phương, người dân các vùng của Hà Tĩnh học tập nhân rộng trong tương lai.

Thiên Vỹ - Minh Huệ (Ghi)

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/no-luc-ton-vinh-van-hoa-con-nguoi-ha-tinh-post281831.html